Cắm 12 cây đinh vào quả táo rồi ăn để bổ sung sắt: Chuyên gia lý giải về ý tưởng "điên rồ"

Ngọc Minh |

Đinh sắt khi cắm vào quả táo chỉ là sắt vô cơ không thể chuyển hoá thành sắt hữu cơ. Sắt vô cơ khả năng được hấp thu và sử dụng trong cơ thể không cao.

Bổ sung sắt bằng 12 cây đinh đóng vào táo

Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ nhau kinh nghiệm bổ sung sắt cho mọi nhà. Bằng cách cắm 12 que sắt vào trái táo, sau khoảng thời gian từ 8-12 bổ táo đó ra ăn. Nếu ăn hàng ngày sẽ không còn lo thiếu sắt.

Theo tài khoản facebook có tên T.T lý giải người bị thiếu sắt thường rơi vào người ăn chay trường; người ăn mặn nhưng lạm dụng uống rượu bia, thuốc lá, dùng thức ăn có hóa chất... Nhóm người trên thường gặp phải hội chứng thiếu hồng cầu do thiếu sắt và vitamin B12.

Để chủ động bổ sung sắt facebook T.T chia sẻ cách như sau: "Chuẩn bị khoảng 8- 12 cái đinh sắt tuỳ loại lớn nhỏ, (loại đinh 3 đến 4 phân là vừa ); một quả táo Tây tươi.

Sau đó, rửa sạch đinh, loại bỏ các loại đinh bị rỉ rét quá nhiều. Bỏ đinh vào nồi luộc lên để tiệt trùng, rồi đâm xuyên đinh thật đều các phía của quả táo.

Để vậy từ 8-12 tiếng đồng hồ ở nơi thoáng gió. Sau đó đem cắt táo ăn, nhớ là đừng cắt bỏ phần táo bị thâm đen do vết đinh để lại".

Cắm 12 cây đinh vào quả táo rồi ăn để bổ sung sắt: Chuyên gia lý giải về ý tưởng điên rồ - Ảnh 1.

Mẹo dùng đinh sắt cắm vào táo ăn để bổ sung sắt đang chia sẻ trên mạng xã hội.

Facebook T.T cho biết thêm, do chất chua và các loại a xít hữu cơ trong táo tương tác lên đinh sắt và kéo các phân tử sắt vào quả táo, nên quả táo sau khi bị đóng đinh rất giàu chất sắt, và cơ thể hấp thụ khá nhanh các vi lượng sắt hòa tan này.

Nếu không có táo, thì đóng vào quả mận tím chua cũng được. Không nên đóng vào quả chanh, vì lượng a xít quá nhiều, và chanh khó hòa tan sắt hơn táo.

Cách bổ sung sắt này nhiều người cho rằng "điên rồ" và không hiệu quả.

Sắt vô cơ hấp thụ trong cơ thể thấp

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, dùng đinh cắm vào táo sau đó ăn cũng được cho là một trong những cách bổ sung sắt cho cơ thể. Tuy nhiên, hiệu quả hấp thu sắt trong trường hợp không cao.

Câu chuyện bổ sung sắt vô cơ (đinh sắt) vào thức ăn không phải là câu chuyện mới, cách đây nhiều năm tại Campuchia đã con cá sắt vào nấu canh. Mục đích để con cá bằng sắt có thể thôi sắt ra và phòng ngừa được bệnh thiếu máu.

"Cá nhân tôi thấy việc bổ sung sắt vô cơ bằng cách cắm sắt vào táo như vậy là không cần thiết vì việc hấp thu được sắt rất thấp dưới 5%.

Để tăng cường sắt hiện nay có rất nhiều thực phẩm và chế phẩm hấp thu sắt cao. Ví dụ như thịt bò có thể hấp thu được 30% sắt, các loại rau xanh lá đậm tỷ lệ hấp thu sắt từ 5-7%. Các chế phẩm sắt hữu cơ khả năng hấp thư từ 30-40% trong cơ thể", PGS. TS Lâm nói.

Theo TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cắm 12 chiếc đinh vào táo để bổ sung sắt không phải là ý tưởng "điên rồ". Tuy nhiên, độ tin cậy của phương pháp này không cao.

Vị chuyên gia này giải thích thêm, sắt hấp thu vào cơ thể dùng được trong tế bào hồng cầu không phải là sắt vô cơ hay sắt nào cũng được.

"Cách làm này tôi đang hiểu đang muốn đưa sắt vào thực phẩm. Nhưng sắt vô cơ dù cắm, ngâm vào thực phẩm cũng vẫn là sắt vô cơ.

Sắt vô cơ khi vào cơ thể tỷ lệ hấp thu là rất thấp, còn sắt hữu cơ trong thực phẩm thì khả năng hấp thu cao hơn.

Ngoài ra, nếu ăn trái táo có đinh sắt sẽ không biết được hàm lượng sắt vào cơ thể là bao nhiêu phần trăm hấp thu là bao nhiêu", TS. Từ Ngữ nói.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng rất nhiều thực phẩm giàu sắt hấp thu cao không nên mất công làm theo phương pháp "tù mù" không biết hiệu quả sẽ tới đâu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại