Cụt chân vì cái gai
Bà Đỗ Thị Ng. 58 tuổi, trú tại Yên Sơn, Tuyên Quang phải cắt cụt cả chân vì bị mắc bệnh tiểu đường mà không biết. Bà Ng. nhăn nhó khi được bác sĩ băng bó vết thương vừa phẫu thuật cách đây hơn 1 tuần.
Bà Ng. kể từ khi sinh ra bà vẫn khoẻ mạnh, không ốm đau hàng ngày vẫn đi làm. Một lần đi làm bà dẫm phải cái gai.
Vết thương nhỏ như cái kim không gây đau và bà không nhớ gì đến nó. Vài ngày sau nó bắt đầu sưng tấy lên. Bà Ng. vẫn nghĩ có thể do nhiễm trùng, mua thuốc về uống nhưng không hết. Căn bệnh ngày càng nguy hiểm khi từ vết gai đâm nó lan rộng ra nhanh chóng.
Bà Ng. đến Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang để điều trị. Khi đến bệnh viện bác sĩ cho biết bị loét chân do tiểu đường. Lúc này, bà Ng. mới hay mình bị bệnh đái tháo đường.
Sau khi điều trị ở tuyến tỉnh nhưng không có tác dụng, gia đình chuyển bà Ng. xuống bệnh viện Nội tiết Trung ương. Bác sĩ chẩn đoán bà bị biến chứng bàn chân do tiểu đường.
Khi điều trị, vì bà Ng. không có BHYT nên chi phí cũng khá cao. Sau khi cân nhắc điều trị, gia đình bà Ng. quyết định đồng ý cắt cụt chân.
Bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc bàn chân bị biến chứng ở bệnh nhân tiểu đường.
Cùng hoàn cảnh với bà Ng. bà Nguyễn Thị Ch. 56 tuổi ở Thanh Bình – Thanh Oai, Hà Nội cũng khốn khổ vì biến chứng bàn chân do tiểu đường gây ra. Khổ nhất là bà Ch, cũng không hề biết bệnh tiểu đường chỉ khi bị loét chân bà mới hay đó là một biến chứng kinh khủng của bệnh này.
Bà Ch. tâm sự, từ tháng 3/2016, bà có vết nứt ở gót chân. Bà tưởng chỉ là nứt gót chất bình thường nhưng càng ngày nó càng trở thành cái lỗ sâu hoáy. Bà Ch vào Bệnh viện Hà Đông điều trị. Bác sĩ cũng chẩn đoán có thể do tiểu đường nhưng điều trị không dứt.
Bà Ch đã vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám. Bác sĩ chẩn đoán tiểu đường tuyp 2 và có biến chứng bàn chân.
Sau đó, bà Ch được đưa xuống bệnh viện Nội tiết trung ương cơ sở 2 để điều trị chăm sóc biến chứng bàn chân. Tại đây, vết thương của bà đã hoại tử và có mùi thối.
Bác sĩ cố gắng điều trị bảo tồn bàn chân cho bệnh nhân nhưng sau 3 tuần nằm viện các bác sĩ sử dụng biện pháp điều trị tốt nhất nhưng vết thương ở chân không thể lành mà vẫn tiếp tục loét ra.
Tại khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết trung ương, bà Ch, và bà Ng. chỉ là 2 trong số hàng trăm bệnh nhân đang phải băng bó chân vì biến chứng bàn chân gây ra.
Nguy cơ cụt chân rất lớn
Theo Giáo sư Thái Hồng Quang – Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, bệnh tiểu đường tuyp 2 đang trở thành gánh nặng y tế kinh khủng. Trên thế giới, cứ 20 giây có người bị cắt chân do biến chứng bàn chân của bệnh.
Bệnh tiểu đường hiện nay mắc phải chủ yếu do lối sống của người Việt hiện đại đó là ăn thừa năng lượng, lười vận động. Theo ước tính ở nước ta có 3,5 triệu người mắc tiểu đường và còn 1,8 triệu người chưa phát hiện ra bệnh do bệnh nhân không đi khám bệnh thường xuyên.
Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Thị Mai Trang – Phụ trách khoa Chăm sóc bàn chân cho biết, với trường hợp của bà Ch, thì các bác sĩ đang theo dõi còn của bà Ng. đến viện quá muộn, vết loét đã to và ăn vào xương. Để điều trị bảo tồn được bàn chân vừa khó mà chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Sau khi cân nhắc, bệnh nhân đã lựa chọn cắt cụt chân. Với những trường hợp cắt cụt chân vì biến chứng của tiểu đường, sau này bệnh nhân sẽ phải điều trị phục hồi chức năng và đi chân giả.
Bác sĩ Trang cho biết biến chứng bàn chân trở thành biến chứng nặng nề, là một trong nguyên nhân gây tàn phế cho bệnh nhân tiểu đường. Biến chứng này dù được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc bàn chân khi bị tiểu đường nhưng nó diễn biến quá nhanh từ 3 – 5 ngày đã có thể mất chân.
Một số bệnh nhân điều trị ở tuyến cơ sở không dứt điểm khi đến viện vết hoại tử lan rộng vào tận xương buộc phải cắt bỏ chân.
Để phòng chống biến chứng bàn chân, bác sĩ Trang cho biết, các bệnh nhân phải có thói quen kiểm tra sức khoẻ, xác định đường huyết cao hay thấp. Nếu khi đã mắc tiểu đường thì bệnh nhân phải được chăm sóc bàn chân rất tốt như bệnh nhân phải tự kiểm tra bàn chân của mình hàng ngày.
Rửa chân sạch sẽ nhất là các kẽ chân, khi rửa chân không được rửa nước quá nóng chỉ rửa nước dưới 37 độ C, đi dép quai hậu, đi tất hàng ngày tránh các loại tất sáng màu, không có các đường chỉ để tránh gây tắc mạch, không đi giày cao gót, giày da, tối nào bệnh nhân cũng phải kiểm tra chân.