Căn bệnh nguy hiểm chẳng kém gì ung thư đang bị bỏ quên

Khánh Ngọc |

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay còn gọi là COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 trên thế giới và tại Việt Nam đây là căn bệnh còn bị “bỏ quên” đang gia tăng ở Việt Nam.

Muốn chết cũng không xong

Ông Trần Văn D. 68 tuổi, trú tại Thái Bình, là bệnh nhân bị tắc nghẽn phổi mãn tính gần chục năm nay. Ông D. kể sau khi sống lại qua cơn đột quỵ cấp ông phải sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Lúc đầu, gia đình ông không biết bệnh mỗi lần thấy ông khó thở lại tiếp tục cho lên bệnh viện huyện được thở ô xy ông dễ chịu và cứ như thế thở dễ hơn lại về nhà khó thở lại vào viện.

Có những ngày, cả gia đình vừa đưa ông ở viện về nhà chưa được bao lâu lại khăn gói vào viện vì ông D. lên cơn khó thở gấp. Cách đây 3 năm, ông D vào bệnh viện tỉnh điều trị cả tháng không đỡ, kèm theo huyết áp tăng nhanh nên bệnh viện tỉnh chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.

Vừa xem phim chụp phổi, bác sĩ nghi ngờ tắc nghẽn phổi mãn tính nên điều trị kháng sinh kèm theo các loại thuốc hỗ trợ, khí dung và sau 1 tuần ông thấy khoẻ hơn.

Bác sĩ cho về viện dưới tỉnh nhưng cứ nằm viện 1 tuần về nhà vài hôm lại lên cơn khó thở phải đi viện. Bình ôxy cứ mua hết bình này đến bình kia vì rời oxy ra ông không thở được.

Gần đây, tình trạng khó thở lại xuất hiện, Xquang phổi trắng xơ không thở được. Con cái ông lại đưa cụ lên viện với hi vọng kéo dài thêm sự sống.

Còn ông D, mỗi khi tỉnh ông lại thở dài chỉ mong chết cũng không xong. Người nhà ông thì mệt mỏi bởi bệnh cứ ở viện nhiều hơn ở nhà dù không đau đớn như ung thư nhưng chất lượng sống thì chẳng hơn họ.

Hay như trường hợp của ông Giang Văn Đ. Sơn Tây, Hà Nội cũng bị tắc nghẽn phổi mãn tính. Tiền sử hút thuốc lá, trước đây ông lại làm công nhân khai thác than ở Quảng Ninh. Bụi than, khói thuốc đã "đánh hội đồng" ông nên 54 tuổi, người ông gầy xác xơ, những cơn khó thở đeo đuổi vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Vợ ông Đ. xót xa "có lúc không thở nổi ông ấy chỉ muốn rất dây ô xy ra để được chết nhưng chẳng ai làm được". Nói đến bệnh này, vợ ông thở dài "bệnh nào cũng khổ nhưng bệnh đến thở còn không được khổ hơn rất nhiều.

Gây tử vong hàng thứ 5

Tại trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai có đến quá nửa bệnh nhân đều là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đặc biệt đa số là nam giới và ai cũng có tiền sử với hút thuốc lá.

Theo GS Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – Giám đốc trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, theo WHO (1990), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 5 với 2,2 triệu người chết.

Theo dự đoán của WHO, số người mắc bệnh sẽ tăng 3-4 lần trong thập kỷ này, gây ra 2,9 triệu người chết mỗi năm và đến năm 2020 bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ là nguyên nhân gây chết đứng hàng thứ 3.

Tùy theo từng nước, tỷ lệ tử vong từ 10 – 500/100.000 dân với khoảng 6% nam và 2- 4% nữ vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Tại Việt Nam, theo Nguyễn Thị Xuyên và cộng sự (2009), tỷ lệ mắc nói chung, trên đối tượng có tuổi từ 40 trở lên là 4,2%, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới là 7,1% và nữ giới là 1,9%.

Bệnh thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, kể cả việc hít phải khói thuốc một cách thụ động hoặc gặp ở người sống và làm việc trong môi trường khói bụi.

Điều đáng lo ngại là tỷ lệ người hút thuốc ở nước ta vẫn cao và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh có chiều hướng gia tăng ở nước ta.

Những dấu hiệu gợi ý xuất hiện bệnh ở những đối tượng này bao gồm: ho húng hắng hoặc thành cơn, khạc đờm kéo dài về buổi sáng, hoặc những người có tiếp xúc thường xuyên yếu tố nguy cơ có biểu hiện mệt nhanh khi đi bộ, hoặc làm việc cùng người khác.

Dấu hiệu khó thở thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Cần lưu ý, không nên xem nhẹ những biểu hiện ho, khạc đờm vào buổi sáng ở những người đang hút thuốc, không nên nghĩ rằng ho là biểu hiện thông thường ở người hút thuốc, vì như vậy sẽ bỏ sót chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đến khi xuất hiện khó thở gắng sức, khó thở thường xuyên hoặc khi thay đổi thời tiết mới đi khám bệnh thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, chức năng phổi đã suy giảm nhiều, do vậy việc điều trị thường ít mang lại hiệu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại