Cấm xe máy vào năm 2030: Hà Nội đang "đi rất đúng bài"?

THÀNH TRUNG |

Đánh giá về lộ trình hạn chế và tiến tới cấm xe máy vào năm 2030 của TP. Hà Nội, TS Vũ Hồng Trường, chuyên gia giao thông cho rằng, "thành phố đang đi rất đúng bài".

Thành phố đang "đi đúng bài"

Với 30 năm nghiên cứu về giao thông, TS Vũ Hồng Trường - nguyên Trưởng khoa Kinh tế Vận tải (ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội" cho rằng, quá trình để hạn chế phương tiện cá nhân phải trải qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất là ưu tiên nguồn lực để phát triển vận tải hành khách công cộng, cải tạo hạ tầng cho người đi bộ và các luồng phương tiện. Đây gọi là giai đoạn mua thói quen người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Giai đoạn hai là kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân. Giai đoạn 3 mới là hạn chế và tiến tới dừng sử dụng nếu đủ điều kiện.

Theo TS Trường, hiện Hà Nội đang ở giai đoạn 2 trong lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân. Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng, Hà Nội đang đi rất đúng bài trong lộ trình hạn chế và tiến tới cấm xe máy vào năm 2030.

Cấm xe máy vào năm 2030: Hà Nội đang đi rất đúng bài? - Ảnh 1.

Đường Nguyễn Trãi đông đúc vào giờ cao điểm. Ảnh: LĐO

Cấm xe máy ở một số tuyến phố để giao thông công cộng phát triển

Đánh giá về lộ trình tiến tới cấm xe máy vào năm 2030 của TP. Hà Nội, TS. Lương Hoài Nam cho biết, ông ủng hộ đề án của Hà Nội.

"Tôi là thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TPHCM, nơi cũng đang xem xét một đề án cải tạo giao thông đô thị tương tự như đề án của Hà Nội.

Cá nhân tôi ủng hộ đề án mà UBND và HĐND Hà Nội đã thông qua vào năm 2017, với hàng trăm đầu mục công việc sẽ được triển khai từ nay đến năm 2030 – thời điểm mà xe máy sẽ được loại bỏ hoàn toàn trong nội đô Hà Nội", TS Nam nói.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, việc Hà Nội nghiên cứu cấm xe ở một số tuyến phố như Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi chỉ là bước đầu để các loại hình giao thông công cộng có thể hoạt động hiệu quả trên các tuyến phố đó, "đồng thời cũng để người dân tận mắt thấy đường phố khi không còn xe máy thì sẽ như thế nào".

"Hà Nội năm 2030, khi không còn xe máy sẽ là một Hà Nội rất khác. Nó hiện đại, văn minh, an toàn hơn nhiều: giao thông, không khí, môi trường sống, cảnh quan, trật tự đô thị…", TS Lương Hoài Nam nhận định.

Năm 2017, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 5953/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030". Đề án trên được chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 2017 - 2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Giai đoạn 2017 - 2020, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng.

Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017 - 2030, từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại