Ngày 24/8, Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT) cho biết đã đặt hàng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải Bộ GTVT (gọi tắt là Viện chiến lược) xây dựng Đề án tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TPHCM.
Theo dự thảo đề án này, việc hạn chế, tiến tới cấm xe máy vào trung tâm TPHCM được chia thành 3 giai đoạn. Cụ thể: Từ nay đến năm 2020: Thành phố hạn chế xe máy trong giờ cao điểm trên 2 tuyến đường Trường Sơn (quận Tân Bình) và Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1). Tuyến đường Pasteur (từ Lý Tự Trọng đến Điện Biên Phủ) và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ Điện Biên Phủ đến Lý Tự Trọng) sẽ hạn chế xe máy từ 7-19 giờ.
Từ năm 2021 đến năm 2025: TPHCM xác định khu vực hạn chế xe máy được giới hạn bởi các tuyến đường: Võ Văn Kiệt - Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ.
Từ năm 2026-2030: Thành phố hạn chế tiến đến cấm hẳn xe máy vào khu vực trung tâm bao gồm địa bàn 4 quận 1, 3, 5 và 10 được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Văn Kiệt - Châu Văn Liêm - Hồng Bàng - Lý Thường Kiệt - Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám - Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng.
Cùng với hạn chế xe máy, cơ quan nghiên cứu đề xuất kiểm soát việc đỗ ô tô trong khu vực trung tâm TPHCM. Các biện pháp được đề xuất, gồm: Xây dựng khung giá dịch vụ giữ xe theo giờ và theo khu vực; hạn chế cấp phép giữ xe trên lòng đường, vỉa hè, đặc biệt là khu vực trung tâm và tăng lệ phí trước bạ đối với ô tô từ 9 chỗ trở xuống.
Đề án này cũng đề xuất thu phí “ùn tắc giao thông” giờ cao điểm đối với ô tô vào khu vực trung tâm TPHCM từ năm 2021 bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin để thu phí tự động không dừng. Số tiền thu được dùng để phát triển hệ thống giao thông đô thị.
Trong quá trình hạn chế tiến tới “khai tử” xe máy tại khu vực các quận trung tâm, cơ quan nghiên cứu đề xuất cải thiện từng bước để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để khuyến khích người dân bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân.
Theo Viện chiến lược, trong giai đoạn 2020-3030, mạng lưới xe buýt vẫn là phương thức vận tải chủ đạo trước khi hệ thống vận tải công cộng công suất lớn như xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị,... hoàn thành.
Cụ thể: Đến năm 2020 xe buýt đáp ứng được tối đa 12,2% nhu cầu đi lại của người dân TPHCM, trong đó đáp ứng từ 25-30% nhu cầu đi lại ở khu vực trung tâm. Do đó, TPHCM cần phát triển thêm từ 55-120 tuyến xe buýt, nâng tổng số toàn mạng lưới lên 192-255 tuyến, với khoảng 4.200-4.800 xe hoạt động.
Đại diện Sở GTVT cho biết TPHCM đang quản lý gần 8 triệu phương tiện, trong đó có trên 7,3 triệu xe máy và gần 640.000 ô tô. Ngoài ra, hạ tầng giao thông của TPHCM đang “gánh” hơn 1 triệu phương tiện từ các tỉnh lưu thông, tình trạng ùn tắc ngày càng diễn biến phức tạp với 34 điểm “đen” thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Mạng lưới xe buýt ở TPHCM ngày càng xuống cấp chưa sẳn sàng làm thay vai trò của xe máy
Đặc biệt, theo giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trung bình hàng ngày có khoảng 200.000 lượt hành khách vào ra sân bay. Theo ước tính hàng ngày cần khoảng trên 6.500 lượt xe taxi và các hãng xe hợp đồng là 1.000 lượt để trung chuyển khách.
Trong khi đó Cảng Cát Lái là nơi tập trung hơn 70% lượng container xuất, nhập của cả nước. Lượng xe container ra vào cảng Cát Lái quá lớn (hiện nay bình quân khoảng 22.000 xe/ngày đêm; cá biệt có thời điểm lên đến 23.500 xe/ngày.đêm) khiến các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái (chỉ có 2 làn xe ô tô và 1 làn xe môtô cho 1 chiều lưu thông) thường xuyên bị quá tải.
Tốc độ xe trung bình khu vực trung tâm thành phố giờ cao điểm sáng hiện chỉ còn 20,7km/h và giờ cao điểm chiều là 19,3km/h. Riêng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất giờ cao điểm sáng 22,3km/h, giờ cao điểm chiều 20,3km/h. Khu vực cảng Cát Lái giờ cao điểm sáng 30,0km/h, giờ cao điểm chiều 29,0km/h.
Trong khi đó nhiệm kỳ này TPHCM đề ra mục tiêu xây mới 172 km đường giao thông nhưng đến nay, sau nửa nhiệm kỳ mới đạt 37%.
Xung quanh đề xuất của Viện chiến lược, trao đổi nhanh với với Tiền Phong, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường khẳng định chỉ khi nào chứng minh có đủ phương tiện giao thông công cộng cho người dân đi lại thì TPHCM mới tính đến việc cấm xe máy.
Đề xuất cấm xe máy đã có hơn 10 năm trước
Hạn chế tiến tới cấm xe máy tại các quận trung tâm TPHCM là giải pháp các cơ quan chức năng nghiên cứu, lấy ý kiến từ năm 2005 và thường được nhắc lại trong các hội thảo gần đây nhưng không được nhiều chuyên gia và người dân đồng tình ủng hộ với những tranh cãi không có hồi kết như tại sao không cấm ô tô cá nhân chiếm diện tích mặt đường gấp nhiều lần xe máy và nếu cấm xe máy, người dân đi lại bằng phương tiện gì trong khi TPHCM chưa có metro, mạng lưới xe buýt chưa phủ kín và chất lượng dịch vụ chưa tốt.