Những lăng mộ của các vị hoàng đế, nữ hoàng hay quý tộc xưa kia thường chứa đựng rất nhiều đồ bồi táng quý giá, hay thậm chí là những "kho báu" hiếm có trên đời.
Chính vì vậy, để ngăn chặn những tên trộm xâm phạm giấc ngủ ngàn thu của người quá cố mà người ta đã thiết lập, ngầm trang bị những cái bẫy chết người, trong đó có tiết lộ về lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.
Lăng mộ Ai Cập cổ đại: Nổi tiếng với những lời nguyền và "mê cung" bẫy ngầm
Lăng mộ của Pharaoh thường được bảo vệ nhờ những cái bẫy và lời nguyền.
Ở Ai Cập cổ đại, một trong những lăng mộ nổi tiếng với những lời nguyền ghê rợn và có nhiều bẫy ngầm phải kể đến nơi yên nghỉ của Amenhotep III (người trị vì từ năm 1386 TCN – 1349 TCN), pharaoh thứ 9 của triều đại Ai Cập thứ 18.
Cụ thể, bên cạnh những lời nguyền đe dọa, lăng mộ của Amenhotep còn được thiết kế những cái bẫy nguy hiểm để ngăn chặn những kẻ dám cả gan xâm phạm như có "bức tường giả" để che dấu lối đi bí mật dẫn tới trung tâm của hầm mộ. Ngoài ra, lăng mộ còn có sàn nhà giả với bên dưới là một cái hố sâu tới 6 mét.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, người Ai Cập xưa kia còn được cho là sử dụng một số loài động vật có chất độc chết người như rắn độc và bọ cạp để tấn công bất cứ kẻ nào dám xâm phạm vào nơi yên nghỉ của Pharaoh.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng: "Thế giới ngầm" bất khả xâm phạm nhờ những cái bẫy chết người và chất kịch độc
Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa có lẽ là nơi ẩn chứa những cái bẫy phức tạp nhất từ trước tới nay.
Lăng mộ khổng lồ của Tần Thủy Hoàng vẫn còn rất nhiều bí ẩn mà các nhà khoa học, sử gia chưa thể giải mã.
Phát hiện ra những bức tượng đất nung đầu tiên vào năm 1974, kể từ đó tới nay, các nhà khoa học, khảo cổ học và nhiều sử gia đi hết từ bất ngờ này tới ngạc nhiên khác khi tìm ra tới hơn 8.000 bức tượng với kích cỡ, màu sắc và biểu hiện sống động như người thật trong lăng mộ của Tần Vương Doanh Chính.
Tuy nhiên, địa cung hay phần kết cấu chính của lăng mộ, nơi đặt di hài của vị hoàng đế nổi tiếng có công lao thống nhất giang sơn quy về một mối trong lịch sử của quốc gia này, thì đến nay vẫn chưa được tiến hành khai quật.
Đội quân đất nung và mô tả địa cung lung linh trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Pinterest
Theo mô tả đầy hấp dẫn trong Sử ký của Tư Mã Thiên, nhà sử học nổi tiếng của nhà Hán, căn phòng chôn cất Thủy Hoàng Đế chứa đầy những kho báu quý hiếm được thu thập từ khắp nơi trên cả nước, cũng như những nước mà ông đã chinh phục được.
Ngoài ra, bên trong nơi đặt di hài của vị hoàng đế nổi tiếng còn có mô hình của những dòng sông lớn nhỏ trên mặt đất được làm sống động như thật làm bằng thủy ngân, chưa kể là có cả một bầu trời đêm lấp lánh ánh trăng sao từ những viên ngọc trai phát sáng được dùng để trang trí mái vòm của hầm mộ.
Quy mô rộng lớn, cùng nguy cơ tiềm ẩn từ những cái bẫy cách đây hơn 2.000 năm và trình độ công nghệ hiện tại khiến các nhà khoa học vẫn chưa thể chạm tới "ngọn đồi" chôn cất Tần Thủy Hoàng. Ảnh minh họa
Mặt khác, điều đáng sợ là trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng còn ẩn giấu nhiều bẫy ngầm bao gồm cung nỏ, máy bắn tên tự động,... được bố trí để có thể giết chết bất kỳ kẻ nào dám xâm phạm vào.
Các nhà khảo cổ cho biết, không chỉ lo sợ về những cái bẫy ngầm uy lực mà họ còn lo ngại về hàm lượng thủy ngân rất cao ở địa cung (rộng khoảng 2km2). Thủy ngân vốn là một chất kịch độc mà con người chỉ cần dính một chút hay tiếp xúc với hàm lượng nhỏ cũng đủ nguy hại đến tính mạng.
Các chuyên gia cũng phát hiện lượng đất xung quanh và trong lăng mộ cũng có hàm lượng thủy ngân rất cao, điều này cho thấy thách thức không nhỏ khi thực hiện mở phong ấn ở "ngọn đồi" yên nghỉ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Hơn nữa, nếu lượng thủy ngân khổng lồ trong lăng mộ rò rỉ ra thì nó có thể gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Phát hiện dấu tích của thủy ngân cho thấy có phần tương thích trong mô tả của Tư Mã Thiên, nhưng để mạo hiểm khai quật một địa điểm huyền bí đã được phong ấn suốt hơn 2.000 năm như địa cung của lăng mộ Tần Thủy Hoàng thì quả thực là một thử thách mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa dám thực hiện.
Nhiều người cho rằng lăng mộ Tần Thủy Hoàng không thể khai quật bởi vì công nghệ hiện tại chưa thể bảo vệ các di tích văn hóa, cổ vật trong cổ mộ ngầm dưới lòng đất suốt hơn 2.000 năm, trong đó lụa, tranh vẽ là những thứ khó bảo tồn nhất.
Các chuyên gia cho rằng việc liều lĩnh khai quật căn phòng chôn cất của Tần Thủy Hoàng có thể làm hỏng sự cân bằng của cấu trúc ngầm hay gây ra những tổn thất không thể lường trước được.
Chất độc chết người trên hài cốt của Nữ hoàng đỏ: Cái bẫy đáng sợ đoạt mạng mộ tặc
Vào năm 2017, các nhà khoa học phát hiện ra bộ hài cốt của một người phụ nữ được mệnh danh là "Nữ hoàng Đỏ", một nữ vương cai trị của người Maya vào khoảng năm 650 sau công nguyên, ở trong ngôi đền XIII tại Palenque ở Mexico.
Cỗ quan tài đá chứa hài cốt của Nữ hoàng đỏ. Ảnh: Steemit
Mặc dù được trang bị những cái bẫy chết người như sàn nhà giả và hố ngầm bên dưới, nhưng cơn ác mộng thực sự cho những kẻ dám xâm phạm "giấc ngủ" của Nữ hoàng Đỏ lại nằm ở chính bộ hài cốt của người phụ nữ quyền lực này.
Hài cốt của người phụ nữ quyền lực này được bảo vệ nhờ "chất độc" chu sa.
Cụ thể, các nhà khoa học phát hiện, bộ xương và tất cả các kho báu như ngọc trai và ngọc bích được bảo vệ nhờ một chất kịch độc, đó là chu sa màu đỏ (hay cinnabar, có thành phần chính là HgS). Đây là một loại khoáng vật độc hại sẵn có trong tự nhiên mà nếu con người chỉ cần hít phải đã có nguy cơ bị ngộ độc hay thậm chí là phải mất đi mạng sống.
Nhờ độc tính cao nên chu sa được sử dụng như một cái bẫy chống trộm hay ngăn cản những kẻ có ý định cướp phá những ngôi mộ hoàng tộc của người Maya.
Tham khảo ảnh/nguồn: Ancientorigins, Travelchinaguide