Thời trước, khi công nghệ thông tin, phương tiện giao thông chưa phát triển, giải đáp một vấn đề gì đó bí hiểm hoặc ẩn khuất, nhiều người hay nói: “Có trời mới biết”. Ở ta, người ta cũng thường dùng lối nói hình ảnh siêu hình: “Biết ma ăn cỗ lúc nào”.
Gần đây, trong dân gian còn xuất hiện câu nói nhái theo ý thơ trong bài Thuyền và biển của nhà thơ Xuân Quỳnh: “Chỉ có tiền mới hiểu “sếp” mênh mông nhường nào”.
“Trời”, “ma”, “tiền” là những sự vật siêu hình, vô tri, vô giác, cho nên khi muốn truy vấn ai, điều gì, không thể đem ra mà tra hỏi.
Còn đối với một số “sếp” trong bộ máy lãnh đạo, quản lý hiện nay, thì dù có kín đáo, bí mật đến mấy trong những việc làm khuất tất, vẫn có một người có thể biết và hiểu. Đó là những người lái xe cho “sếp” hay dân ta vẫn quen gọi vắn tắt là “bác tài”.
Thường mỗi cán bộ khi được đề bạt, cất nhắc lên thành lãnh đạo, quản lý (diện có xe ô tô công vụ đưa đón tại nhà) khi chọn “lái xe riêng”, ngoài tiêu chuẩn khác thì “hợp” với “sếp” là một tiêu chuẩn cực kỳ quan trọng.
Cảnh đông đúc, tắc đường Hà Nội những ngày cận Tết năm ngoái. Ảnh: Nam Trần/ Tuổi trẻ
Chính vì thế, có sếp suốt thời gian làm lãnh đạo chỉ có nhõn một lái xe; lãnh đạo đi đâu, lái xe đi đó. Nhưng có những sếp thay lái xe xoành xoạch mà vẫn không ổn.
Bởi vì đối với những sếp hay “đi ngang, về tắt” hay có nhiều góc khuất trong các mối quan hệ, làm ăn, sinh hoạt, mà gần đây Trung ương gọi là suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thì tiêu chuẩn rất quan trọng mà lái xe cần có là “ba không”: không nghe, không nói, không biết hay “biết đâu để đấy”, không được thóc mách. Nếu không sẽ bị sếp “loại khỏi vòng chiến đấu”.
Mấy năm trước, khi chưa có lệnh cấm tặng quà thì một trong những người vất vả nhất là các “bác tài” lái xe chở sếp đi chúc Tết.
Vốn dĩ tặng quà ngày Tết là một phong tục đẹp người Việt dành cho nhau để bày tỏ lòng quan tâm, sự cảm ơn với bạn hữu, người thân, hay những người đã hết lòng hỗ trợ mình suốt một năm, trong đó có thể gồm cả cấp trên. Những món quà như thế chan chứa nghĩa tình, nồng đượm mến thương.
Nhưng có một số người cơ hội đã lạm dụng quà cáp để "bắc cầu" cho những mục đích cá nhân. Và khi đó, tặng quà trở thành hành trình kể mãi không hết... đây cũng là nội dung bàn đến trong phạm vi bài viết này.
Những cuộc "bắc cầu" kiểu này thường diễn ra rất chóng vánh và phải “xếp hàng” để tránh đụng nhau nên “bác tài” luôn ở tư thế sẵn sàng: sáng sớm, giữa trưa, chập tối, nửa đêm.
Có khi “bác tài” phải nhịn đói, lái xe lòng vòng giữa phố phường đông đúc để chờ đến lượt. Có lúc vừa ngả lưng, chợp mắt được vài phút, hoặc vừa kịp bưng bát phở, “sếp” lệnh đi ngay đến địa chỉ nọ, kia trong vòng mười lăm, hai mươi phút kéo “sếp” trên đi vắng mất.
Nói chung, chả cái Tết nào giống cái Tết nào. Có bao nhiêu cái Tết là có bấy nhiêu tình huống khóc cười trong chuyện tặng “quà”. Và mỗi lần đi biếu “quà Tết” như vậy, các“bác tài” lại có thêm bề dày kinh nghiệm phục vụ nhanh, gọn, chu đáo, đúng lộ trình và tuyệt đối bí mật.
Năm nay, Trung ương có lệnh cấm lãnh đạo các địa phương lên chúc Tết, biếu quà lãnh đạo cấp trên. Lãnh đạo các địa phương thấy bớt hẳn một “nỗi lo”. Lãnh đạo “nhẹ” một thì nhiều “bác tài” nhàn gấp nhiều lần, bởi không phải chịu cảnh chen chúc trên đường phố, càng không phải chờ đợi, xếp hàng, phấp phỏng như những năm trước.
Vẫn có người còn băn khoăn, trên đã kiên quyết cấm như vậy, nhưng liệu có thể cản được một vài sếp hư. Có lẽ đây đó sẽ vẫn còn một vài vị muốn tặng quà kiểu "cơ hội" vẫn có vài vị khác chờ được biếu quà Tết và có lẽ cũng sẽ có thêm nhiều “con đường bắc cầu" tinh vi được nghĩ ra.
Tuy nhiên, cũng có nhiều cách để phát hiện những “con đường” như thế. Tuy nhiên Trung ương đã kiên quyết cấm rồi, giờ là lúc các cấp dưới phải nghiêm túc thực thi.