Căn bệnh nguy hiểm không chỉ người béo mà ngay cả người gầy cũng có nguy cơ mắc

Thảo Nguyên |

Tiểu đường được coi như 1 căn bệnh "nhà giàu” hay xuất hiện ở người béo phì và chi phí điều trị rất tốn kém nhưng nhiều người gầy gò cũng bị căn bệnh này đeo bám.

Người gầy cũng tiểu đường

Người gầy gò khoảng 40 kg, bà Dương Thị H, trú tại Thanh Oai, Hà Nội không thể tin rằng mình lại mắc căn bệnh của người béo phì.

Không may bị một vết chai ở chân, bà H. cầm bấm móng tay bấm đi để dễ chịu. Vết chai chân cứ ngày càng lõm sâu, sờ vào thấy phập phồng rất sợ nên bà H. đã đi ra hiệu thuốc mua thuốc về bôi.

Bà H. tưởng đó là nhiễm trùng nên uống kháng sinh và bôi thuốc một tuần thì vết loét chân đã to như ngón tay. Bà sợ quá đến bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám bác sĩ nghi tiểu đường nên chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Khi đến bệnh viện, bác sĩ vệ sinh vết loét chỉ đụng chạm nhẹ cả mảng thịt hoại tử, bốc mùi đã rơi ra để vết há to như nắm tay ở bàn chân. Bác sĩ cho biết chỉ chậm 1 ngày nữa bà H. có thể cắt bỏ cả bàn chân do biến chứng tiểu đường.

Bà H. kể bà sống độc thân, người gầy guộc, quanh năm làm đồng nên chẳng ai nghĩ mình bị tiểu đường tuyp 2. Khi phát hiện thì bệnh đã gây biến chứng nặng.

Căn bệnh nguy hiểm không chỉ người béo mà ngay cả người gầy cũng có nguy cơ mắc - Ảnh 1.

Hay như trường hợp của ông Nguyễn Cảnh Th. 54 tuổi, trú tại Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội, với thân hình gầy guộc, nhỏ thó. Ông Th thấy người mệt mỏi, sợ ung thư ông đi kiểm tra sức khoẻ thì bác sĩ phát hiện đường máu lúc đói lên tới 13mol/l.

Ông Th. vẫn nghĩ tiểu đường là căn bệnh của người béo và ông đi tiểu không bị kiến bu thì làm sao có thể mắc tiểu đường được.

TS Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bất kì ai cũng có nguy cơ bị bệnh tiểu đường (kể cả người gầy), tuy nhiên, một số người được coi là có nguy cơ bị bệnh cao hơn.

Đó chính là những người béo phì (đàn ông có vòng bụng > 90cm, phụ nữ có vòng bụng > 80cm), di truyền (có người thân bị bệnh đái tháo đường), ít vận động, lớn tuổi, ăn uống không khoa học, bị bệnh về tuyến tụy, sử dụng thuốc lợi tiểu, sinh con > 4kg.

Vì sao người gày vẫn bị tiểu đường? Đây là câu hỏi được nhiều bệnh nhân hỏi bác sĩ. TS Dương cho biết, nước ta có một thời gian dài thiếu chất dinh dưỡng nên tỷ lệ suy dinh dưỡng bào thai rất nhiều. Đặc biệt là khi cuộc sống hiện đại, thực phẩm, chế độ dinh dưỡng sung túc hơn

Bình thường lượng insulin được tiết ra đủ để chuyển hóa số đường mà cơ thể dung nạp. Khi thực phẩm nhiều, lượng insulin này lại trở nên không đủ. Do đó, tế bào gan sẽ tăng sản xuất glucose trong khi các mô cơ và mỡ lại giảm tiếp nhận đường này, dẫn đến tăng đường huyết.

Để đối phó, tuyến tụy phải tăng cường hoạt động để tiết thêm insulin. Nếu tình trạng cứ kéo dài như vậy, tuyến tụy sẽ kiệt sức, suy giảm chức năng, lượng insulin được sản xuất ngày càng giảm.

Căn bệnh nguy hiểm không chỉ người béo mà ngay cả người gầy cũng có nguy cơ mắc - Ảnh 2.

Cần quản lý sát

Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám nội tiết Thái Hà cho biết, những người khi phát hiện bệnh tiểu đường có cân nặng bình thường có thể có nguy cơ tử vong sớm hơn người tiểu đường thừa cân và béo phì.

Thạc sĩ Cường cho biết một nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 5 nghiên cứu bệnh tim rút từ đó ra 2600 bệnh nhân tiểu đường trên 40 tuổi. Trong đó có 283 bệnh nhân (11,2%) có mức cân nặng khi chẩn đoán bệnh tiểu đường được xếp vào nhóm cân nặng bình thường.

Sau khi loại bỏ các yếu tố nguy cơ tim mạch như hút thuốc, tăng cholesterol xấu, vòng bụng to, và tăng huyết áp. Người tiểu đường cân nặng bình thường khi chẩn đoán có nguy cơ tử vong gấp 2 lần so với nhóm bệnh nhân tiểu đường thừa cân và béo phì.

Lý do của hiện tượng này chưa hoàn toàn được biết rõ. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể do sự phân bố cơ bắp/mô mỡ của những người thuộc nhóm cân nặng bình thường thấp hơn so với nhóm thừa cân, béo phì.

Cơ bắp có vai trò rất quan trọng trong chuyển hóa đường. Chúng ta có khoảng 642 cơ, chiếm 17% khối lượng cơ thể. Cơ bắp sử dụng insulin và đốt đường glucose lấy nặng lượng. Mô mỡ chiếm khoảng 13% và ít năng động về mặt chuyển hóa hơn khối cơ.

Khi chúng ta già đi, khối cơ và xương giảm, tổ chức mỡ tăng lên làm gia tăng sự đề kháng insulin. Những người có cân nặng bình thường nhìn bên ngoài tuy không béo nhưng có thể phân bố lượng mô mỡ tăng lên trong nội tạng.

Những người tiểu đường khi phát hiện gầy hoặc cân nặng bình thường cần được giám sát chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, thạc sĩ Cường cũng nhấn mạnh kết quả nghiên cứu này không có nghĩa rằng những người tiểu đường thừa cân và béo phì không cần nỗ lực giảm cân nữa. Việc giảm cân thừa bao giờ cũng đem đến cân bằng chuyển hóa tốt hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại