Căn bệnh khiến quý ông rất dễ nhầm lẫn, chỉ được phát hiện khi đã bị cắt mất 'hòn bi'

N. Huyền |

Tốc độ sinh sản của vi khuẩn lao chậm, biểu hiện lâm sàng rất âm thầm khiến có tới 1/5 số bệnh nhân viêm tinh hoàn do lao được chẩn đoán sau khi cắt bỏ tinh hoàn…

Chia sẻ với phóng viên, TS. BS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, BV ĐH Y Hà Nội cho biết, từng tiếp nhận một bệnh nhân nam 25 tuổi đến gặp với lý do sưng đau bìu trái lần thứ 4. Khám lâm sàng cho thấy tinh hoàn của người bệnh chắc, đau ít và có tình trạng áp xe, sưng tinh hoàn trái.

“Bệnh nhân kể khoảng 2 tháng nay, tự nhiên xuất hiện sưng đau vùng bìu trái, đi khám ở 1 phòng khám tư nhân và hai bệnh viện, đều chẩn đoán là viêm tinh hoàn trái.

Anh được kê đơn thuốc điều trị kháng sinh và giảm viêm. Tình trạng có đỡ nhưng không hết hoàn toàn”, TS. BS Hoài Bắc kể lại.

TS. BS Bắc đã chỉ định hút dịch mủ làm xét nghiệm. Kết quả thật bất ngờ khi thấy có vi khuẩn lao trong dịch mủ.

“Như vậy, nguyên nhân gây bệnh ở đây là một vi khuẩn đặc biệt, nên chắc chắn các phác đồ điều trị viêm tinh hoàn thông thường không thể khỏi được”, TS. BS Nguyễn Hoài Bắc cho hay.

Lao là một bệnh tật phổ biến và nguy hiểm trong thế kỷ 18 và 19, và gần đây có dấu hiệu quay trở lại. Hiện nay, người ta ước tính có khoảng 10 triệu ca mắc lao mới mỗi năm trên thế giới, và khoảng 1,6-3 triệu người chết vì lao mỗi năm.

Vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis), một loại trực khuẩn gram dương hiếu khí kháng acid. Do tốc độ sinh sản chậm, dẫn đến biểu hiện lâm sàng rất âm thầm. Mặt khác vi khuẩn lao có thể không hoạt động và không tạo ra các triệu chứng trong một thời gian dài.

Con đường chính lây truyền của vi khuẩn lao là qua đường hô hấp. Từ phổi, trực khuẩn lao có thể lây lan qua đường máu đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, trong đó có hệ sinh dục. Lao tinh hoàn - mào tinh hoàn chiếm khoảng 7% lao nói chung.

Bệnh nhân mắc lao tinh hoàn thường có biểu hiện: Sưng đau bìu, dày da bìu, tràn dịch màng tinh hoàn, lỗ rò vùng bìu…

Theo đó, TS Bắc cho biết vi khuẩn lao có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua những con đường sau:

Qua đường hô hấp (phổ biến nhất): qua những giọt bắn của những người lao phổi do Mycobacterium tuberculosis đang hoạt động

Qua đường tiêu hóa: sử dụng sữa có nhiễm Mycobacterium bovis

Qua đường tình dục: phụ nữ quan hệ tình dục bằng miệng với những người đàn ông mắc lao sinh dục (có vi khuẩn lao trong tinh dịch), hoặc lây qua vị trí xây sát đường sinh dục khi 1 trong hai người mắc lao sinh dục.

Các phương thức lây truyền bẩm sinh và sơ sinh được công nhận bao gồm truyền nhau thai qua máu hoặc bạch huyết từ người mẹ bị lao hoặc uống nước ối nhiễm Mycobacterium tuberculosis trong khi sinh.

Có thể nhiễm lao sau khi tiêm phòng bằng vắc xin BCG sống cho những người bị nhiễm HIV và bị ức chế miễn dịch; hoặc sau khi sử dụng BCG trong điều trị ung thư bàng quang nông.

“Sau khi lây nhiễm ban đầu, trực khuẩn lao nhân lên cục bộ trong các mô và tạo ra một loạt các phản ứng miễn dịch phức tạp, dẫn đến hầu hết các trường hợp bị loại bỏ hoặc ngăn chặn dưới dạng nhiễm trùng lao tiềm ẩn (LTBI). Lao tinh hoàn-mào tinh hoàn thường là tái hoạt của trực khuẩn lao tiềm ẩn trong tinh hoàn-mào tinh hoàn trước đó.

Đáng ngại, do tốc độ sinh sản của vi khuẩn lao chậm, dẫn đến biểu hiện lâm sàng rất âm thầm. Mặt khác vi khuẩn lao có thể không hoạt động và không tạo ra các triệu chứng trong một thời gian dài, vì vậy nhiều người không hề biết mình nhiễm vi khuẩn lao.

Có tới 1/5 số bệnh nhân, viêm tinh hoàn do lao chỉ được chẩn đoán sau khi cắt bỏ tinh hoàn và xét nghiệm mô học”, TS. BS Hoài Bắc nhấn mạnh.

Vì thế, vị chuyên gia nam học này khuyến cáo với những bệnh nhân được chẩn đoán viêm tinh hoàn, đã được kê đơn thuốc điều trị theo chuẩn, nhưng có tình trạng tái phát nhiều lần, thì rất nên tìm kĩ các nguyên nhân khác, đặc biệt là vi khuẩn lao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại