Việc này đã gây tổn thất nghiêm trọng cho các nhà hàng Trung Quốc vốn đang hồi phục từ đại dịch COVID-19.
Sườn lợn là một trong những món bán chạy nhất ở Trung Quốc, tuy nhiên nhiều nhà hàng lại phụ thuộc vào nguồn cung từ nhập khẩu - với giá cả thậm chí rẻ hơn 10 lần so với nguồn cung trong nước.
Đức là một trong những nhà cung cấp sườn lợn lớn nhất cho Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi nước này xác nhận trường hợp tả lợn châu Phi đầu tiên vào đầu tháng trước, Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ Đức.
Ngay sau đó, giá sườn lợn đông lạnh đã tăng mạnh. Theo các chủ nhà hàng, lợi nhuận hiện tại chỉ bằng lúc bắt đầu được kinh doanh trở lại sau đại dịch COVID-19.
Giá thịt lợn tăng trở lại khiến nhiều người gợi nhớ về thời điểm cuối năm ngoái, khi sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc sụt giảm mạnh do đại dịch tả lợn châu Phi.
Trung Quốc - quốc gia sản xuất một nửa lượng thịt lợn trên thế giới - đã buộc phải tăng nhập khẩu thịt lợn 134% trong 8 tháng đầu năm 2020 để bình ổn thị trường thịt.
Tuy nhiên, do nhu cầu quá cao, giá sườn lợn nhập khẩu đã tăng gần gấp đôi so với giá hồi năm ngoái, tăng lên mức 11 NDT (khoảng 1,62USD)/1kg.
Một quản lý nhà hàng của chuỗi bán cơm sườn cho biết nhà hàng đã sử dụng khoảng nửa tấn sườn lợn mỗi tuần với giá 29 NDT cho suất sườn lợn với canh, dưa muối và một bát cơm.
Khoảng một nửa số sườn lợn là nhập từ Đức, và phần còn lại nhập từ Tây Ban Nha, Đan Mạch và những nơi khác.
Tuần qua, giá sườn lợn đã tăng lên 14 NDT/1kg, và có thể đạt mốc 16 NDT/1kg trong tuần tới.
"Việc này khiến tôi tốn thêm 300 NDT/1 ngày, tương đương với thuê thêm 3 nhân viên nữa. Tôi hi vọng nhà hàng có thể trụ được hết năm nay," quản lý nói.
Thịt lợn nhập khẩu - thường là thịt lợn đông lạnh - thường được sử dụng tại các nhà hàng, quán ăn hơn là siêu thị bởi người dân thường chọn mua thịt tươi để về sử dụng.
Giá sườn lợn nhập khẩu tăng nhiều hơn các loại thịt khác do Đức là nhà cung cấp lớn. Mỹ cũng là một nhà cung cấp thịt lợn chính của Trung Quốc, tuy nhiên người dân Mỹ tiêu thụ sườn lợn còn nhiều hơn cả quốc gia châu Âu, do đó nước này không có nhiều sườn để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tây Ban Nha, một trong những nhà cung cấp sườn lợn khác của Trung Quốc, sẽ có thể hưởng lợi từ việc này. Đan Mạch và Hà Lan cũng là những quốc gia sẽ tăng cường bổ sung sườn lợn cho thị trường Trung Quốc.
Mặc dù giá thịt lợn nội địa đang giảm do Trung Quốc bắt đầu khôi phục được các đàn lợn trong nước, nhưng giá cả vẫn đắt hơn so với hàng nhập khẩu từ châu Âu.
Được biết, giá sườn lợn nội địa là khoảng 52 NDT/1kg, tức đắt gấp gần 5 lần giá nhập khẩu.
"Chúng tôi không đủ khả năng mua sườn lợn nội địa," Cao Xianli, chủ một nhà hàng bán cơm sườn ở Thanh Đảo, cho hay.
Việc tăng giá trên thực đơn không phải là lựa chọn tốt bởi vì như vậy sẽ khiến khách hàng không hài lòng.
Tới nay, Trung Quốc đã bán 570.000 tấn thịt lợn từ các kho dự trữ để bình ổn giá sau khi đại dịch tả lợn châu Phi khiến nước này thiệt hại nặng nề.
Thông tin về trường hợp lợn nhiễm tả lợn châu Phi là "mối quan ngại sâu sắc" đối với Hiệp hội Nông dân Đức (DBV) giữa lúc hàng loạt cuộc khủng hoảng gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành chăn nuôi vốn phát triển rất mạnh của nước này.
Nhà máy sản xuất thịt lợn lớn nhất nước Đức đã đóng cửa tạm thời vào tháng 6 vừa qua sau khi hơn 1.000 người lao động dương tính với virus corona. Điều này đã phản ánh phần nào rủi ro mà người lao động Đức phải đối diện khi có nhiều lao động là người nhập cư.
Một loạt các lò mổ khác của Đức cũng đã phải đối mặt với các đợt bùng phát COVID-19. Không chỉ có vậy, một khó khăn khác mà ngành chăn nuôi Đức gặp phải là sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng và ngày càng nhiều người bắt đầu chế độ ăn chay theo ngày hoặc ăn chay toàn bộ.