Thông báo được Thủ tướng Hun Sen đưa ra tại một buổi lễ ở thủ đô Phnom Penh, vài ngày sau khi ông phê duyệt khoản tài trợ 27 triệu USD cho các nhà máy xay xát gạo thu gom lúa. Trong số này bao gồm 20 triệu USD từ chính phủ và 7 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Nông thôn (RDB).
Giá bình quân mỗi tấn lúa ở Campuchia đã giảm từ 250 USD hồi trung tuần tháng 8 xuống còn 193 USD vào tuần trước.
Thủ tướng Hun Sen thừa nhận “chúng tôi không có đủ vốn và khoản giải ngân 20 triệu USD của chính phủ là biện pháp cấp bách để giải quyết tình huống phát sinh từ phía người nông dân”.
“Đối với một giải pháp trung hạn, tôi đã làm việc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Các chuyên gia của chúng tôi đang làm việc với các quan chức Trung Quốc vì chúng tôi cần khoản tiền 300 triệu USD từ người bạn Trung Quốc của mình để xây dựng nhà máy, lò nung, kho lưu trữ cùng một số cơ sở hạ tầng khác” - ông nói.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở ngân hàng RDB, thủ đô Phnom Penh hôm 19-9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Ros Seilava cho biết chính phủ Campuchia có kế hoạch đầu tư 300 triệu USD vào cơ sở hạ tầng lưu trữ và sấy khô lúa vào năm 2017.
Ông Seilava không nói rõ đây có phải khoản tiền Thủ tướng Hun Sen đề xuất vay từ Trung Quốc hay không.
Quan chức này cho biết thêm Phnom Penh đang đặt mục tiêu trở thành nước xuất khẩu gạo có chất lượng tốt nhất thế giới, đạt sản lượng xuất khẩu 1 triệu tấn/năm.
Với nhiều nông dân đang gặp khó trong việc trả nợ, ông Hun Sen kêu gọi các tổ chức tài chính vi mô giải quyết linh hoạt các khoản nợ tồn đọng, giảm hoặc bỏ lãi suất, hạn chế khiếu nại lên tòa án, cầm cố tài sản đối với nông dân.
Trong khi đó, nghị sĩ đối lập Son Chhay đề nghị chính phủ ban hành luật để kiểm soát các ngân hàng. “Để kiểm soát lãi suất, bạn không thể chỉ đi tới ngân hàng và bảo họ không làm điều đó, trong khi không có luật hiện hành” – ông Son Chhay nói.
Tăng gấp đôi hạn ngạch
Cũng trong ngày 19-9, Thủ tướng Hun Sen đã cảm ơn Trung Quốc vì đồng ý tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo lên gấp đôi.
Theo ông, điều này thể hiện rõ ý định muốn giúp đỡ Campuchia của Trung Quốc. Bắc Kinh gần đây nhất trí tăng nhập khẩu gạo từ Campuchia lên 200.000 tấn trong vụ thu hoạch 2016-2017.
“Sự gia tăng hạn ngạch không có nghĩa là Trung Quốc thiếu gạo bởi họ có một lượng lớn lúa gạo trong kho. Nhưng Trung Quốc muốn giúp Campuchia vì mối quan hệ tốt giữa 2 nước” – ông Hun Sen phát biểu trước hơn 1.300 sinh viên làm lễ tốt nghiệp tại Đại học Panha Chiet.
Đổi lại, Campuchia đang đàm phán để tăng lượng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp khác của Trung Quốc.
Theo một báo cáo của Phnom Penh, Bắc Kinh là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của quốc gia này. Trong 8 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc đã mua 52.216 tấn gạo từ Campuchia.
Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak hôm 16-9 tiết lộ bản ghi nhớ về sửa đổi hạn mức gạo giữa Campuchia và Trung Quốc sẽ được ký kết vào tháng tới.
Số liệu đầu tư công bố vào tháng 7 cho thấy Trung Quốc chiếm 44% trong tổng số 19,2 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Campuchia từ năm 1994-2014.