Ai dễ bị bệnh
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hoá do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, đặc trưng của bệnh là tăng đường máu mạn tính cùng với rối loạn chuyển hoá carbonhydrate (chất đường), lipide (chất béo), proteine (chất đạm) do thiếu insuline có kèm hoặc không kèm kháng insuline với các mức độ khác nhau.
Hệ quả của tăng đường máu mạn tính là tổn thương nhiều cơ quan như: mắt, thận, thần kinh...
Theo số liệu của Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2017 cứ 11 người trưởng thành (từ 20-79 tuổi) có 1 người bị ĐTĐ (425 triệu người), trong đó 50% không được chẩn đoán và điều trị (trên 212 triệu người) và 6 giây trên thế giới sẽ có một người tử vong.
Thế giới phải chi 12% ngân sách (727 tỷ USD) cho bệnh đái tháo đường. Khoảng 1/6 số trẻ sinh ra bị ảnh hưởng bởi ĐTĐ thai kỳ. Có 79% số người mắc đái tháo đường đang sinh sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.
Ước tính tới năm 2045, có 1/10 người trưởng thành sẽ bị ĐTĐ (629 triệu người) và chi phí y tế liên quan đến đái tháo đường sẽ vượt quá 776 tỷ USD.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Cường, Phòng khám Nội tiết Thái Hà, ở Việt Nam hiện nay, cứ 1 người biết mình mắc bệnh ĐTĐ sẽ có 2 người khác đã bị mắc bệnh song chưa được chẩn đoán. Khoảng một nửa số người mắc ĐTĐ type 2 khi mới phát hiện bệnh đã có biến chứng.
Bệnh nhân đái tháo đường
Để chẩn đoán được bệnh, theo bác sĩ Cường cách duy nhất là thử đường máu lúc đói hoặc thời điểm bất kỳ không phụ thuộc vào tình trạng đói hay no. Nếu đường máu lúc đói >=7,0 mmol/l hay >=126mg/dl hoặc đường máu thời điểm bất kỳ >=11 mmol/l hay >=200mg/dl rất có thể bạn bị mắc bệnh ĐTĐ.
Thử nước tiểu là một cách đơn giản để tìm bệnh. Khi có đường trong nước tiểu có nghĩa là đường máu tăng nhiều. Tuy nhiên, thử nước tiểu không có ý nghĩa chẩn đoán sớm bệnh ĐTĐ.
Bác sĩ Cường cho biết cách xác định mình có nguy cơ mắc ĐTĐ type 2 hay không, mỗi người chỉ cần trả lời các câu hỏi sau đây, viết số điểm được ghi bên cạnh cho câu trả lời "Có", nếu trả lời "Không" ghi 0 điểm. Cộng dồn các điểm.
1. Tôi là phụ nữ đẻ con > 4 kg? Có 1 điểm
2. Tôi có anh, chị em mắc tiểu đường? Có 1...
3. Tôi có cha mẹ mắc tiểu đường? Có 1...
4. BMI >=23kg/m2)? Có 5...
5. Tôi < 65 tuổi và ít/không vận động? Có 5...
6. Tuổi của tôi 45-64 tuổi? Có 5...
7. Tuổi của tôi > 65 tuổi Có 9...
Sau đó tổng cộng các số trên lại, nếu điểm tổng cộng >=10 điểm: Bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nhất là phụ nữ sống ở thành thị.
Nếu từ 3-9 điểm, bạn có nguy cơ thấp bị mắc bệnh, không nên chủ quan bạn cần gắng giữ cân nặng không để béo phì, tập thể dục và vận động đều đặn, tránh ăn nhiều mỡ và uống nhiều đường, hãy ăn rau, quả và ngũ cốc toàn phần.
Triệu chứng bệnh đái tháo đường
Theo bác sĩ Cường biểu hiện lâm sàng xuất hiện rầm rộ trong ĐTĐ type 1. Bệnh nhân thường đột ngột có các biểu hiện đái nhiều, khát nước, uống nhiều và gày sút rất nhanh và có thể hôn mê.
Đối với người ĐTĐ týp 2 chủ yếu được phát hiện ngẫu nhiên khi đi khám sức khoẻ định kỳ, hoặc khi đi khám mắt, hoặc chuẩn bị mổ nên làm xét nghiệm thấy đường máu tăng cao.
Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất chẩn đoán sớm đái tháo đường
Các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ thiếu insulin, giai đoạn đầu thường không rõ ràng như giảm thể lực chung, đái nhiều, uống nhiều và giảm cân (mất nước), ăn kém ngon (thường ở ĐTĐ type 1), đói nhiều (giai đoạn tăng insulin máu ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2).
Một số triệu chứng khác như dễ bị nhiễm khuẩn da lâu lành, ngứa vùng sinh dục; nhiễm khuẩn tiết niệu; lao phổi, rối loạn thị lực: nhìn mở, chuột rút bắp chân ban đêm, giảm dục tình, liệt dương, mãn kinh, ở người già có tình trạng lú lẫn, chóng mặt và ngã (do mất nước), nhiều bệnh nhân phát hiện ra bệnh trong tình trạng hôn mê tăng đường máu.
Với loại ĐTĐ type 1: cần đến bệnh viện xét nghiệm đường máu khi có các biểu hiện đái nhiều, uống nhiều, gầy sút cân nhanh sẽ chẩn đoán được bệnh.
Với người ĐTĐ type 2: không nên chờ có triệu chứng mới đi làm xét nghiệm vì như vậy thường là muộn. Nên làm xét nghiệm một cách định kỳ 1-3 năm/lần mới giúp chẩn đoán bệnh ĐTĐ sớm.