Bệnh nhân Nguyễn Trọng N (15 tuổi, phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) thi vào lớp 10 đã phải mang theo cả bình oxy để dự thi. Sau kỳ thi kết thúc, em phải vào bệnh viện cấp cứu vì suy kiệt gia đình lập tức đưa ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
4 tháng trước, N bị sốt cao phải vào bệnh viện khu vực Nghệ An điều trị nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân nên sức khỏe của em ngày càng suy kiệt, thể trạng giảm chỉ còn 30 kg.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, N rơi vào tình trạng suy hô hấp do tổn thương phổi rất nặng, kèm theo tắc mật và viêm cầu thận. Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển N sang Bệnh viện Phổi trung ương.
Hình ảnh nấm phổi.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngoạn - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung ương khi N vào viện, sức khỏe suy kiệt, bệnh nhân phải thở ô-xy liên tục. Các bác sĩ đã cho sử dụng thuốc điều trị rất mạnh nhưng đều không có tác dụng với bệnh của N.
Bác sĩ Ngoạn cho biết, khi chụp CT ngực, trên phim chụp có hình ảnh tổn thương phổi bất thường. Bác sĩ nghi do nấm, bệnh nhân chuyển phác đồ sang điều trị theo bệnh lý nấm phổi. Với bệnh nấm phổi nếu điều trị chậm trễ nguy cơ tử vong có thể lên tới 70%.
Chẩn đoán bệnh nấm phổi và điều trị, sau 3 tháng N đã bình phục, có thể tự đi lại và được xuất viện về đi học. So với thời điểm trước khi nhập viện, N đã tăng được 4kg.
Dấu hiệu nấm phổi
Theo PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viện trường Đại học Y Dược, TP.HCM nấm phổi là loại bệnh hay gặp ở các nước nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, bác sĩ Nam cho rằng không phải bác sĩ nào cũng biết ngay cả bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình.
Trong các y văn cũng chỉ ra có bệnh nhân bị nấm phổi nhưng không thể phát hiện được do bệnh không có triệu chứng gì. Một số trường hợp bệnh nhân thường có các triệu chứng cơ năng của bệnh phổi mạn tính sẵn có như: ho, khạc đàm, khó thở, đau ngực và sốt.
PGS Nam cho biết, bệnh nhân bị nấm phổi thường có các dấu hiệu điển hình đó là sốt. Đa phần người bệnh sốt nhưng không quá cao, không liên tục mà sốt từng đợt do cơ thể dị ứng với tác nhân là nấm. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị suy kiệt, sụt cân.
Nấm phổi xảy ra ở người miễn dịch kém
Người bệnh ho và nhiều đờm. Đờm do các u nấm gây ra. Nếu tinh ý xét nghiệm đờm có thể phát hiện các tế bào nấm qua soi tươi hoặc quan sát dưới kính hiển vi. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể do nấm họng, nấm thực quản.
Người bệnh có dấu hiệu khó thở. Dấu hiệu này giống với triệu chứng của lao phổi, áp xe phổi, ung thư phổi hay bệnh giãn phế quản. Điều này khiến chức năng hô hấp bị suy giảm người bệnh có khi phải thở oxy.
Dấu hiệu nữa đó là ho ra máu thậm chí người bệnh ho ồ ạt ra máu do các tế bào nấm ăn lan vào mạch máu. Triệu chứng này rất giống với ung thư phổi khiến bệnh nhân lo lắng.
Nấm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi, ít gặp ở người bình thường có sức đề kháng tốt. Phần lớn những người bị bệnh đều có cơ địa suy giảm miễn dịch do bệnh hay do dùng thuốc điều trị bệnh.
Ở Việt Nam, bệnh hay gặp nhất ở những bệnh nhân bị lao phổi tạo hang, điều trị lâu dài các loại thuốc ức chế miễn dịch như: corticoide, azathioprine và các thuốc chống ung thư… Tuy nhiên khi bị nấm phổi diễn tiến lâm sàng thường nặng nề, thậm chí có thể tử vong nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh nấm phổi nếu kéo dài không được điều trị thì các bào tử nấm sẽ lan tràn và gây bệnh cơ quan khác như: nấm não - màng não, tổn thương da, viêm cơ, viêm nội nhãn… thậm chí là nhiễm nấm huyết.