>> Xem phần I: Nixon-Kissinger đã kéo nước Mỹ vào chính sách Một Trung Quốc như thế nào?
Mỹ "vỗ về" Đài Loan bằng TRA, Bắc Kinh "nổi trận lôi đình"
Năm 1979, song song với việc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cấp nhà nước với Trung Quốc và cắt đứt quan hệ ngoại giao cấp nhà nước với Đài Loan để tuân theo quy tắc "một Trung Quốc", chính phủ Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng đặt dấu chấm hết cho hiệp định quốc phòng song phương với Đài Loan, vốn được thiết lập để đảm bảo an ninh cho phía đông eo biển.
Phía Đài Loan thất vọng đã đành, nhưng một bộ phận không nhỏ các nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ cũng tỏ ra không hài lòng với việc Washington "bỏ rơi" một trong bốn Con hổ châu Á bấy giờ. Trước sức ép từ cả trong và ngoài nước, Tổng thống Carter đã phải đặt bút kí thông qua Bộ luật Quan hệ với Đài Loan (TRA) do Quốc hội Mỹ soạn thảo.
Trên giấy tờ, dự luật này vẫn thừa nhận giữa Mỹ và Đài Loan không tồn tại quan hệ ngoại giao cấp nhà nước. Song về mặt bản chất, nó cho phép Đài Loan được đối xử như "bất kì quốc gia, nhà nước, chính phủ, hay các thực thể có ý nghĩa tương tự khác" theo luật pháp Mỹ.
Mọi hình thức trao đổi giữa hai bên được thực hiện qua Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Loan (TECRO), luôn được ngầm hiểu như một "đại sứ quán" không chính thức.
Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đặt bút kí TRA. Ảnh: History.com
Bên cạnh đó, tuy hiệp định quốc phòng song phương trước đó đã bị hủy, nhưng Mỹ vẫn cam kết đảm bảo an ninh cho Đài Loan thông qua hai điều khoản quan trọng nêu trong TRA. Quốc hội Mỹ đề cao sự cần thiết của hai điều khoản này trong TRA, bởi Washington không thể thuyết phục được Bắc Kinh đưa ra cam kết không sử dụng vũ lực trong giải quyết mâu thuẫn với Đài Loan.
Cụ thể, điều khoản thứ nhất nêu rõ, "Mỹ sẽ cung cấp cho Đài Loan khí tài và trang thiết bị quốc phòng với số lượng đủ để Đài Loan có thể đảm bảo khả năng tự vệ cần thiết". Và thứ hai, "Mỹ bảo lưu khả năng chống lại việc sử dụng vũ lực hay bất kì hình thức cưỡng chế nào khác có thể làm tổn hại tới hệ thống an ninh, xã hội và kinh tế của người dân sống tại Đài Loan".
Thông tin TRA được thông qua đã khiến Bắc Kinh "nổi trận lôi đình".
Khi đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, Bắc Kinh đã đưa ra ba điều kiện: 1/ Cắt đứt quan hệ ngoại giao cấp nhà nước với Đài Loan để tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc"; 2/ Hủy bỏ hiệp ước quốc phòng song phương Mỹ-Đài; và 3/ Rút quân khỏi eo biển Đài Loan. Nhưng với TRA, Bắc Kinh cho rằng Washington đã "lách luật" đối với hai điều kiện đầu tiên.
Thông qua các bài xã luận đăng trên Tân Hoa Xã, chính phủ Trung Quốc đã chỉ trích TRA là một "sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế", và rằng "Mỹ đã can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Trung Quốc".
Vậy là Washington lại phải tìm cách làm hòa với Bắc Kinh.
6 Đảm Bảo và hơn 30 năm "đu dây"
Vấn đề Đài Loan tiếp tục là một rào cản trong quan hệ Mỹ-Trung kể từ khi hai bên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1982, trong một nỗ lực cải thiện quan hệ, Washington và Bắc Kinh đã ra một "thông cáo chung" (thường được nhắc đến với cái tên "Thông cáo Thượng hải 2.0), trong đó nêu rõ "vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan sẽ không gia tăng về cả số lượng lẫn chất lượng so với trước năm 1979".
Mặt khác, trước khi đưa ra thông cáo chung này, Washington đã liên hệ trước với phía Đài Loan để làm rõ quan điểm của Mỹ. Cụ thể, chính phủ Tổng thống Reagan chấp nhận "6 Đảm Bảo" (6 Assurances, 六項保證) mà Quốc dân Đảng đã đề xuất trước đó với Washington, nội dung cụ thể như sau:
1. Mỹ sẽ không ấn định một ngày cụ thể chấm dứt việc bán vũ khí cho Đài Loan.
2. Mỹ sẽ không thay đổi các điều khoản trong Bộ luật Quan hệ với Đài Loan (TRA).
3. Mỹ sẽ không tham khảo ý kiến của Trung Quốc trước khi đưa ra quyết định về việc bán vũ khí cho Đài Loan.
4. Mỹ sẽ không đóng vai trò trung gian giữa Trung Quốc và Đài Loan
5. Mỹ sẽ không thay đổi lập trường về chủ quyền Đài Loan, Mỹ cho rằng đây là vấn đề cần được giải quyết hòa bình trong nội bộ người Trung Quốc với nhau, và Mỹ sẽ không gây áp lực ép Đài Loan phải đàm phán với Trung Quốc.
6. Mỹ sẽ không công nhận chính thức chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Kể từ khi 6 Đảm Bảo được áp dụng, các chính phủ và Quốc hội Mỹ sau này đều coi đây như một "bộ quy tắc" trong quan hệ với Đài Loan. Trong văn bản nền tảng tranh cử của đảng Cộng hòa năm nay cũng ghi rõ, "quan hệ Mỹ-Đài Loan sẽ được tiếp nối dựa trên các điều khoản của TRA, và chúng tôi cũng sẽ tuân thủ 6 Đảm Bảo mà Tổng thống Reagan đã đặt ra với Đài Loan vào năm 1982".
Trong suốt thập kỉ 80, Mỹ đã "đu dây" hết sức khéo léo và phát triển quan hệ tốt đẹp với cả hai bờ eo biển, vừa hợp tác kinh tế với Trung Quốc, vừa đều đặn xuất khẩu vũ khí sang Đài Loan. Trong thời gian này, Đặng Tiểu Bình cũng nhiều lần tìm cách thuyết phục Đài Loan sáp nhập vào đại lục trên cơ sở "một quốc gia, hai chế độ", nhưng đều bị từ chối.
Đến cuối thập kỉ 80, khi Đài Loan hủy bỏ chế độ quân luật để tiến tới dân chủ, chính sách của Đài Loan cũng như Mỹ đối với vấn đề eo biển Đài Loan cũng thay đổi.
Tự tin có được sự ủng hộ của Mỹ sau khi nền dân chủ mới được thiết lập, Đài Loan bắt đầu tỏ ra cứng rắn hơn trong việc khẳng định chủ quyền như một nhà nước độc lập. Phía Mỹ cũng khẳng định mọi phương án giải quyết cho vấn đề eo biển Đài Loan đều phải có sự đồng thuận của người dân sống tại Đài Loan.
Đáp lại, Bắc Kinh đe dọa Đài Loan bằng các cuộc tập trận tên lửa liên tiếp trên các vùng biển xung quanh Đài Loan trong khoảng thời gian 1995-1996, khiến Mỹ phải điều hai đội tàu sân bay tới điểm nóng này để khẳng định Washington sẽ không cho phép Bắc Kinh sử dụng vũ lực với Đài Loan. Sự kiện này còn được biết đến với tên gọi "Khủng hoảng tên lửa Đài Loan lần III".
Bước sang thiên niên kỉ mới, eo biển Đài Loan tiếp tục căng thẳng với việc Trần Thủy Biển của đảng Dân tiến, một người chống đối mạnh mẽ chính quyền Bắc Kinh, trở thành lãnh đạo Đài Loan.
Tuy nhiên, khi Quốc dân đảng nắm lại quyền điều hành với thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2008 của Mã Anh Cửu, quan hệ Trung-Đài đã có nhiều dấu hiệu "ấm" trở lại với việc thiết lập quan hệ hữu nghị, và đỉnh điểm là cuộc gặp lịch sử giữa ông Mã và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11/2015.
"Cái bắt tay lịch sử" Tập Cận Bình-Mã Anh Cửu. Ảnh: AP
Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa lãnh đạo Đài Loan và lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc kể từ sau khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc năm 1949. Tuy không đưa ra tuyên bố chính thức nào về sự kiện này, song rõ ràng eo biển Đài Loan bình ổn sẽ là một diễn biến có lợi cho Mỹ, và giảm bớt đáng kể gánh nặng "đu dây" suốt nhiều thập kỉ.
Tuy nhiên, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", căng thẳng Mỹ-Trung đối với vấn đề Đài Loan lại nóng lên trong hai tuần qua, với việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, và không lâu sau đó hùng hồn tuyên bố "Mỹ sẽ không bị ràng buộc bởi chính sách Một Trung Quốc".
Khi thậm chí còn chưa chính thức lên nắm quyền, chỉ trong vỏn vẹn một tuần Trump đã phá hỏng một nghi thức ngoại giao tồn tại hàng chục năm qua, và đe dọa sẽ gạt phăng một chính sách Mỹ đã nghiêm túc tuân thủ trong nhiều thập kỉ.
Phải chăng duyên nợ Mỹ-Trung-Đài sẽ lại có thêm một bước ngoặt mới?