Campuchia làm dự án kênh đào 1,7 tỷ USD, chuyên gia Việt Nam nói gì?

Minh Hằng |

Một số chuyên gia lo ngại, dự án này có thể khiến sự thiếu hụt nước tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trầm trọng hơn.

Đây là dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo). Công trình này dự kiến dài khoảng 180 km, nối sông Mekong với biển của Campuchia phía Tây Nam. 

Công trình trị giá khoảng 1,7 tỷ USD có 3 đập đường thủy, 11 cầu và 208 km đường hai bên và dự kiến được Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc CRBC thực hiện theo hình thức xây dựng, vận hành và chuyển giao. Đây là hình thức cho phép thi công vận hành, thu lợi nhuận trong khoảng 50 năm.

Campuchia làm dự án kênh đào 1,7 tỷ USD, chuyên gia Việt Nam nói gì?- Ảnh 1.

Phối cảnh kênh đào Phù Nam Techo. Ảnh: MPWT

Về những quan ngại xung quanh công trình này, ngày 23/4, tại TP Cần Thơ, Ủy ban sông Mekong Việt Nam cũng đã tổ chức cuộc họp tham vấn. Tại cuộc họp, một số chuyên gia và các nhà quản lý đã bày tỏ quan ngại về dự án kênh đào 1,7 tỷ USD của Campuchia sẽ có các tác động tiêu cực đến ĐBSCL của Việt Nam.

Trong số đó, PGS, TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng của Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ, bày tỏ dự tính khi dó kênh đào Phù Nam Techo thì sự thiếu hụt nước tại ĐBSCL sẽ trở nên trầm trọng hơn, có thể ảnh hưởng tới hơn một nửa diện tích canh tác của vùng này vào mùa khô trong tương lai.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng, vào mùa mưa, kênh đào khổng lồ này với đường đắp ở bờ hai bên thành đường giao thông và đô thị hóa sẽ trở thành một con đê cắt ngang qua những cánh đồng ngập lũ cụ thể lũ trên sông Mekong là lũ tràn đồng. Điều này từ đó sẽ làm thay đổi về việc phân bổ nước về vùng trũng Tứ giác Long Xuyên, gây ra ảnh hưởng đến vùng sản xuất lúa lớn nhất của ĐBSCL.

Đồng quan điểm với PGS, TS Lê Anh Tuấn, ông Phạm Hồ Quốc Tuấn - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết vào mùa khô, dòng chảy của sông Mekong và sông Bassac về hạ lưu đã giảm trong nhiều năm nay. Vì thế, nếu kênh đào Phù Nam Techo lấy thêm một lượng nước (hiện vẫn chưa rõ lấy thêm một lượng là bao nhiêu) thì dòng chảy về hạ lưu sẽ sụt giảm. Việc này dẫn tới khả năng thiếu hụt lượng nước vào mùa khô, từ đó sẽ có tác động đối với ĐBSCL là điều chắc chắn.

Hiện nay, dự án kênh đào Funan Techo còn nhiều thông tin chưa được phía Campuchia cung cấp đầy đủ, do đó còn nhiều cái mơ hồ, khiến chưa hình dung được kênh đào này ảnh hưởng ra sao tới sản xuất nông nghiệp. Chinh vì vậy, đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết, đến nay, trên cơ sở nghiên cứu các thông tin thông báo về dự án cho Ủy hội sông Mekong quốc tế của Campuchia, Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã tiến hành trao đổi song phương với phía Campuchia.

Ủy ban sông Mekong Việt Nam cũng đề nghị phía Campuchia chia sẻ những thông tin chi tiết về dự án, trong đó bao gồm báo cáo khả thi dự án, tiến hành nghiên cứu chung về tác động của dự án và áp dụng hướng dẫn đánh giá tác động xuyên biên giới của Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Ngoài ra, Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế đang nghiên cứu độc lập về những tác động của dự án kênh đào Phù Nam Techo, nhất là những tác động xuyên biên giới, để từ đó đề xuất các biện pháp giảm thiểu và giám sát tác động.

Trước đó, ngày 8/8/2023, Ban thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế đã nhận được công văn chính thức của Campuchia về dự án đường thủy nội địa kênh đào Phù Nam Techo. Công văn này nêu mục đích của dự án chính là kết nối giao thông đường thủy nội địa và hàng hải bằng cách xây dựng một tuyến đường thủy dài 180 km, đồng thời mở rộng và đào sâu những kênh hiện có, đào thêm một số đoạn mới nối biển với tải trọng 1.000 DWT...

Tuy nhiên, đến nay, phía Campuchia vẫn chưa thông tin cụ thể về một số yếu tố kỹ thuật của dự án, chẳng hạn như cao độ lòng sông ở điểm đầu và điểm cuối của các đoạn kênh, độ dốc, chiều rộng của mặt kênh, lưu lượng xả nước...

Trước đó, ngày 11/4, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Thủ tướng Campuchia Hun Manet mới đây cho biết nước này sẽ thúc đẩy dự án xây dựng kênh đào Funan Techo (kênh đào Phù Nam), Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ: Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các nước ven sông Mekong, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích của các cộng đồng người dân trên lưu vực, tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông.

Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại