Căn bệnh một năm có thể "xóa sổ" dân số một huyện

P.Thuý |

PGS TS Phạm Mạnh Hùng – Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, mỗi năm có 17,3 triệu người chết vì bệnh tim mạch. Riêng Việt Nam có khoảng 200 nghìn người chết mỗi năm.

200 nghìn người chết mỗi năm

PGS Hùng cho biết hiện nay bệnh lý tim mạch đang trở thành gánh nặng cho nền y tế. Chỉ riêng các bệnh lý tim mạch mắc phải chủ yếu do các yếu tố lối sống như lười vận động, ăn uống đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người mỗi năm. Việt Nam vừa mừng đã giảm được các bệnh nguy hiểm do vi khuẩn, vi sinh vật thì đang đối đầu với bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường.

PGS Hùng cho biết, dấu hiệu của bệnh tim mạch bất cứ ai cũng phải biết đó là buồn nôn, khó thở, vã mồ hôi, đi gắng sức thấy mệt, triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, chân bị phù…

Đặc biệt, các dấu hiệu âm thầm như bị như tăng huyết áp vì không có triệu chứng gì, đến khi bị tai biến thì đã quá muộn. Vì thế phải cảnh giác, đừng nghĩ khi có triệu chứng mới đi khám bệnh.

Rất nhiều bệnh tim mạch không có biểu hiện giai đoạn sớm, chỉ khi bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim mới biết đó là bệnh có từ trước.

Theo tổ chức y tế thế giới, năm 2011 có 17,3 triệu người chết về tim mạch, gấp 4 lần HIV, sốt rét, lao… Đây thực sự là con số rất khủng khiếp. Riêng Việt Nam mỗi năm 200 nghìn người chết, tương đương với 1 huyện.

Với những bệnh lý trên, nguy cơ tử vong rất cao. Nhồi máu cơ tim có thể chết ngay lập tức, sống sót thì tim hoại tử, yếu đi, chất lượng cuộc sống kém.

Nguyên nhân gây ra bệnh lý tim mạch có rất nhiều, từ yếu tố di truyền đến nhiễm độc, lối sống. Nếu nguyên nhân do di truyền phải sàng lọc.

Còn nguyên nhân từ các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tất cả bệnh tim mạch không lây nhiễm... đều dẫn đến kết quả cuối cùng xơ vữa động mạch gây nhồi máu cơ tim, xơ vữa ở não gây tắc mạch máu não, tắc mạch chi, tắc mạch phổi…

Phòng chống từ sớm

PGS Hùng nhấn mạnh: “Mặc dù tim mạch nguy hiểm, chết nhiều nhưng nếu chúng ta có biện pháp phòng chống sớm thì có thể chặn đứng được!

Đây là bài học của các nước phát triển. Ví dụ như Phần Lan, từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, số người chết do bệnh lý tim mạch rất kinh khủng, họ thấy bệnh tim mạch cướp nhiều sinh mạng hơn cả chiến tranh.

Sau đó, họ mới tìm hiểu và biết bệnh tim mạch liên quan đến các yếu tố nguy cơ nên tuyên truyền người dân tập luyện, ăn uống và phòng tránh. Sau đó, tỉ lệ người mắc và chết giảm đến 80%. Đây là bài học để các nước đang phát triển học tập”.

Cho đến nay, bệnh nhồi máu cơ tim ở các nước phát triển giảm đi rất nhiều, tử vong cũng giảm. theo PGS Hùng, nguyên nhân là do số người bị nhồi máu cơ tim giảm nên tử vong cũng ít. Bên cạnh đó, kỹ thuật y học phát triển cũng đã cứu sống nhiều người.

Nhưng nước ta đang phát triển và vấp phải vết xe đổ của các nước phát triển trước kia. Chúng ta đang vui mừng vì bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng suy giảm thì bệnh tim, thiếu máu cục bộ, mạch vành lại gia tăng. Bài học của các nước giúp chúng ta là nhìn lại, quyết liệt giảm yếu tố nguy cơ thì hoàn toàn giảm được các bệnh lý tim mạch.

PGS Hùng cho rằng phòng ngừa là chìa khóa thành công.

Người hút thuốc khả năng nhồi máu cơ tim là 3 lần, tăng huyết áp có nguy cơ 10 lần! Vậy hãy bỏ thuốc lá!

Béo phì thừa cân, lối sống tĩnh tại, cơ chế phân tử rối loạn lipit máu tăng sinh là các yếu tố nguy cơ liên quan đến tim mạch. Vì thế cần thay đổi lối sống, từ cách ăn uống, tập luyện là cách tốt nhất nắm được chìa khoá của tim mạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại