Trong những năm gần đây, ngoài việc tới Campuchia để du lịch và đánh bạc, rất nhiều người Trung Quốc đã tới quốc gia Đông Nam Á này để đầu tư, làm việc và sinh sống. Họ bao gồm rất nhiều tầng lớp khác nhau như giám đốc điều hành, nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước, chủ sở hữu tư nhân lớn, nhỏ, những nhà đầu tư bất động sản và phần lớn trong số họ là công nhân xây dựng. Tại sao những người Trung Quốc này chọn đến Campuchia? Họ có cuộc sống như thế nào ở đây?
Tại đảo Koh Pich, thủ đô Phnom Penh, nhà đầu tư bất động sản và các công nhân xây dựng của Trung Quốc đang xây dựng khu vực này thành một đô thị phồn hoa với các tòa nhà cao tầng. Nhưng trái ngược hoàn toàn, các công nhân Trung Quốc và Campuchia ở Phnom Penh lại sống trong các khu nhà trọ container tồi tàn phía sau những tòa nhà cao tầng này.
Những công nhân hiếu kỳ được ra nước ngoài
"Chủ yếu là thích thú nên ra ngoài xem xem. Chúng tôi đến đây là vì tò mò, lại vừa có thể kiếm tiền, lại vừa có thể du lịch nên đến thăm thú chút thôi", một công nhân xây dựng đến từ Trường Sa, thủ phủ Hồ Nam chia sẻ với VOA trong căn nhà trọ.
Những công nhân này kiếm được tiền ở Campuchia nhiều hơn ở Hồ Nam. Họ có một cuộc sống tốt ở quê nhà. Điển hình như quản đốc xây dựng họ Trương, hiện đã có nhà, có xe, con trai ông còn là sinh viên đại học.
Các công nhân Trung Quốc chia sẻ, công việc ở đây không quá vất vả, bởi đó là công việc kỹ thuật trang trí đá cẩm thạch. Sau giờ làm việc, họ dùng bữa tại một nhà hàng Trung Quốc gần khu nhà trọ, tiêu chuẩn mỗi bữa ăn được cấp là 2,5 USD.
Công nhân xây dựng Trung Quốc xây dựng các tòa nhà cao tầng ở Koh Pich, Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: VOA
Khu nhà trọ không có ti vi nên họ xem tin tức và giải trí bằng điện thoại. Mỗi tháng họ tốn 8 USD để đăng ký lưu lượng, liên lạc với người nhà ở Trung Quốc.
Họ cho biết, họ không có kế hoạch làm việc lâu dài ở đây.
Một nhân viên xây dựng đến từ Trường Sa nói: "Khi chúng tôi đến đây, con trai, con gái và con dâu đều không đồng ý và không muốn chúng tôi đi quá xa".
Một công nhân khác nói: "Tôi thực sự đến đây vì tò mò. Nếu tôi định cư ở đây, tôi chắc chắn sẽ không đến. Nơi này quá nghèo".
Vừa nghe thấy câu này, quản đốc họ Trương liền xen vào: "Cái gì mà quá nghèo? Trung Quốc 20 năm trước không phải cũng như vậy sao?".
Ông Triệu quê ở Liên Vân, Giang Tô, đến cảng Sihanoukville vào tháng 5 năm nay để làm thợ sửa ống nước công trình cho một công ty xây dựng của Trung Quốc với mức lương hàng tháng là hơn 10.000 NDT. Mục đích của ông là để có kinh nghiệm đi nước ngoài.
"Hơi lạ lẫm một chút. Tôi chưa từng ra nước ngoài. Tôi chưa từng đi máy bay, tôi rất muốn đi máy bay", ông này chia sẻ.
Sự xuất hiện của những công nhân Trung Quốc này đã tạo ra một loạt các dịch vụ có thể tưởng tượng được từ ăn uống đến "giải trí". Khách hàng là người Trung Quốc và nhà cung cấp dịch vụ cũng là người Trung Quốc. Người Campuchia địa phương không hài lòng với sự xuất hiện của người Trung Quốc, vì đơn giản là họ không thể kiếm được tiền từ người Trung Quốc.
Doanh nghiệp nhận thấy cơ hội kinh doanh
Ông Chu đến từ Phúc Kiến, quản lý một nhà hàng Trung Quốc tại thị trấn sòng bạc Krong Poi Pet ở biên giới Campuchia - Thái Lan và cung cấp dịch vụ trao đổi tiền tệ. Khách hàng của ông đều là công nhân Trung Quốc đang xây dựng tại đây.
Đầu tư của Trung Quốc đang thúc đẩy sự bùng nổ xây dựng ở Campuchia nhưng nó cũng gây ra nhiều phiền phức. Ảnh: Akira Kodaka
Ông cho hay, có rất nhiều người Trung Quốc đến Campuchia để kinh doanh trong hai năm qua, điều này có liên quan rất lớn đến chính sách của chỉnh phủ Campuchia.
"Chính sách bắt đầu mở cửa, vì vậy rất hoan nghênh người dân Trung Quốc đầu tư vào. Chúng tôi thấy nhiều người Trung Quốc đã đến nên chúng tôi cũng đến và kiếm tiền", ông nói.
Ông Chương, đang kinh doanh tại Phúc Kiến, đã mở một nhà hàng ăn Trung Quốc, một quán bar trên sân thượng và một cửa hàng kim khí ở Preah Sihanouk. Ông này nói rằng làm kinh doanh ở đây dễ hơn Trung Quốc.
"Sự cạnh tranh ở đây không quá khốc liệt. Biên lợi nhuận sẽ lớn hơn một chút so với ở Trung Quốc", ông nói, ông đến đây làm ăn vì yêu thích Campuchia.
"Tôi vốn đến đây du lịch. Khi vừa xuống máy bay, tôi cảm thấy hơi thất vọng nhưng đến với các bãi biển ở đây và dần dần tìm hiểu tôi thấy tôi rất thích nơi này nên muốn ở lại, thử sức".
Một nhân viên làm việc trong một nhà hàng thức ăn nhanh ở Preah Sihanouk, đến từ vùng núi Phúc Kiến chia sẻ: "Chúng tôi đến đây để phát triển và kiếm tiền".
Các đồng nghiệp cùng làm việc trong nhà hàng này cho biết, tiền lương của họ cao hơn 1/3 so với ở Trung Quốc.
Nắm bắt cơ hội kiếm tiền
Đối với nhiều người Trung Quốc, điều hấp dẫn nhất ở Campuchia là tiềm năng bất động sản. Đây là một lĩnh vực có thể kiếm được rất nhiều tiền và dĩ nhiên vốn đầu tư cũng không ít. Do đó, phần lớn kinh doanh phát triển bất động sản ở Campuchia là các công ty vốn lớn và các thương nhân lớn.
Doanh nghiệp phát triển bất động sản Hồ Bắc Tân Đô Hội đã hợp tác với công ty xây dựng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc xây dựng hơn 3.600 căn chung cư và hơn 400 phòng khách sạn ở Preah Sihanouk. Công ty này cho biết, từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay, họ đã bán hơn 400 căn hộ, người mua chủ yếu là người Trung Quốc.
Cảng Sihanoukville đã trở thành tuyến giao thương quan trọng cho sự phát triển Vành đai và Con đường. Hình trong ảnh là sòng bài người TQ mở ở Sihanoukville. Ảnh: Getty
Lỗ Phi, Giám đốc dự án của công ty, tiết lộ khoản đầu tư của họ vào Campuchia chủ yếu liên quan đến lợi tức đầu tư hoặc lợi ích kinh tế.
"Ở Preah Sihanouk, theo cách nói của nhiều người, nó tương tự như Thâm Quyến trong những năm 1980 và 1990 của Trung Quốc. Ở giai đoạn đó, có một mô hình như vậy ở trong nước, nhiều người có nhận thức đầu tư hoặc sức mạnh tài chính liền muốn đầu tư. Về tiềm năng phát triển, bao gồm trong các ngành công nghiệp khác nhau, cơ hội tương đối lớn hơn nhiều", Lỗ Phi nói.
Quan hệ Trung Quốc - Campuchia cải thiện
Lỗ Phi nói: "Ở Đông Nam Á, quan hệ Trung Quốc - Campuchia rất thân thiện. Thái độ đối với người Trung Quốc, lịch sử giữa hai nước, thêm các chính sách kinh tế mở cửa, tất cả các lý do đã thúc đẩy người Trung Quốc có ý tưởng đầu tư vào Campuchia, bao gồm khách hàng, nhà phát triển và những người thuộc mọi ngành nghề như ẩm thực đến đây, hoặc để kiếm tiền hoặc để phát triển thị trường".
Ông Dương, người sở hữu khách sạn năm sao Phoenix Villa ở Ngạc Châu, Hồ Bắc, cũng quan tâm đến việc đầu tư vào Khu nghỉ dưỡng biển bảy sao do Tập đoàn China Unicom phát triển ở tỉnh Koh Kong.
Ông nói: "Bạn tôi đang đầu tư ở đây. Cậu ấy nói rằng nơi này rất tuyệt, rất phù hợp để dưỡng lão, du lịch, nghỉ mát. Chúng tôi liền tới khảo sát. Cảm giác lần đầu tiên đến đó ấy mà, thực sự rất tuyệt. Môi trường cũng rất tốt".
Ông Lâm, đến từ Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, đi cùng con trai sau nhiều lần đến Preah Sihanouk, đã quyết định đầu tư gần 100 triệu NDT để xây dựng một khách sạn hàng chục tầng gần khu phố Tàu bên bờ biển Ou Chheuteal. Ông đang đợi chính phủ Campuchia phê duyệt.
Các cửa hàng của người Trung Quốc mọc nhanh như nấm sau mưa ở Campuchia để phục vụ làn sóng người Trung Quốc sang đầu tư. Ảnh: The Guardian
"Lần đầu tiên tôi đến là nhờ một người bạn giới thiệu. Cậu ấy nói Campuchia là trạm dừng đầu tiên để Trung Quốc phát triển Vành đai và Con đường", ông này nói.
Ông Lâm - ban đầu làm việc trong một công ty xây dựng, cho hay người Trung Quốc có thể đến Campuchia để xin visa, điều này mang lại sự thuận tiện cho người Trung Quốc đầu tư vào đây. Theo ông, về cơ bản người Trung Quốc xây nhà để bán cho người Trung Quốc và không có nhiều "người nước ngoài" ở đây.
Mùa xuân thứ hai của cuộc đời
Bên ngoài tòa nhà tập đoàn bất động sản Prince (Prince Real Estate Group), công ty phát triển bất động sản lớn nhất ở Phnom Penh, một số khách hàng mua nhà từ Thượng Hải đã cho các phóng viên VOA xem hợp đồng mà họ vừa ký. Một người phụ nữ nói cô ấy mua 10 căn hộ lần này để đầu tư.
Tất cả người Trung Quốc đều đầu tư vào đây thông qua môi giới. Một môi giới bất động sản nói rằng anh ta thua lỗ vài triệu NDT khi kinh doanh tại Thượng Hải và sau đó đã li dị vợ. Một năm trước, anh đến Campuchia sau lời giới thiệu của một người bạn. Theo cách nói của mình, anh ta đã tạo ra "mùa xuân thứ hai của cuộc đời" ở đây.
"Bán năm hoặc sáu căn hộ mỗi ngày, tùy ý, doanh thu đã là 10 triệu NDT", anh này cho biết, bản thân đã bán hàng trăm căn trong một năm và những người mua cơ bản là người Trung Quốc.
Một môi giới giải thích: "Vì có cơ hội tốt, Trung Quốc có mối quan hệ tốt với Campuchia nên sau đó các doanh nghiệp Trung Quốc đã đến đây".
Trong phòng triển lãm của tập đoàn bất động sản Prince, ông Vu - đến từ Hồ Bắc, đã bán hàng trăm ngôi căn hộ chỉ trong vài tháng nói rằng, thị trường nội địa Trung Quốc giờ đây không dễ kinh doanh, cơ hội kiếm tiền Campuchia tốt hơn Trung Quốc, bởi vì ông cho rằng Campuchia cũng sẽ được đô thị hóa như Trung Quốc.
Khách hàng Trung Quốc đánh bạc bên trong một sòng bạc do người Trung Quốc điều hành ở Sihanoukville, thủ phủ ven biển của tỉnh Sihanoukville. Ảnh: AFP
Vu nhận định: "Người Trung Quốc hiện đang chạy đến quốc gia ở Đông Nam Á, bởi vì bây giờ họ mua được là các bất động sản ở trung tâm của trung tâm quốc gia này. Chỉ cần quốc gia này mở cửa, hội nhập toàn cầu hóa, kết quả cuối cùng của toàn cầu hóa là đô thị hóa dân số. Sau khi đô thị hóa, vùng trung tâm của thành phố chính là tiền. Do đó, các căn hộ ở trung tâm thành phố nhất định sẽ tăng giá".
Ông Vu - người từng làm việc trong một hãng hàng không và đầu tư bất động sản ở Tân Cương, nói rằng, người Trung Quốc còn có nhiều lợi ích khác khi họ đến Campuchia.
Ông nói: "Họ sử dụng đồng đô la Mỹ, không sợ người Mỹ cắt xén, không sợ người Mỹ phát hành quá mức, cũng không lo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát hành quá mức".
Về phương thức người Trung Quốc tránh kiểm soát ngoại hối, đưa tiền vào Campuchia đầu tư, ông Vu tiết lộ họ có nhiều cách khác nhau, bao gồm cả các ngân hàng ngầm và bitcoin, để chuyển tiền nhưng ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Tất nhiên, các nhà phát triển bất động sản cũng sẽ cung cấp các khoản vay ngân hàng cho người mua.
Đầu tư bùng nổ và rủi ro bong bóng
Hiện nay, làn sóng người Trung Quốc đầu tư vào bất động sản ở Campuchia vẫn tiếp tục.
Ông Vu đánh giá, nguy cơ bong bóng bất động sản ở Preah Sihanouk là rất lớn nhưng ông cũng tin rằng vì lý do chính trị, chính phủ Trung Quốc sẽ không để bong bóng này sớm vỡ.
Ông Chương - người đã mua một căn hộ ở Preah Sihanouk, không lo lắng về việc bong bóng vỡ.
Ông này dự đoán: "Hiện nay [bong bóng] vẫn chưa xuất hiện nhưng nếu xây dựng ngày càng nhiều hơn trong tương lai thì điều này sẽ không chắc chắn nữa. Sau này có thể sẽ có nhiều người đến hơn".
Nhưng ông này cho biết rằng không phải tất cả người Trung Quốc đến Campuchia kinh doanh đều sẽ thành công. Gần một nửa số bạn bè của ông đã thua lỗ.
Ông Chương nói: "Một số người thua lỗ vì họ có thể quá vội vàng và không nhìn thấy thị trường, vì giá thuê tương đối cao. Giá thuê có thể tương đương hoặc cao hơn các thành phố phát triển hàng đầu Trung Quốc, nhưng một số người đã không điều tra kỹ lưỡng mà mù quáng thuê ở những nơi có giá thuê cao nên sau đó đã thua lỗ".
Ông Chu vừa khai trương nhà hàng và trung tâm thông tin ở Krong Poi Pet, cho hay dù bản thân không biết liệu số tiền kiếm được có thể trả hơn 10.000 USD Mỹ mỗi tháng tiền thuê hạ tầng hay không nhưng ông vẫn quyết mạo hiểm.
Ông nói: "Người Phúc Kiến chúng tôi thường quan niệm cứ dốc sức rồi sẽ thành công. Nếu không, anh sẽ không dám thử bất cứ điều gì, thì làm sao biết được có thể kiếm được tiền không?".