Căn bệnh gây rụng răng nhiều người mắc phải

Kim Dung |

Ông bà ta có câu: 'Cái răng cái tóc là vóc con người'. Ngẫm ra, răng cũng thuộc hàng V.I.P cần được quan tâm, chăm sóc.

Răng nào hay... “nũng nịu”?

Khi mới được sinh ra, gần như ai cũng có hai hàm trống huơ, trống hoác, vì chúng chẳng có lấy một chiếc răng nào bu bám. Thật ra, hãn hữu, ở những em bé được cho là bị các bà Mụ “nắn” lộn nên baby đó hơi bị… “hỗn”. Do vậy, lúc rời bụng mẹ chui ra ngoài góp mặt với đời đã mang theo một thứ “vũ khí chiến đấu rất quan trọng”, là… răng!

Trong đời mỗi người, bộ răng xuất hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn răng sữa, mọc lai rai thời thơ ấu, rồi rụng dần và giai đoạn răng vĩnh viễn thay thế răng sữa và cùng đồng hành cho đến lúc về… phía bên kia dốc của cuộc đời.

Bộ răng gồm có 2 hàm là hàm trên và hàm dưới. Mỗi chiếc răng được cấu tạo bởi 3 phần chính là chân răng, cổ răng và thân răng. Cấu tạo từ ngoài vào trong của răng gồm có: Men răng, ngà răng và tủy răng.

Mạch máu và thần kinh giấu mình trong lớp tủy răng. Khu vực chân răng, men răng được thay thế bằng một lớp xi-măng (ciment) để giữ răng đứng vững vàng trên xương hàm và làm nhiệm vụ do tạo hóa phân công.

Nhìn chung, một người ở độ tuổi trưởng thành, nếu mọc đầy đủ mỗi hàm răng sẽ có đủ: 2 răng cửa giữa, 2 răng cửa bên, 2 răng nanh, 4 răng hàm nhỏ (răng tiền hàm) và 6 răng hàm lớn (răng hàm). Tức là, một bộ răng hoàn hảo có đến 32 cái răng.

Những cái răng thường “nũng nịu” và gây nhiều rắc rối cho các chủ nhân là răng… khôn. Đây chính là răng hàm lớn thứ 3. Răng khôn xuất hiện rất muộn. Chúng thường chỉ mọc khi đạt đến độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi.

Bệnh nha chu

Căn bệnh gây rụng răng nhiều người mắc phải - Ảnh 1.

Một nguyên nhân quan trọng làm rụng răng ở nhiều người, đặc biệt ở độ tuổi học trò. Đó là bệnh nha chu - một bệnh lý về răng miệng thường gặp trong chuyên khoa Tai - Mũi - Họng.

Tiến trình của bệnh tác động đến mô nâng đỡ chân răng. Ban đầu, bệnh chỉ gây viêm nướu, về sau thì phá hủy tổ chức nằm sâu bên dưới nướu như hủy hoại xương ổ răng làm cho răng không còn điểm tựa, buộc phải… cuốn gói ra đi.

Bệnh thường diễn biến qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu bệnh diễn ra trong tình trạng viêm nướu, giai đoạn sau tiến triển thành viêm nha chu với các biểu hiện nặng nề, phức tạp.

Các biểu hiện viêm nướu răng bao gồm: Biến đổi màu sắc (từ hồng hào chuyển sang đỏ thẫm), sưng đau, chảy máu khi đánh răng hoặc chảy máu tự nhiên trong trường hợp nặng.

Nếu điều trị sớm, hiệu quả bệnh sẽ khỏi hẳn. Răng lợi vẫn hoạt động bình thường. Trái lại, bệnh sẽ tiến triển thành viêm nha chu với các biểu hiện như hơi thở hôi, răng rung rinh, chảy máu chân răng, nướu sưng đau và không còn ôm chặt chân răng nữa.

Giai đoạn này nguy cơ mất răng rất cao. Việc điều trị khó khăn hơn và tất nhiên khó có thể hồi phục hoàn toàn vì các tổ chức giúp cho răng chắc khỏe (như xương, dây chằng nha chu, ciment) đã bị phá hủy một cách nghiêm trọng. Người mắc bệnh cần phải đi khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng ngay khi thấy có một trong các biểu hiện trên.

Tuy nhiên, mọi người cũng cần cảnh giác, đôi khi bệnh nha chu xảy ra rất âm thầm… Nhưng đến một ngày nào đó, nó sẽ bùng nổ và trở thành tai họa. Vì vậy tốt nhất nên kiểm tra răng miệng định kỳ 2 - 3 lần mỗi năm.

Thủ phạm gây ra bệnh nha chu không phải là “khách lạ”, mà chính là các vi khuẩn ký sinh ngay trong miệng của mỗi người. Chúng cư trú ngay trên các mảng bám vào răng.

Các mảng bám này nếu không được loại trừ qua việc đánh răng, súc miệng đúng cách thì sẽ tích tụ lại quanh răng. Sự tích tụ này lâu ngày biến thành cao răng với một “binh đoàn” vi khuẩn có thừa sức mạnh tấn công nướu răng bằng các độc tố mà chúng tự sản xuất ra. Hiện tượng viêm nướu sẽ bắt đầu.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh nha chu thường được các chuyên gia về răng miệng cảnh báo như sau:

- Chế độ dinh dưỡng kém, thiếu chất.

- Vệ sinh răng miệng kém hoặc không đúng cách.

- Sức đề kháng giảm do bị stress, tâm lý luôn bất ổn, căng thẳng...

- Nghiện thuốc lá.

- Cơ thể đang mắc các bệnh như tiểu đường, nhất là các bệnh làm suy giảm hệ thống miễn dịch như bệnh bạch cầu, nhiễm HIV/AIDS.

- Một số thuốc gây tác động đến răng miệng như thuốc chống trầm cảm hay thuốc tránh thai...

Lời khuyên

Khi nghi ngờ bị viêm nướu hoặc mắc bệnh nha chu, việc tự người bệnh hay người nhà ra quầy… khai bệnh và mua thuốc kháng sinh về nhà để dùng thì bệnh có thể giảm hoặc tưởng chừng như khỏi bệnh.

Nhưng chớ có vội vui mừng, vì nếu thực sự là bệnh nha chu thì các triệu chứng chỉ mới được giải quyết tạm thời mà thôi. Thật ra, bệnh chỉ mới "im hơi" và vẫn còn nằm chờ đợi đó. Chắc chắn, bệnh nha chu sẽ tái diễn theo chu kỳ với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn nhiều.

Căn bệnh gây rụng răng nhiều người mắc phải ảnh 2

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại