Mỡ máu ở người trẻ
Anh Nguyễn Văn Hùng (22 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) lần đầu tiên đi khám sức khỏe tổng quát của cơ quan xét nghiệm máu chỉ số mỡ máu tăng vọt lên tới 9mmol/l. Người bình thường mức độ này ở mức 4,5 mmol/l. Anh Hùng cho biết trong gia đình bố mẹ anh cũng bị tăng mỡ máu nhưng anh nghĩ đây là căn bệnh của người già chứ trẻ thì chưa bị.
Không riêng gì anh Hùng, chị Vũ Thúy Hà (32 tuổi, Hà Nội) tâm sự chị vừa đi khám tổng quát về và bệnh lý mỡ máu vẫn không giảm. Những lần khám trước chị biết mình mỡ máu tăng chút nhưng vẫn chủ quan vì nghĩ do ăn uống. Tuy nhiên, 1 năm sau đi kiểm tra thì mỡ máu đã tăng đột biến.
Chị Hà được bác sĩ tư vấn phải uống thuốc điều trị tăng mỡ máu. Nếu nghe mọi người nói tăng mỡ máu lúc còn trẻ như chị nhiều người thường không tin. Tuy nhiên, chị Hà cho biết đi khám thì rất nhiều người trẻ cũng bị tăng mỡ máu giống như chị.
Anh Đỗ Quốc Hậu (39 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội) người gày như mắc áo nhưng đi khám lần nào bác sĩ cũng cảnh báo mỡ máu cao. Anh Hậu thừa nhận anh rất thích ăn các món xào, rán. Ăn các loại đồ ăn luộc anh luôn cảm giác nhạt nhẽo không ngon.
Lipit máu tăng cao gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Lần đi khám nào chỉ số mỡ máu vẫn bị bác sĩ "khoanh tròn" cảnh báo phải thay đổi chế độ ăn. Bản thân anh Hậu thừa nhận thi thoảng ăn vẫn nghiền đồ chiên rán nên mỡ máu vẫn cao chót vót.
Không chỉ người béo mới tăng mỡ máu mà ngay cả người gầy cũng bị mỡ máu, các bác sĩ cho rằng mỡ máu cao đang tăng ở người trẻ do xã hội công nghiệp. Lối sống ăn nhiều chất béo, lười vận động, hút thuốc lá làm gia tăng bệnh mỡ máu. Nếu không có biện pháp thay đổi ngay thì bệnh lý tăng mỡ máu sẽ "mở đường" cho hàng loạt các bệnh tim mạch khác đi kèm.
Khi nào cần xét nghiệm
PGS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết tăng mỡ máu hay còn gọi là rối loạn lipit máu là bệnh lý phổ biến hiện nay.
Theo PGS Hùng rối loạn mỡ máu có nhiều thành phần. Các bác sĩ chia thành 4 thành phần chính đó là chỉ số LDL – Cholesterol (loại xấu). Đây là thành phần được coi là "xấu" của cholesterol, khi lượng LDL này tăng nhiều trong máu dẫn đến sự dễ dàng lắng đọng ở thành mạch máu (đặc biệt ở tim và ở não) và gây nên mảng xơ vữa động mạch.
Mảng xơ vữa này được hình thành dần dần gây hẹp hoặc tắc mạch máu hoặc có thể vỡ ra đột ngột gây tắc cấp mạch máu dẫn đến những bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch não.
Còn HDL - Cholesterol (loại tốt), loại này chiếm khoảng 1/4- 1/3 tổng số cholesterol trong máu của bạn. HDL - cholesterol được cho là loại tốt bởi vì nó vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan, cũng vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch máu và do vậy, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến cố tim mạch trầm trọng khác.
Triglyceride cũng là một dạng mỡ trong cơ thể bạn. Tăng triglycerides thường gặp ở những người béo phì/thừa cân, lười vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường, uống quá nhiều rượu... Tăng triglyceride cũng làm gia tăng các biến cố tim mạch.
Thành phần Lp(a) Cholesterol là một biến thể của LDL cholesterol. Việc tăng Lp(a) trong máu làm gia tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch.
Mảng xơ vữa phát triển một cách từ từ gây hẹp dần lòng mạch dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng cơ quan một cách mạn tính và gây ra một loạt các biến cố như, bệnh mạch vành mạn tính, đau cách hồi, suy tim, giảm chất lượng cuộc sống. Nếu mảng xơ vữa bị nứt vỡ gây hình thành máu cục tại chỗ có thể dẫn đến tắc mạch máu đột ngột gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não...
PGS Hùng cho biết việc tăng cholesterol máu gây ra những bệnh tim mạch trầm trọng, nhưng đa số người bị tăng cholesterol đều không có triệu chứng rõ ràng mà quá trình này tiến triển thầm lặng. Do vậy, điều cần thiết để đánh giá rối loạn lipid máu là phải thường xuyên xét nghiệm.
Tuy nhiên, các thông số xét nghiệm lipid máu đợt khám này tốt không có nghĩa là tốt mãi nên bất cứ ai cũng cần giữ gìn chỉ số lipit của mình.
Theo khuyến cáo của Hội Tim Mạch Học Việt Nam, năm 2010, tất cả những người lớn trên 20 tuổi nên được xét nghiệm 5 năm một lần các thành phần cơ bản của lipid máu. Các xét nghiệm nên được làm khi đói (cách bữa ăn trước ít nhất 12 giờ, bao gồm cả đồ uống có năng lượng).