Campuchia quyết theo đuổi những siêu dự án tỷ đô

Bình Giang |

Campuchia đang theo đuổi kế hoạch phát triển hạ tầng toàn diện, với tổng số 174 dự án nhằm nâng cấp mạng lưới vận tải và hậu cần quốc gia chỉ trong 1 thập kỷ, với chi phí ước tính 36,6 tỷ USD.

Campuchia quyết theo đuổi những siêu dự án tỷ đô- Ảnh 1.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet. (Ảnh: Reuters)

Đó là mức đầu tư được Chính phủ Campuchia tính toán và công bố đầu năm nay.

Mục tiêu xuyên suốt của kế hoạch phát triển đường cao tốc, tàu cao tốc và nhiều công trình khác là nhằm đưa Campuchia trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.

Kế hoạch được vạch ra từ khi Thủ tướng Hun Manet lên nắm quyền vào năm ngoái.

“Chúng tôi sẽ không từ bỏ các mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng cầu đường”, ông Hun Manet nói tại lễ động thổ xây dựng một cây cầu ở Phnom Penh hồi tháng 2, sử dụng vốn vay của Trung Quốc.

“Những con đường giống như mạch máu nuôi sống các cơ quan trong cơ thể… Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ không chỉ sở hữu mà còn tự mình xây dựng những kỳ quan cơ sở hạ tầng như cầu, tàu cao tốc và tàu điện ngầm”, ông nói.

Theo chỉ số hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Thế giới (WB), Campuchia đã trải qua hơn 2 thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng với cơ sở hạ tầng kém nhất ở Đông Nam Á.

Với dự đoán của WB rằng Campuchia sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhanh trong những năm tới, hệ thống giao thông vốn đã quá tải của Campuchia có thể không còn phù hợp.

Kế hoạch phát triển hàng loạt công trình hạ tầng lớn nhỏ của Campuchia tạo cơ hội cạnh tranh địa - chính trị cho các đối tác nước ngoài muốn mở rộng ảnh hưởng, nổi bật là Trung Quốc và Nhật Bản.

“Tôi nghĩ Chính phủ Campuchia cảm thấy đã đến lúc phải tối đa hóa những gì họ có thể nhận được từ các nhà tài trợ”, ông Chhengpor Aun, nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Tương lai, một tổ chức tư vấn chính sách công của Campuchia, nói với Al Jazeera .

“Logic là nếu một dự án cơ sở hạ tầng do Chính phủ Campuchia khởi xướng không được đối tác chấp nhận, họ vẫn có thể tìm đến đối tác kia để đề nghị tài trợ. Đó là cách họ sử dụng các cường quốc đang cạnh tranh với nhau để thu được lợi ích”, Aun nói.

Trung Quốc và Nhật Bản đang có quan hệ cấp độ cao nhất với Campuchia: Đối tác chiến lược toàn diện. Nhật Bản và Campuchia thiết lập khuôn khổ này từ năm ngoái.

Cho đến nay, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc mang lại các dự án lớn như đường cao tốc đầu tiên của Vương quốc, chạy từ thủ đô Phnom Penh đến thành phố ven biển Sihanoukville.

Trong khi đó, Nhật Bản vẫn giữ chương trình riêng, tập trung vào các dự án như xử lý nước thải mới và nâng cấp các con đường hiện có.

Có lẽ đáng chú ý nhất là kế hoạch mở rộng để tăng gấp 3 lần công suất của cảng nước sâu quốc tế Sihanoukville.

Cảng này xử lý khoảng 60% lưu lượng xuất nhập khẩu của Campuchia và ngày càng tắc nghẽn sau hơn một thập kỷ tăng trưởng ổn định.

Dưới sự giám sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), cảng này được nâng cấp vào cuối năm ngoái. Dự án gồm 3 phần, kéo dài hàng thập kỷ, được đưa vào quy hoạch tổng thể mới và có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 750 triệu USD.

Ông Ryuichi Shibasaki, phó giáo sư và nhà nghiên cứu về hậu cần toàn cầu tại ĐH Tokyo, nói với Al Jazeera : “So với đầu tư của Trung Quốc, lượng đầu tư của Nhật Bản rất hạn chế. Chúng tôi cần tìm cách riêng vì có quá nhiều đầu tư từ Trung Quốc”.

Campuchia quyết theo đuổi những siêu dự án tỷ đô- Ảnh 2.

Campuchia đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. (Ảnh: Getty)

Quy hoạch tổng thể về cơ sở hạ tầng của Vương quốc Campuchia bao gồm đề xuất cho 9 siêu dự án tổng trị giá ước tính hơn 19,1 tỷ USD.

Dù hầu hết vẫn đang được nghiên cứu khả thi, JICA hoặc Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) - công ty con của Tập đoàn Xây dựng Truyền thông Trung Quốc, đều đã bày tỏ quan tâm.

CRBC trước đây phụ trách xây dựng đường cao tốc đầu tiên của Campuchia, đi vào hoạt động từ cuối năm 2022. Năm ngoái, công ty này khởi công tuyến cao tốc thứ hai, trị giá 1,35 tỷ USD, để nối Phnom Penh và thành phố biên giới Bavet.

Dự án lớn nhất trong số các siêu dự án mà Campuchia đề ra là kênh đào Funan Techo dài 180km, rộng 100m, nối trực tiếp hệ thống sông Mekong ra Vịnh Thái Lan. Dự án trị giá 1,7 tỷ USD sẽ được CRBC thực hiện theo hình thức BOT.

Chính phủ Campuchia cho biết dự án sẽ được khởi công vào cuối năm nay.

Hong Zhang, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về chính sách công của Trung Quốc tại Trung tâm Ash thuộc Trường Harvard Kennedy, cho rằng động lực của dự án đang rất mạnh, nên sẽ được triển khai bất chấp lo ngại.

“Nếu dự án nhận được sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ, tôi không nghĩ những tác động về môi trường và xã hội có thể cản trở hoặc ngăn cản nó được thực hiện”, Zhang nói với Al Jazeera .

Theo Al Jazeera

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại