Mới đây, Kyodo Senpaku, tập đoàn điều hành hoạt động săn bắt cá voi bằng tàu mẹ duy nhất trên thế giới đã tổ chức lễ khởi hành cho chuyến đi đầu tiên của tàu Kangei Maru, xuất phát từ cảng Shimonoseki, tỉnh Yamaguchi. Tàu dự kiến ra vùng biển ngoài khơi vùng Tohoku và Hokkaido từ ngày 25/5, kỳ vọng đánh bắt được 200 con cá voi trong năm nay.
Đây là tàu mẹ săn cá voi mới trị giá 7,5 tỷ yen (48 triệu USD) của Nhật Bản, xuất xưởng hồi tháng 3 để thay thế tàu tiền nhiệm Nisshin Maru sau ba thập kỷ hoạt động.
Theo AFP, tàu săn Kangei Maru được ví như một "nhà máy", có cả một khu chuyên dụng để chế biến thịt cá voi trước khi đưa vào bảo quản. Tàu Kangei Maru dài 113 m rộng 21 m, có lượng giãn nước 9.299 tấn, tầm hoạt động 13.000 km, đủ để đến biển Nam cực, với đội thuyền viên hơn 100 người. Tàu sẽ thay thế tàu săn cá voi Nisshin Maru đã ngừng hoạt động vào tháng 11/2023.
Cá voi vây trưởng thành nặng 42 tấn, dài 20 mét, một số cá thể có thể nặng tới 80 tấn. Săn cá voi vây đòi hỏi một đội tàu do tàu mẹ dẫn đầu, khiến Kyodo Senpaku trở thành đơn vị duy nhất trên thế giới có khả năng đánh bắt loài này.
Ngư dân Nhật hiện được phép đánh bắt cá voi minke, bryde, sei, trong đó cá voi sei được xếp vào diện "có nguy cơ tuyệt chủng" trong Sách đỏ. Giới chức Nhật cũng đang xem xét đưa cá voi vây, loài động vật lớn thứ hai sau cá voi xanh, vào danh sách.
Được biết, người Nhật săn bắt cá voi trong nhiều thế kỷ. Thịt cá voi là nguồn protein chính ở nước này trong thời hậu Thế chiến II, thậm chí còn là một phần trong thực đơn bữa trưa ngày nay tại các trường học ở Shimonoseki, địa phương có truyền thống đánh cá lâu đời.
Nhu cầu thịt cá voi giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây. "Chúng tôi muốn cải thiện điều này. Mục tiêu lớn nhất là thúc đẩy nhu cầu thịt cá và nâng cao nhận thức về đánh bắt cá", Shintaro Maeda, thị trưởng Shinmonoseki, nói, mô tả truyền thống này là "một phần bản sắc của người Nhật".
Song, hoạt động săn bắt cá voi của Nhật Bản đã gây ra sự phẫn nộ của các nhà hoạt động vì môi trường khắp thế giới. Chia sẻ với ABC, ông Lloyd Gofton, giám đốc điều hành của Blue Planet Society, nhấn mạnh việc săn cá voi vây là hành động “cực kỳ nguy hại”. Bởi lẽ, cá voi vây đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển và lưu trữ carbon.
Theo ông Gofton. việc tiêu thụ thịt cá voi của người dân Nhật Bản đã giảm đáng kể. Do đó, việc hạ thủy một con tàu săn cá voi mới trong thời điểm này là "không thể chấp nhận".