Câu chuyện người Campuchia ăn một miếng cá sông nướng, rắc muối và nhồi sả, có thể sẽ sớm trở thành một sự kiện “rất đặc biệt” trong đời sống của họ.
"Hôm nay, ở đây chỉ có nước nhưng không có cá" - ông Nan Sok, 60 tuổi, từ ngôi nhà của ông ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh nhìn chằm chằm vào Tonle Sap và nói.
Ông Nan - một ngư dân - nhớ lại rằng vào năm 1979, ông chỉ thò tay xuống nước là đã có thể bắt được nhiều cá, còn bây giờ, ngay cả khi ông sử dụng một tấm lưới lớn suốt cả ngày cũng không bắt được gì.
Ông Nan Sok là ngư dân sống ven Tonle Sap. Ảnh: VOA
Tonle Sap (Biển Hồ) là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997, cung cấp cho người Campuchia hơn 70% lượng protein.
Theo đài VOA, nguy cơ thiếu lương thực là thực tế hiển nhiên khi bên cạnh việc tăng dân số từ 6 triệu người năm 1980 lên 16 triệu vào năm 2018, việc xây dựng các con đập và tình trạng khai thác cá trái phép và bừa bãi cũng góp phần làm sụt giảm lượng cá đánh bắt được.
Ông Eng Cheasan, giám đốc cơ quan quản trị ngư nghiệp Campuchia, bày tỏ lo ngại về việc sản lượng khai thác cá ở Biển Hồ Campuchia có thể không đạt mức khai thác hằng năm là 500.000 tấn.
Sản lượng cá đánh bắt cực thấp trong năm nay có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực lớn ở Campuchia - theo ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson ở Washington, DC (Mỹ).
Theo ông, vương quốc này có rất ít tài nguyên để thay thế lượng cá thiếu hụt. Cuộc khủng hoảng lương thực có thể diễn ra trong những tháng mùa đông sắp tới.
Hiện tại, vùng thượng lưu sông Mekong ở Trung Quốc có 5 đập thủy điện do Trung Quốc vận hành. Hai con đập khác ở vùng hạ lưu của con sông này thuộc Campuchia, đang trong giai đoạn nghiên cứu nhưng nếu được xây dựng sẽ đe dọa hơn nữa số lượng cá. Sông Tonle Sap, một nhánh sông Mekong, chảy vào hồ Tonle Sap.
Người phụ nữ bán cá Sos Nob ngồi cạnh cô cháu gái ở bến phà hôm 14-10. Ảnh: VOA
Tổ chức môi trường phi chính phủ International Rivers đang kêu gọi chính phủ Campuchia suy nghĩ lại về việc xây dựng đập ở hạ lưu sông Mekong và sử dụng các giải pháp thay thế như năng lượng mặt trời để sản xuất điện.
Nghiên cứu năm 2018 của ông Ngor Pengbun, chuyên gia cơ quan quản trị ngư nghiệp, cho thấy cá đang bị tận diệt. Khi các sông giảm số lượng cá lớn và trung bình, người dân Campuchia phải ăn luôn cá nhỏ mà không kịp chờ nó lớn. Tổng sản lượng đánh bắt cá nhỏ đã tăng từ 5% từ năm 1995-2000 lên 14% vào năm 2013-2014.
Chưa kể, cá càng ít càng nhiều ngư dân Campuchia sử dụng các thiết bị câu rẻ tiền như lưới rê nylon đơn sợi để câu những con cá nhỏ hơn, ít dinh dưỡng hơn. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của cả cá lớn lẫn cá nhỏ - ông Eyler nói. Ông đổ lỗi cho các quy định đánh bắt lỏng lẻo, khiến mọi người đánh bắt bừa bãi trong suốt cả năm, họ bắt được càng nhiều cá càng tốt và bằng phương pháp nào dễ nhất.