Căn bệnh hay mắc sau tuổi 30, nhiều người nhầm tưởng ung thư: Chuyên gia chỉ cách nhận biết

Ngọc Anh |

Giáo sư Nguyễn Khánh Trạch cho rằng đa số người bệnh đều ngại đi khám trĩ vì bệnh khó nói nên lúc đến viện bệnh đã nặng.

Căn bệnh khó nói

Đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai chị Hoàng Thu Trang, nhân viên văn phòng 31 tuổi trú tại Gia Lâm, Hà Nội lo lắng vì chị bị đi ngoài ra máu 2-3 ngày hôm nay. Chị Trang chỉ lo bị ung thư.

Khi bác sĩ chỉ định nội soi trực tràng và làm tháo thụt, chị Trang khóc vì sợ bệnh nặng. Tuy nhiên, kết quả nội soi trực tràng bác sĩ cho biết chị bị trĩ nội độ 2.

Không riêng gì chị Trang, phòng nội soi tiêu hóa của bệnh viện này có rất nhiều bệnh nhân đến khám vì bị trĩ đã từng điều trị hoặc mới phát hiện.

GS Nguyễn Khánh Trạch, Nguyên trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh trĩ là một trong những bệnh lành tính ở vùng hậu môn thường xảy ra nhất, là bệnh phố biến ở nước ta. Theo thống kê hơn một nửa dân số mắc bệnh trĩ, thường bắt đầu sau tuổi 30.

Căn bệnh hay mắc sau tuổi 30, nhiều người nhầm tưởng ung thư: Chuyên gia chỉ cách nhận biết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bệnh trĩ được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ. Bệnh trĩ được chia thành 2 loại: trĩ nội và trĩ ngoại. Khi búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược (hay còn gọi là đường hậu môn-trực tràng), được gọi là trĩ ngoại. Còn búi trĩ xuất phát phía trên đường lược thì được gọi là trĩ nội. Búi trĩ sẽ được bao phủ bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp.

Giáo sư Trạch cho biết, bệnh trĩ điều trị không triệt để gây khó khăn cho bệnh nhân đặc biệt là những người bị trĩ ngoại. Thực tế qua thăm khám, bác sĩ Trạch cho biết người dân còn e ngại khi bị bệnh trĩ chỉ đến khi đau không chịu nổi họ mới tới tìm bác sĩ.

ThS.BS Phạm Phúc Khánh - Trung Tâm Phẫu thuật Hậu môn trực tràng - Tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức cho biết bệnh trĩ hiện nay chưa được xác định rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, thực tế bệnh thường được phát triển ở những bệnh nhân có các yếu tố thuận lợi mà làm tăng áp lực trong trực tràng gây chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch vùng hậu môn, làm cản trở máu tĩnh mạch trở về và do đó máu tĩnh mạch đọng lại và tĩnh mạch giãn ra tạo thành búi trĩ.

Búi trĩ này sẽ to dần lên và thòi ra ngoài nếu những yếu tố này tiếp diễn. Hầu hết tất cả những bệnh nhân mắc bệnh trĩ đều chịu đựng một thời gian rất lâu trước khi tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa.

Dấu hiệu của bệnh trĩ

Những triệu chứng của bệnh trĩ có rất nhiều. Bác sĩ Khánh đưa ra 3 dấu hiệu điển hình khi người bệnh mắc trĩ.

Thứ nhất: Với bệnh trĩ nội thường không gây đau cho bệnh nhân kể cả đi đại tiện ra máu. Lúc này người bệnh có thể nhìn thấy máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc nhỏ giọt vào bồn cầu nhà vệ sinh.Chảy máu là triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất. Về sau khi rặn nhiều thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Nặng hơn là khi ngồi xổm cũng chảy máu.

Căn bệnh hay mắc sau tuổi 30, nhiều người nhầm tưởng ung thư: Chuyên gia chỉ cách nhận biết - Ảnh 2.

Dấu hiệu của bệnh trĩ

Thứ hai: Ngứa hoặc kích thích ở vùng hậu môn do dịch nhầy từ sự bài tiết của niêm mạc ống hậu môn.

Thứ ba: Đau hoặc khó chịu, dao động từ không đau, đau ít đến rất đau do nứt hậu môn, tắc hoặc nghẹt kèm theo sưng vùng quanh hậu môn. Người bệnh có thể sờ thấy một khối nhô lên gần hậu môn, rát hoặc đau (có thể là huyết khối tại búi trĩ).

Bệnh trĩ không có biến chứng nặng nhưng gây khó chịu cho người bệnh với cảm giác đau, ngứa quanh hậu môn đặc biệt là tình trạng viêm da quanh hậu môn, viêm nhú và viêm khe khi da giữa các búi trĩ bị loét gây triệu chứng ngứa ngáy, nóng rát.

Cách điều trị trĩ, ở mức độ nhẹ người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn nhiều chất xơ là phương pháp điều trị hữu hiệu cho trĩ xuất huyết [8], hạn chế các chất kích thích như rượu, ớt. Tránh hoạt động quá mạnh, tránh ngồi nhiều hoặc đứng quá lâu. Thay đổi thói quen đi cầu tránh táo bón.

Ngoài ra, người bị trĩ nên ngồi ngâm hậu môn trong nước ấm giúp cải thiện triệu chứng.

Còn những bệnh nhân bị bệnh trĩ nặng thường phải điều trị bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật.

Hiện nay có các phương pháp như thắt trĩ bằng vòng cao su – có hiệu quả đối với búi trĩ nội nhỏ và sa ra ngoài khi đại tiện (độ I,II).

Tiêm xơ búi trĩ – có thể được sử dụng ở những búi trĩ chảy máu và thường không thòi ra ngoài khi đại tiện thực hiện cho bệnh nhân bị trĩ nội độ 1.

Kỹ thuật mổ trĩ bằng máy cắt nối (phương pháp LONGO) – kỹ thuật mổ này sử dụng máy cắt nối đặc biệt cắt và nối niêm mạc vùng hậu môn trực tràng. Phương pháp này giúp búi trĩ được kéo lên vào trong hậu môn, và teo dần đi, nó không thể cắt bỏ những búi trĩ ngoại.

Phương pháp này thường đau hơn là thắt vòng cao su hay tiêm xơ, nhưng lại ít đau hơn nhiều so với phương pháp cắt trĩ cổ điển.

Cắt trĩ – phẫu thuật cắt bỏ những búi trĩ – là phương pháp có thể cắt bỏ triệt để cả trĩ nội và trĩ ngoại.

Cách phòng bệnh trĩ, theo GS Trạch tốt nhất ăn thực phẩm nhiều chất xơ. Ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên cám ví dụ: lúa mì, yến mạch, lúa mạch, ngô, gạo lứt, lúa mạch đen, kê,... giúp làm mềm phân và tăng khối lượng phân.

Thêm chất xơ vào chế độ ăn uống từ từ để tránh xì hơi quá mức. Uống nhiều nước. Uống từ sáu đến tám ly nước và các chất lỏng khác (không phải rượu) mỗi ngày để giúp làm mềm phân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại