"Cầm giấy đăng kí kết hôn được 2 ngày, tôi vô cùng hối hận": Hôn nhân, quả thực phải nhìn GIA CẢNH

Thiên Vy |

Muốn sống cả đời với một ai đó, trước khi kết hôn, nhất định phải nghiêm túc tìm hiểu thật kĩ về đối phương. Phương thức để hiểu một người, đó là nhìn vào “gia cảnh” của họ.

Cái gọi là "gia cảnh" ở đây, không đơn thuần chỉ là điều kiện kinh tế hai bên gia đình, mà còn là phương thức sống, phương thức tư duy hay tam quan…

Gả đúng người, hạnh phúc cả đời; gả nhầm người, số phận hẩm hiu.

Hôn nhân của bạn, là sự tiếp nối cuộc hôn nhân của ba mẹ

Tôi từng đọc được một câu chuyện như này.

Chàng trai và cô gái là yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, được khoảng 1 năm, hai người bàn tới chuyện kết hôn.

Sau khi được hai gia đình đồng ý, hai người đi đăng kí kết hôn, ngày thứ hai sau khi lĩnh giấy vừa hay rơi vào kì nghỉ dài, chàng trai đưa vợ về quê ở vài ngày để vợ thân thiết hơn ba mẹ chồng.

Nhưng về tới nhà chồng, cô gái liền hối hận.

Không phải vì ba mẹ chồng đối xử không tốt với cô, mà là cách ba mẹ ở với nhau khiến cô cảm thấy không thoải mái.

Ba chồng ở nhà là người khá gia trưởng, không bao giờ nhúng tay và việc nhà, việc gì cũng để mẹ chồng chuẩn bị, lần nào cũng đợi mẹ chồng sắp xếp bàn ăn xong xuôi đâu đấy rồi ba chồng mới đứng dậy ra bàn ngồi ăn.

Ăn xong cũng không làm gì, lau lau miệng rồi lại ra sofa ngồi xem tivi.

Thường ngày, mọi việc trong nhà đều một tay mẹ chồng làm, từ quét dọn, giặt giũ, nấu cơm, đi chợ… gần như bận bịu từ sáng tới chiều, còn ba chồng thì chỉ ngồi rảnh rỗi đọc báo, uống trà.

Mẹ chồng bị đau lưng mạn tính, nhưng khi bố chồng nghe thấy mẹ kêu "ui da", "cái lưng này lại dở chứng rồi" … cũng không một lời hỏi han hay chạy ra giúp.

Thậm chí còn thích chỉ trỏ bảo mẹ làm cái này làm cái nọ, yêu cầu mà làm không vừa ý là lại giận dỗi.

Sau khi rời nhà chồng, cô gái hỏi chàng trai rằng anh có thấy ba hơi quá đáng không, chàng trai lại nói: "Nam lo việc xã hội, nữ quán xuyến việc nhà, nhà anh như thế anh thấy bình thường mà!"

Sau khi ở cùng nhau một thời gian, cô gái bắt đầu nhận thấy viễn cảnh tương tự như ba chồng ở chính chồng mình.

Đi làm về nhà là kêu đói, bảo vợ nấu cơm, bản thân thì ngồi xem phim, chơi điện tử.

Mỗi lần nhờ chồng giúp nấu cơm hay dọn dẹp nhà, chồng đều nói: Anh đi làm mệt lắm rồi, đó không phải là việc mà phụ nữ bọn em nên làm ư?

Mỗi lần vợ kêu đau lưng hay mệt, chàng trai đều sẽ móc máy: "Có phải em chán làm việc nhà rồi không?"

Cô gái phát hiện ra hôn nhân của mình gần như là bản copy lại hôn nhân của ba mẹ chồng, bực mình quá, cô nói với chồng, hoặc là thay đổi, hoặc là ly hôn.

Cuối cùng, cô gái viết: "Thật hối hận không về nhà anh ấy sớm hơn…"

Lúc còn yêu, bạn có thể là bảo bối, là vật quý trong tay người ta.

Nhưng hôn nhân chính là cơm áo gạo tiền, là ăn uống mặc ở, là thực tế.

Có người nói: "Trước khi kết hôn hãy đi gặp phụ huynh, xem xem phương thức sống của gia đình đối phương như nào."

Thực tế là do mọi người sẽ vô thức mang những thói quen đã hình thành trong gia đình vào cuộc hôn nhân của mình.

Cha mẹ trong một gia đình yêu thương và hòa thuận, con cái có thể học cách chăm sóc và yêu thương bạn đời của mình khi chúng lớn lên.

Trong một gia đình mà cha mẹ suốt ngày cãi vã và không hề có tình yêu thương, khi lớn lên con cái sẽ tỏ ra gay gắt, thờ ơ với nửa kia, tiếp nối bi kịch hôn nhân của thế hệ trước ...

Cầm giấy đăng kí kết hôn được 2 ngày, tôi vô cùng hối hận: Hôn nhân, quả thực phải nhìn GIA CẢNH - Ảnh 1.

Kết hôn, nhất định phải xem gia cảnh

Nói tới chuyện hôn nhân, chúng ta thường nghe tới 4 chữ "môn đăng hộ đối".

Nhiều người cho rằng tư duy này có phần cổ hủ.

Nếu cô bé lọ lem cũng có thể gả được cho hoàng tử, thiên kim tiểu thư cũng có thể lấy một thư sinh nhà nghèo, vậy thì gia cảnh quả thực quan trọng tới vậy ư?

Nhưng bạn cần phải biết: yêu đương thì dễ, vì ngũ quan (tai, lông mày, mắt, mũi miệng), nhưng ở với nhau lại không dễ dàng, vì tam quan (thế giới quan, giá trị quan, nhân sinh quan)

Nghĩ mà xem, chuyện cổ tích đâu có nói với bạn cô bé lọ lem sau khi gả cho hoàng tử sẽ sống ra sao, thiên kim tiểu thư sau khi gả cho thư sinh nghèo, cũng chẳng ai biết cuộc sống của họ thế nào.

Có một diễn viên từng chia sẻ:

"Môn đăng hộ đối trong ấn tượng của tôi bao gồm cả trình độ học vấn, bối cảnh văn hóa…

Gia cảnh khác nhau, tầng lớp quen biết xã hội khác nhau, sau khi kết hôn, chủ đề chia sẻ giữa hai người sẽ ngày một ít đi, cuối cùng khiến hai vợ chồng ngày một xa cách."

Thứ mà "gia cảnh" mang lại cho một người, ngoài năng lực để yêu ra thì còn có kinh tế, giáo dục, môi trường, thẩm mỹ, sở thích, tam quan…

Hai người có tam quan quá khác biệt, dù có yêu nhau tới đâu, khi đối mặt với hiện thực cuộc sống, lâu dần cũng sẽ sinh ra khoảng cách.

Chẳng hạn:

Người kia muốn bỏ ra 110k đi xem phim ngoài rạp, nhưng đối phương lại bảo rằng "mất ngần đấy tiền oan làm gì, ở nhà xem cũng được."

Người kia muốn bỏ tiền ra đi học Ielts, nhưng đối phương lại nói "đắt bỏ xừ ra, mà học xong có tác dụng gì?"

Người kia nói kỉ niệm ngày cưới ra nước ngoài du lịch, nhưng đối phương lại cho rằng "đi đâu mà chẳng là đi, ở nhà làm bữa cơm ăn cũng được mà, sao phải lãng phí thế làm gì?"

Hai người có tam quan khác nhau, càng sống sẽ chỉ càng mệt mỏi.

Bạn không thay đổi được nhận thức của người kia, nửa kia cũng chẳng buồn để ý tới suy nghĩ của bạn, hai người mãi mãi không ở cùng một tần sóng, ở với nhau tự nhiên sẽ ngày một bí bách.

Cầm giấy đăng kí kết hôn được 2 ngày, tôi vô cùng hối hận: Hôn nhân, quả thực phải nhìn GIA CẢNH - Ảnh 2.

Hôn nhân, không chỉ có yêu đương lãng mạn, mà hơn hết, nó còn là cơm áo gạo tiền, ăn ở mặc đi, muốn "còn có thể nhìn mặt nhau" giữa một loạt những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống, vậy thì phải chọn người có cùng tần sóng với mình.

Như vậy thì kế hoạch cho gia đình và cả cuộc đời của hai người mới không có khác biệt quá lớn, giá trị quan tương đồng cũng giúp bạn hiểu và cảm thông được với lựa chọn và sở thích của đối phương.

Vì vậy, trước khi muốn kết hôn, hãy tìm hiểu "gia cảnh" của họ.

Không chỉ đơn thuần là cân đo đong đếm điều kiện kinh tế hay cứ một mực khăng khăng cái gọi là "môn đăng hộ đối".

Mà là xem xem gia đình của họ, có cho họ cái năng lực để "yêu một người" hay không, xem xem cái tam quan của họ và gia đình họ có đủ để cùng bạn đi một quãng đường rất dài hay không.

Hôn nhân giống như bàn cờ vậy, cấp bậc của quân cờ càng tương đương thì ván cờ càng lâu kết thúc.

Chỉ khi hiểu hau, cảm thông và bao dung lẫn nhau, cùng nhau nắm tay vượt qua mưa to gió lớn mới có thể bên nhau lâu dài, hạnh phúc mỹ mãn trên con đường hôn nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại