Cấm HAGL quảng bá cho Carabao: Quy định này của VPF mới hay cũ?

Hà My |

Trao đổi với truyền thông, bầu Đức cho biết 20 năm làm bóng đá đây là lần đầu tiên ông thấy sự cấm đoán vô lý như thế. Bầu Đức khẳng định nếu VPF không cho HAGL quảng cáo cho Carabao thì đội bóng này sẽ nghỉ đá.

Ngày 18/1 vừa qua, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có văn bản gửi CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức, với nội dung: Đề nghị HAGL không sử dụng hình ảnh quảng cáo Nước tăng lực Carabao trong phạm vi các hoạt động liên quan đến Giải vô địch quốc gia Night Wolf 2023 như: Đặt bảng quảng cáo trên sân, logo trên áo thi đấu, hoạt động bên lề tại ngày tập luyện và thi đấu chính thức trên sân vận động Pleiku, bộ nhận diện của giải đấu.

Đề nghị này được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Hoàng Anh Gia Lai thông báo ký kết tài trợ với Carabao. Đây là nhãn hàng thuộc ngành nước tăng lực, trùng với ngành hàng của nhà tài trợ chính Night Wolf, cũng là nước tăng lực.

Sau khi nhận được văn bản của VPF, Bầu Đức đã có những tuyên bố cứng rắn: VPF không cho HAGL quảng cáo cho nhà tài trợ thì chúng tôi nghỉ đá, không có vấn đề gì cả. Họ không cho chúng tôi có quyền chọn lựa.

Thử hỏi tất cả các CLB xem, không có tài trợ thì sao chơi? Trên thế giới này, không có đội bóng nào tồn tại nếu thiếu nhà tài trợ. Ở những nước khác, như Thái Lan chẳng hạn, việc các thương hiệu có cùng ngành hàng tài trợ cho CLB và Ban tổ chức giải là hai vấn đề khác nhau, không ai cấm cả .

Bầu Đức cũng khẳng định đây là lần đầu tiên ông thấy sự cấm đoán này: "Tôi làm bóng đá hơn 20 năm rồi, lần đầu tiên mới thấy sự cấm đoán vô lý như thế. HAGL không có sự lựa và tôi quyết định dừng cuộc chơi bóng đá ở đây."

Trên mạng xã hội, nhiều người hâm mộ cũng ngạc nhiên như Bầu Đức và không đồng tình với quy định này của VPF. Vậy, quy định cấm các câu lạc bộ không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính của VPF là mới hay cũ?

VPF được thành lập từ cuối năm 2011 với mục đích quản lý, tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.

Từ đó đến nay, mỗi mùa giải VPF luôn có 2 nhà tài trợ, một là nhà tài trợ chính và hai là nhà tài trợ Bóng (12 năm nay nhà tài trợ bóng đều là Công ty Động Lực). Với nhà tài trợ Bóng, VPF chỉ cấm quảng cáo cạnh tranh trên vé: " Hình ảnh trên vé không được có những quảng cáo cạnh tranh với ngành hàng độc quyền của các nhà tài trợ bóng thi đấu chính thức của giải đấu ".

Với nhà tài trợ chính, ngay từ năm đầu tiên tổ chức là 2012, VPF đã đưa quy định cấm quảng cáo cho ngành hàng cạnh tranh vào điều lệ. Cụ thể như sau:

Giai đoạn 3 năm 2012-2014, nhà tài trợ chính của giải là ngân hàng Eximbank. VPF yêu cầu các câu lạc bộ tham dự giải không được có bất kỳ hình thức quảng bá, tài trợ nào gắn với ngành hàng "tài chính, ngân hàng" trong năm 2012 và 2013.

Sang năm 2014, Eximbank vẫn là nhà tài trợ chính, nhưng không còn độc quyền trong các hoạt động quảng bá. Vì vậy, VPF không còn cấm các câu lạc bộ quảng cáo cho các ngành hàng cạnh tranh với Eximbank.

Giai đoạn 2015-2017 là những năm 'thoáng' nhất về quảng cáo, khi nhà tài trợ là Toyota Việt Nam. VPF lúc này bỏ hẳn quy định về quảng cáo cho ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính.

Từ năm 2018, quy định cấm này đã quay trở lại và tồn tại suốt từ đó đến nay.

Cấm HAGL quảng bá cho Carabao: Quy định này của VPF mới hay cũ? - Ảnh 1.

Như vậy, có thể thấy việc cấm quảng cáo cho ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính không phải mới xuất hiện năm nay, mà đã tồn tại trong điều lệ ngay từ mùa giải đầu tiên và tính đến nay xuất hiện trong 8/12 mùa giải.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên VPF có văn bản gửi thông báo đến các câu lạc bộ, yêu cầu thực hiện nghiêm túc điều lệ đã được thông qua.

Giờ đây, câu hỏi đặt ra là VPF, Hoàng Anh Gia Lai và các nhà tài trợ sẽ ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề, hay Hoàng Anh Giai Lai sẽ chính thức bỏ giải và giải tán từ năm 2023?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại