Cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục dở dang, nhếch nhác tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 - Ảnh: NAM TRẦN
Cuối năm 2014, hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 đặt tại tỉnh Hà Nam chính thức khởi công và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016. Thế nhưng, đến nay sau khi đã hoàn thành được hơn 90% các hạng mục xây dựng, cả hai bệnh viện đều đã dừng thi công.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ngày 20-9, tại hai bệnh viện này cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục dở dang, nhếch nhác. Một số tòa nhà xuất hiện bong tróc, xuống cấp.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, cả hai dự án tạm dừng xây dựng, hiện nay cả hai bệnh viện đều đang đóng cửa, tiến độ giải ngân mới đạt hơn 55% và 57%.
Trong buổi làm việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ Y tế làm tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài Chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam. Yêu cầu chậm nhất sau 2 tháng nữa, các bộ, ngành và tỉnh Hà Nam phải có phương án xử lý.
Người dân xung quanh bệnh viện từng ngày mong mỏi hai bệnh viện được đưa vào hoạt động. Bởi bệnh viện hoạt động không chỉ giúp người dân có thể khám, chữa bệnh thuận tiện hơn mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Người dân xung quanh bệnh viện từng ngày mong mỏi hai bệnh viện được đưa vào hoạt động - Ảnh: NAM TRẦN
Trong đó, nhiều người dân có đất ruộng thu hồi để thực hiện công trình không khỏi bức xúc.
Ông Nguyễn Công Chính (78 tuổi, tổ dân phố Thá, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý, Hà Nam) nhìn về phía Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 vẫn còn đóng cửa buồn nói: "Tôi vẫn nhớ như in năm 2014, ngày khởi công bệnh viện có Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó, rất đông các ban ngành về dự.
Chúng tôi cũng rất vui vì sắp có bệnh viện tuyến trung ương ngay cạnh nhà. Tuổi đã cao, nên nếu không may đau ốm cũng không phải đi xa nữa. Rồi con cháu cũng có việc làm, tôi sẽ kiếm một chỗ nhỏ lề đường để bán nước.
Thế nhưng, đến bây giờ đã 8 năm bệnh viện vẫn chưa mở cửa. Bệnh viện xây xong nhưng không thể hoạt động là sự lãng phí. Nếu đất đó, 8 năm nay người dân làm được bao nhiêu lúa gạo thì bây giờ để cỏ mọc hoang. Là người dân, chính tôi còn cảm thấy đau xót".
Còn ông Nguyễn Văn Sĩ (63 tuổi, tổ dân phố Thá) hiện đang làm nghề chạy xe ôm để trang trải cuộc sống. Ông Sĩ ngán ngẩm nói: "Tôi có 5 sào đất ruộng đã bị thu hồi để xây dựng dự án, bây giờ ruộng không có, vả lại ở tuổi này rồi đi xin việc cũng khó khăn. Bây giờ chạy xe ôm để kiếm sống, khách cũng không đông nên chỉ đủ ăn".
Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã xuất hiện nhiều hạng mục bong tróc, xuống cấp - Ảnh: NAM TRẦN
Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000m2 - Ảnh: NAM TRẦN
Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000m2 - Ảnh: NAM TRẦN
Một số tòa nhà của Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã bong tróc, xuống cấp - Ảnh: NAM TRẦN
Cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục dở dang, nhếch nhác tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 - Ảnh: NAM TRẦN
Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam với tổng mức đầu tư 4.500 tỉ/bệnh viện, đồng khởi công xây dựng cuối năm 2014.
Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi.
Hai dự án được kỳ vọng sẽ giúp người dân được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại khu vực Hà Nam và các tỉnh lân cận, giảm tải cho cơ sở chính của hai bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai ở Hà Nội.
Cả hai dự án này đã chậm tiến độ 7 năm và chưa biết khi nào mới có thể hoạt động tiếp đón bệnh nhân.