Để làm ra thương hiệu oản nổi tiếng xa gần, bước đầu tiên là nấu đường kính với nước sau đó để nguội, đánh đều với nước hoa bưởi và vani cho tới khi đường kết tinh trở lại, có màu trắng đục. Đường ướt sau đó được trộn lẫn với bột nếp, tỷ lệ trộn đường với bột nếp của oản Tịnh Ngọc có bí quyết gia truyền riêng.
Tuy nhiên, để tạo ra thương hiệu lâu dài gia chủ phải biết thêm giảm nguyên liệu theo sự thay đổi của thời tiết , mới có thể ra được sản phẩm với độ dẻo, hương vị ưng ý.
Bánh oản được đóng bằng khuôn gỗ có dáng hình trụ tháp có chóp bằng và có nhiều kích cỡ từ to đến nhỏ để phục vụ theo ý của khách hàng. Đóng oản phải thật chắc tay để không cho bánh oản không bị vỡ vụn.
Mỗi khuôn đều khắc những họa tiết khắc hình rồng bay phượng múa ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa về lòng tôn kính, linh thiêng, thể hiện rất rõ nét tinh hoa của đất Kinh Kỳ xưa.
Chiếc oản sau khi được cho ra khỏi khuôn, trắng muốt và có mùi thơm ngào ngạt sẽ được chuyển qua khâu đóng gói bằng giấy gương ngũ sắc. Đặc biệt, không cần phụ gia bảo quản nhưng oản Tịnh Ngọc để 1 tháng mùi vị vẫn thơm ngon, còn nếu chỉ để bày, thì có thể dùng được tới 3 - 4 tháng.
Bánh oản là thứ bánh thơm ngon được người già và trẻ con đặc biệt ưa thích. Đây cũng là thứ không thể thiếu mỗi dịp lễ, tết của người Việt.
Trao đổi với phóng viên bà Loan cho hay, hiện nay, để phục vụ cho nhu cầu dâng lễ Thần Phật và trưng bày, gia đình còn sản xuất nhiều loại oản lớn, được trang trí cầu kỳ. Sự trân trọng nhất đối với sản phẩm chính là giữ cho những sản phẩm mình làm ra luôn sạch sẽ, để trước là không ''phải tội'' với Thần Phật, sau là giữ được ''cái đức'' cho con cháu.
Sản phẩm hoàn thiện được cung cấp cho mọi miền Tổ quốc.