Thời điểm này ai ai cũng tất bật chuẩn bị để đón một cái Tết ấm no, sung túc, hạnh phúc, đủ đầy bên gia đình, người thân và bạn bè. Tuy nhiên, ở đâu đó cái hạnh phúc tưởng như rất đơn giản và bình dị ấy lại là ước mơ xa xỉ của những người lao động nghèo, những người vô gia cư ở Thủ đô.
29 Tết rồi đấy! Nhưng họ vẫn phải bươn chải với công việc mưu sinh nặng nhọc, vẫn gánh trên vai chiếc xe đẩy đầy hàng hóa. Vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo dường như họ quên đi cảm giác được hưởng cái Tết sum vầy, hạnh phúc. Với họ Tết cũng giống như những ngày thường - vẫn vật lộn với công việc.
Ở góc nhỏ của chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) những người vô gia cư chẳng có lấy một tấm gỗ để che chắn gió lạnh. Manh chiếu rách được trải trực tiếp trên nền bê tông làm chỗ ngả lưng sau một ngày lao động vất vả.
Khi được người viết hỏi "đã chuẩn bị Tết đến đâu rồi", ánh mắt của bà Hương (51 tuổi, quê Hưng Yên) đượm buồn: "Anh thấy đấy, tiền còn không đủ ăn lấy đâu mà sắm Tết. Hôm qua có đoàn tình nguyện ở phường xuống "cứu đói", họ cho chục cân gạo, nước mắm, mì chính, ít bánh kẹo… thế là hạnh phúc lắm rồi".
Dù đã 29 Tết nhưng bà Hường vẫn cặm cụi đi nhặt rác. Không nghề nghiệp, không con cái hay người thân nương tựa, bà Hương bỏ quê lên thành phố mưu sinh đến nay đã 20 năm. Không đủ tiền thuê nhà, người phụ nữ gương mặt khắc khổ ấy phải ngủ tạm dưới mái hiên chợ Long Biên.
Với bà Hương, Tết là một cái gì đó rất xa xỉ. Quanh năm mưu sinh bằng công việc nhặt rác nhưng chẳng đủ ăn, không có tiền sắm Tết.
Còn đây là bà Yến (quê Nam Định). Hàng ngày, người phụ nữ tần tảo dậy từ sáng sớm, ai thuê gì làm nấy. Sức khỏe dần yếu nên mùa đông công việc của bà cũng không được đều đặn. Cái Tết của bà Yến cũng giản đơn và nghèo như chính con người của bà.
Trong căn lều dựng tạm sau chợ đầu mối với lỉnh kỉnh đồ đạc, chai nhựa, bình nước, thùng xốp… nhưng "nhà" của ông Hùng và bà Bích tuyệt nhiên không có bóng dáng của hương vị Tết.
Nói đến Tết, đôi vợ chồng già chợt im lặng hồi lâu, sau đó chia sẻ: "Tôi chỉ hi vọng mấy ngày gần Tết kiếm được chút tiền mua gạo, thịt, cặp bánh chưng nhưng thấy khó quá. Cuộc sống nghèo khổ, chẳng đủ ăn, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời".
Giáp Tết nhưng "nhà" của ông Hùng, bà Bích vẫn chưa được dọn dẹp mà vẫn lỉnh kỉnh đồ đạc.
Bà Bích khoe vừa được đoàn từ thiện hỗ trợ nhu yếu phẩm.
Đây đều là những món quà do đoàn tình nguyện mang tặng.
Một người phụ nữ mang chiếc áo mới vừa được tặng ra khoe với mọi người.
Với những người vô gia cư, lao động nghèo - Tết còn ở rất xa. Chị Mai (quê Bắc Ninh) thì cơm- áo- gạo- tiền vốn đè nặng trên vai, nay càng cơ cực hơn. Chị phải cố gắng làm lụng để có một cái Tết ấm áp và tấm áo mới dành cho các con gái của mình.
Những người lao động nghèo được nhóm tình nguyện của phường tặng gạo, mì chính, giúp họ có cái Tết ấm no, đầy đủ hơn.
Những chiếc bánh chưng được chị Mai nâng niu cẩn thận.
Khi Tết về, những người lao động nghèo trăn trở về gánh nặng mưu sinh, làm sao sắm được những món quà Tết. Bàn thờ gồm một hộp mứt Tết, vài quả táo, hoa hồng để thờ gia tiên.
Đây là góc học tập của con gái chị. Con gái chị Mai hiện đang theo học lớp học tình thương.
Nụ cười buồn của người phụ nữ nghèo.
Bàn thờ khá tươm tất của bà Vân (82 tuổi). Bà chia sẻ, sở dĩ giường thờ gia tiên có mâm phật thủ đẹp như vậy là do các "con nhang" mang đến. Trước đây bà từng làm thầy cúng nhưng từ khi "hết lộc", bà lâm vào cảnh nghèo khó, túng quẫn.
Với bà Mai, có được những quả phật thủ trên giường thờ gia tiên đã là một cái Tết đủ đầy.
Bà cũng được nhóm tình nguyện giúp đỡ trong chiến dịch Tết đoàn viên.
Một quả bưởi đơn giản trên bàn thờ.
Gương mặt buồn của bà Mai khi nhắc đến cái Tết Đinh Dậu 2017.
Tuy nghèo khó nhưng bà không thể thiếu món trầu cau.
Đồng cảm và chia sẻ với những cảnh ngộ khó khăn trong xã hội, nhiều bạn trẻ đã chung tay, chia sẻ Tết với những người vô gia cư, giúp cho những người không may mắn có một cái Tết thêm trọn vẹn!
Mặc những đêm đông giá rét, nhưng nhiều năm qua, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, các tình nguyện viên đã làm những công việc thầm lặng, mang những món quà nhỏ đến với những người hoàn cảnh khó khăn. Hi vọng, những người vô gia cư sẽ có cái Tết Đinh Dậu đầm ấm.