PGS. TS Đặng Văn Thanh
“Giám đốc bảo thế nên làm thế”
Sáng 24/8, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo “Phòng, chống tham nhũng và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, việc công khai kết quả kiểm toán được thực hiện định kỳ, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn trường hợp thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại chưa đầy đủ và kịp thời.
Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế… Hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán mà trong đó tập trung vào vấn đề “phòng” và “chống” tham nhũng nhằm giúp Đảng, Nhà nước kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng.
"Tham nhũng bắt nguồn từ chữ tham. Có thể khẳng định, tham nhũng gắn với bản chất của con người, gắn với quyền lực và ở đâu, thể chế nào cũng có tham nhũng. Bản chất xoay quanh câu chuyện tham nhũng là câu chuyện quyền lực, nên cần phải kiểm soát quyền lực", TS. Vũ Đình Ánh.
Theo PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội kế toán và kiểm toán Việt Nam, tham nhũng và tệ nạn tham nhũng xuất phát từ chính bộ máy công quyền. Việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước là cần thiết, yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề này còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố về chính trị và quyết tâm chính trị.
PGS. TS Đặng Văn Thanh cho biết, qua đi dự một số phiên tòa, ông thấy rất buồn. Như phiên tòa Lã Thị Kim Oanh hỏi kế toán trưởng tại sao giám đốc lấy tiền ngân hàng về không bỏ tiền vào quỹ mà lại đồng ý? Kế toán trưởng trả lời giám đốc bảo thế nên làm thế.
Hay vụ Châu Thị Thu Nga hỏi kế toán tại sao viết phiếu thu lại trả lời lãnh đạo nói “cứ viết nên viết”. "Thực tế có vụ án nào mà thủ trưởng ra tòa không kèm theo kế toán trưởng hoặc mấy anh cán bộ kế toán đâu. Do đó, bên cạnh quyết tâm chính trị thì hành động, hành vi chính trị ở từng con người, nhất là cán bộ có liên quan cần tăng cường", ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, chúng ta có nhiều công cụ nhưng sử dụng công cụ pháp lý nào trong phòng, chống tham nhũng là cực khó. Với Kiểm toán Nhà nước thì phải làm sao ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng có thể xảy ra. Do vậy, để phòng ngừa, kiểm toán phải vào cuộc nhiều hơn, vào ngay trong quá trình xây dựng dự toán, phân bổ nguồn lực.
Đáng lưu ý, PGS.TS Thanh cũng cho biết, gần đây trên một số diễn đàn nổi lên ý kiến gợi ý rằng, với các tội phạm về kinh tế có nên bắt, phạt án tù hay không? Hay nếu người ta nộp tiền vào xin khắc phục hậu quả có nên tha không?.
"Dư luận ồn ào, nếu như vậy tham ô 9 vụ, bắt 1 vụ, nộp tiền vào có qua được 9 vụ kia không? Đây là chuyện cực kỳ lớn cho nên yếu tố pháp lý phải răn đe đến mức nào đó để sợ không tham ô”, ông Thanh nói và cho rằng, tham nhũng dù ít dù nhiều vẫn phải xử lý chứ không thể lấy cái này, cái kia bù lại.
"Anh có trăm giấy khen, nghìn giấy khen nhưng lấy tiền của nhà nước là 2 chuyện khác nhau. Lấy hàng trăm giấy khen ra chứng minh, bù lại tội thì không được?", ông Thanh cho hay.
Các đại biểu chủ trì hội thảo
Chạy chức, chạy quyền sẽ “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”
Đề cập đến chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là hai nhiệm vụ song trùng. Theo ông Phong, ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 6 (lần 2) khoá VIII, Bộ Chính trị đã chỉ ra 5 loại “chạy”: chạy chức trước khi bầu cử, chạy quyền, chạy lợi, chạy chỗ và chạy tội (chạy cho bản thân và cả vợ con, bạn bè).
Cũng theo ông Phong, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII cũng nêu rõ: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội... trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi..."
Đại biểu cho rằng, tình trạng tham nhũng, thiếu kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, dẫn đến tha hoá quyền lực, gây hệ luỵ cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các khía cạnh.
“Chạy chức, chạy quyền” là hành vi dùng mọi thủ đoạn, mánh lới, đánh đổi lợi ích vật chất và phi vật chất để giành được vị trí, quyền lợi như mong muốn; thực chất là sự tha hóa, tham nhũng quyền lực trong mỗi cá nhân”, theo ông Phong, “chạy chức, chạy quyền” khiến gia tăng tình trạng bổ nhiệm “đúng quy trình” cho những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Từ đó làm mất động lực và cơ hội phấn đấu, tiến bộ của những cán bộ chân chính, có đức và có tài.
“Điều nguy hại nhất là chạy chức chạy quyền để lại di hại toàn diện và lâu dài cho đất nước và sự nghiệp cách mạng. Lớp cán bộ sản sinh ra từ “chạy chức, chạy quyền” thì họ coi đó là vụ bỏ vốn đầu tư kinh doanh trên chức vụ, quyền hành nhận được. Bởi vậy, khi có chức, quyền, họ sẽ tìm mọi cách “tận thu” từ mọi nguồn có thể để hoàn vốn đầu vào và thu lợi nhuận, trước khi cống hiến… Hơn nữa, với cơ chế chạy chức, chạy quyền đó, họ tiếp tục tuyển dụng và bổ nhiệm thêm những cán bộ cùng loại, kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã””, ông Phong cho hay.
Giải pháp ngăn chặn tình trạng này, theo ông Phong, cần thực hiện tốt việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp, hoặc khi thấy cần thiết.
Bên cạnh đó, không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp ủy…
Đối với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Công khai, minh bạch các nội dung về công tác cán bộ cho các đối tượng có liên quan theo quy định.
Với vai trò của kiểm toán, từ các kết luận của cơ quan này sẽ chỉ ra được trách nhiệm cụ thể, góp phần kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và phòng chống tham nhũng.