Cảm thấy tội lỗi vì đồng nghiệp bị sa thải, còn mình thì không

HẢI MY/ THIẾT KẾ: ANH NHÂN |

Tâm trạng của người ở lại sau “bão” sa thải đôi khi cũng không mấy vui vẻ hay thoải mái.

Có thể nói những đợt "bão" sa thải đang làm rung chuyển ngành công nghệ, nhiều người lao động phải chịu ảnh hưởng vì mất việc làm. Trên thực tế, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, chẳng hạn như duy trì tài chính ổn định cũng như loay hoay tìm công việc mới. Bên cạnh đó, tác động tâm lý của việc bị sa thải cũng khiến họ cảm thấy suy sụp trong thời gian dài.

Tuy nhiên, những người đứng vững giữa bão sa thải cũng có những sự đấu tranh tâm lý riêng. Họ không cảm thấy vui vẻ hay thoải mái khi nhìn đồng nghiệp nghỉ việc. Thậm chí, có không ít người còn cảm thấy tội lỗi và hoang mang về những điều sắp tới bản thân phải đối mặt.

Cảm thấy tội lỗi khi người khác mất việc, còn mình thì không

Susan Tyson, chuyên gia tiếp thị tại một công ty phần mềm có trụ sở tại Texas đã trực tiếp trải nghiệm điều này khi công ty của cô cắt giảm 25 nhân sự trong số 7.000 người vào tháng trước. Ban đầu, cô cho biết bản thân cảm thấy nhẹ nhõm vì vẫn giữ được công việc. Thế nhưng không lâu sau đó, cô thấy hối tiếc.

Cảm thấy tội lỗi vì đồng nghiệp bị sa thải, còn mình thì không - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Pinterest

"Suy nghĩ đầu tiên của tôi là vui mừng, thật tuyệt vì người bị cắt giảm không phải là tôi. Nhưng ngay sau đó, tôi thấy tội lỗi khi những người khác mất việc còn mình thì không. Nhiều người mà tôi làm việc cùng đều phải nghỉ việc", Susan Tyson chia sẻ với CBS MoneyWatch.

Trên thực tế, cảm giác tội lỗi khi mình là người "sống sót" sau một sự kiện đau buồn xảy ra là điều không hiếm thấy. Và trong việc bị sa thải cũng vậy, ai cũng sẽ cảm thấy áy náy khi những người khác không may mắn như mình.

Theo David Noer, một nhà tư vấn nghề nghiệp cho hay "bão" sa thải có thể gây ra sự tức giận, sợ hãi và lo lắng cho những nhân viên ở lại. Theo kinh nghiệm của mình, anh bày tỏ: "Những người không bị sa thải có xu hướng làm việc kém năng suất hơn. Bởi vì họ cảm thấy nghi ngờ với hoạt động kinh doanh của công ty, lo sợ những đợt sa thải tiếp theo dẫn đến việc không còn trách nhiệm với công việc như trước".

"Tôi cảm giác mình sẽ bị cắt giảm trong tương lai gần"

Một số người giống như Tyson họ cũng đều thắc mắc, không chắc chắn lý do bản thân được ở lại. Cũng vì vậy, họ cảm thấy bất cứ ai đều có thể đối mặt với nguy cơ mất việc và những lần sa thải trong tương lai: "Thành thật mà nói, tôi cảm giác mình sẽ bị sa thải trong tương lai gần và sắp tới sẽ có nhiều đợt cắt giảm nữa. Tôi nghĩ không ai đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong thời gian biến động như hiện tại".

Cảm thấy tội lỗi vì đồng nghiệp bị sa thải, còn mình thì không - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Pinterest

Điều này cũng không quá khó hiểu khi các công ty không công khai lý do sa thải nhân sự. Do vậy, cảm giác bất an của những người ở lại là điều tất yếu. Kathryn Minshew, người sáng lập một nền tảng phát triển nghề nghiệp cho biết: "Những nhân viên ở lại công ty sau khi trải qua đợt bão sa thải sẽ có tâm trạng lo lắng về tương lai của doanh nghiệp. Có thể khó khăn vì hầu hết không tuyển dụng thêm và tránh nói đến lý do tại sao một người nào đó bị chọn cắt giảm nhân sự".

Cũng theo Kathryn Minshew, lý do sa thải của công ty có thể xuất phát từ ngân sách, các ưu tiên trong tiêu chí của công ty. Hoặc đôi khi, đó cũng là một sự lựa chọn ngẫu nhiên, mơ hồ và bản thân những lãnh đạo công ty cũng cảm thấy khó khăn khi đưa ra quyết định. Với tất cả những sự "khó hiểu" trên, những người ở lại chắc chắn sẽ dành nhiều thời gian để bàn luận hoặc thậm chí chuẩn bị tinh thần cho đợt nghỉ việc hàng loạt tiếp theo.

Cần làm gì để thoát khỏi cảm giác "tội lỗi"?

Vật lộn với những cảm xúc phức tạp này có thể làm xói mòn niềm tin của những người "sống sót" trong đợt "bão" sa thải. Và tất nhiên, điều này làm ảnh hưởng đến năng suất và hiệu suất của họ trong công việc. Theo tâm lý học, đây được gọi là hội chứng tâm lý "sóng thần" (Tsunami Effects).

Chuyên gia sức khỏe tâm lý Thomas phân tích: "Thông thường, sau mỗi đợt sa thải quy mô lớn, nhân sự sẽ cảm thấy mất lòng tin vào tổ chức. Họ sẽ đặt câu hỏi, liệu công ty có thực sự quan tâm đến phúc lợi của nhân viên hay chỉ chú ý việc tạo ra lợi nhuận. Có thể gọi những tác động này là hội chứng tâm lý "sóng thần", xảy ra sau khi bị sa thải hàng loạt".

Cảm thấy tội lỗi vì đồng nghiệp bị sa thải, còn mình thì không - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Pinterest

Thay vì vậy, các công ty cần tích cực chuẩn bị tâm lý cho việc sa thải. Các bước trấn an nhân viên bao gồm thông báo lý do sa thải, cung cấp thông tin rõ ràng về các định hướng, kế hoạch sắp tới của công ty. Theo Noer, các nhà lãnh đạo nên là người trực tiếp chia sẻ và nói chuyện thẳng thắn với nhân viên để giữ được niềm tin của họ.

Đối với những người tiếp tục ở lại công ty, việc liên hệ với đồng nghiệp cũ cũng là cách để khiến cả hai bên cảm thấy tốt hơn. "Điều quan trọng là giữ liên lạc với những người đã nghỉ việc. Họ cũng cần được sự hỗ trợ và sẽ thật tốt nếu như được đồng nghiệp để tâm đến, tiếp tục làm bạn và chia sẻ khó khăn. Ngoài ra, đây cũng là cách để người ở lại bớt cảm giác tội lỗi", Minshew nói.

Minshew chia sẻ thêm: "Một trong những điều mạnh mẽ nhất mà ai đó có thể làm để đối phó với cảm giác tội lỗi là tích cực tiếp cận, kết nối và giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải. Có thể giới thiệu đồng nghiệp đến một công việc khác hoặc chí ít là hỗ trợ họ trong việc góp ý, xem xét sơ yếu lý lịch hoặc hồ sơ để có thể chuẩn bị tốt cho công việc tới".

Nguồn: CBS News

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại