Mới đây, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết xác nhận Campuchia sẽ thoát khỏi danh sách các quốc gia kém phát triển nhất (LDC) vào năm 2029 , cùng với Senegal - quốc gia châu Phi.
Khmer Times dẫn nghị quyết này và cho biết Campuchia cùng Senegal được gia hạn thời gian chuẩn bị đặc biệt là 5 năm trước thời khắc công bố danh sách LDC này. Thời gian thông thường là 3 năm.
Việc Campuchia thoát khỏi tình trạng LDC đã được thay đổi, khung thời gian trước đó là năm 2027. Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên hợp quốc (CDP) đã đưa ra quyết định này vào đầu năm 2024 trong quá trình đánh giá.
Tiêu chí đánh giá có thể thoát khỏi LDC bao gồm thu nhập bình quân đầu người, Chỉ số tài sản con người và Chỉ số dễ bị tổn thương về kinh tế và môi trường.
Đại hội đồng LHQ đảm bảo tiếp tục hỗ trợ cho cả hai quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp và sau đó. Cả hai quốc gia cũng có thể hợp tác với các đối tác song phương, khu vực và đa phương cho quá trình chuyển đổi.
Tuy nhiên, “Campuchia thoát khỏi tình trạng LDC sẽ là thách thức vì nước này sẽ mất đi một số lợi ích thương mại do Hoa Kỳ và EU mang lại, đặc biệt là khi nước này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và hàng du lịch (GFT) để duy trì nền kinh tế”, Khmer Times nhận định.
Những lợi ích này bao gồm quyền được miễn thuế theo hệ thống ưu đãi chung (GSP) của nhiều quốc gia, bao gồm cả EU.
Quốc tế có thể rút dần hỗ trợ Campuchia
Theo Vichet Lor, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Trung Quốc tại Campuchia (CCCA), Campuchia đang đứng trước cơ hội lẫn thách thức.
“Một mặt, đây là thành tựu to lớn của Chính phủ Hoàng gia, khi họ xây dựng lại đất nước từ đống tro tàn của chiến tranh, đạt được hòa bình lâu dài với mức tăng trưởng kinh tế trung bình trên 7% trong hơn hai thập kỷ trước đại dịch Covid-19”, Vichet lưu ý.
“Mặt khác, việc thoát LDC sẽ dẫn đến việc quốc tế rút dần các biện pháp hỗ trợ bao gồm các thỏa thuận thương mại ưu đãi, áp dụng linh hoạt quy tắc xuất xứ (RoO) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) cùng những biện pháp khác”, ông lưu ý.
Đánh giá sơ bộ của Liên Hợp Quốc cho đợt đánh giá 3 năm một lần vào đầu năm 2024 cho thấy các số liệu tích cực về Campuchia.
Cụ thể, Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người là 1.546 USD, cao hơn ngưỡng 1.306 USD. Chỉ số Tài sản Con người (HAI) đạt được điểm số tốt là 77,7. Chỉ số Kinh tế và Môi trường (EVI) 23,3.
Kỳ vọng là sau khi thoát LDC, Campuchia sẽ đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.
Campuchia sẽ không còn đủ điều kiện hưởng GSP tiêu chuẩn và chương trình thuế quan Everything But Arms (EBA) của EU sau khi nước này từ bỏ tình trạng LDC. Hiện tại, quốc gia này đang trong quá trình xem xét các chương trình thuế quan thương mại có lợi như GSP Plus của EU.
GSP Plus là một thỏa thuận khuyến khích đặc biệt của EU dành cho phát triển bền vững và quản trị tốt ở các nước đang phát triển, dễ bị tổn thương đã phê chuẩn 27 công ước quốc tế về nhân quyền, quyền lao động, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu cũng như quản trị tốt.
Một blog trên trang web của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) gợi ý rằng Campuchia cũng nên theo đuổi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới và hành động nhanh chóng để đẩy nhanh cải cách thương mại nhằm giải quyết những thách thức có thể phát sinh khi nước này thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhất.
Campuchia là một trong số ít các nước kém phát triển nhất có lượng xuất khẩu sang EU tăng đáng kể thông qua chế độ ưu đãi và quy tắc xuất xứ cởi mở, cho phép sản phẩm của nước này vào Châu Âu mà không phải chịu thuế.