Bệnh trẻ hóa
Trường hợp bệnh nhân N.T.K (19 tuổi, Bảo Lộc, Lâm Đồng) đến phòng khám nam khoa vì trong vài tháng gần đây phát hiện vùng bìu phải có một khối cứng, to dần lên. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ khoa nam học phát hiện nam thanh niên bị một khối u tinh hoàn bên phải đã di căn.
K còn quá trẻ nên bác sĩ đã tư vấn về việc điều trị và lưu trữ tinh trùng để sau này có thể sinh con. Khi nghe đến ung thư tinh hoàn bệnh nhân đã rất lo lắng, sợ hãi vì nghĩ mình không sống được bao lâu.
Bác sĩ đã phải tư vấn và đưa ra rất nhiều thông tin về bệnh tật, K mới bình tĩnh và bước vào quá trình điều trị. K đã phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn phải và sinh thiết là u ác tính. Sau đó, K tiếp tục được điều trị hóa chất.
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Việt H (nam 17 tuổi, Hà Nội) đến bệnh viện Bạch Mai khám vì khó thở, đau ngực trái.
H cho biết, khoảng mấy tháng nay em thấy đau ngực trái, bệnh nhân đã đến khám tại một bệnh viện tại Hà nội, được chẩn đoán: U trung thất được chỉ định phẫu thuật lấy u, nhưng do khối u quá lớn, xâm lấn ngay sát các mạch máu lớn nên chỉ phẫu thuật sinh thiết u mà không phẫu thuật lấy u được.
Hình ảnh ung thư tinh hoàn
Kết quả sinh thiết bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn. Sau đó, bệnh nhân xin về nhà trong tâm trạng buồn, lo lắng vì nghĩ rằng cơ hội sống không còn. Tới khi, các triệu chứng đau ngực trái tăng dần, xuất hiện khó thở, cảm giác đau tức ngực trái tăng... Gia đình đã đưa bệnh nhân đến Trung Tâm Y học hạt nhân và Ung Bướu - Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện H có khối u thành ngực trái kích thước 5x6cm, mật độ mềm, ranh giới không rõ. Tim bị đẩy sang phải (mỏm tim ở cạnh xương ức trái); hội chứng ba giảm toàn bộ phổi trái. Tinh hoàn hai bên đủ, không thấy tổn thương u.
Bệnh nhân được chẩn đoán tràn dịch màng phổi trái/ Ung thư tinh hoàn biểu hiện tại trung thất, phúc mạc. Bệnh nhân đã được điều trị hóa chất phác đồ VIP 04 đợt. Sau đợt điều trị hóa chất đầu tiên, khối u thành ngực thu nhỏ dần dần và sau 20 ngày truyền hóa chất tổn thương tại thành ngực đã tan không nhìn thấy và không sờ thấy u bằng tay trên lâm sàng.
Ai dễ mắc ung thư tinh hoàn
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Cừ, Bệnh viện đa khoa An Việt, ung thư tinh hoàn là tình trạng xuất hiện một khối u ác tính tại một hay cả hai tinh hoàn. Khối u ác tính này cứ ngày một to ra và rồi nó xâm lấn ra toàn bộ tinh hoàn. Đến một mức độ nào đó, toàn bộ tinh hoàn chỉ toàn là khối ung thư.
Bác sĩ Cừ cho biết hiện nay chưa rõ nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn nhưng nguy cơ cao nhất và bị coi là nguy cơ rõ rệt nhất là tình trạng tinh hoàn ẩn. Tinh hoàn ẩn là tinh hoàn không nằm trong bìu như bình thường
Bác sĩ Nguyễn Quang Cừ đang thăm khám cho người bệnh
Nguy cơ thứ hai phải đề cập đến là tuổi. Người ta cho rằng, ung thư tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng lứa tuổi từ 15-35 bị ung thư tinh hoàn nhiều nhất.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho rằng những người thợ mỏ, công nhân dầu khí, lái xe vận tải là những người dễ bị ung thư tinh hoàn. Vì vậy nam giới thường được khuyên là không mặc quần lót quá chật, nhất là những trang phục bó sát của nam giới.
Để phát hiện sớm ung thư tinh hoàn có thể nhận biết qua một vài dấu hiệu. Ví dụ, ở giai đoạn đầu của ung thư tinh hoàn thường không có dấu hiệu gì đặc biệt, chỉ thấy tinh hoàn to và rắn khi sờ nắn bằng mấy đầu ngón tay, cũng có thể không đau hoặc hơi đau.
Bác sĩ Cừ nhấn mạnh khi có biểu hiện tức nặng tinh hoàn, đau ở tinh hoàn, sưng ở bìu, sờ có mảng cứng, sờ thấy u cục, tinh hoàn to ra hay nhỏ đi một cách bất thường thì cần đi khám ngay để phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh.