Trên 100 công nhân Trung Quốc, những người từng lắp ráp và kiểm tra những chiếc iPhone đứng trước cổng số 7 của nhà máy Pegatron tại Changshuo để nhận khoản tiền trợ cấp trước khi rời đi. Họ từng hi vọng công việc tại nhà máy này sẽ giúp đủ tiền để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đó là trước khi người dùng Trung Quốc quay lưng lại với những chiếc iPhone có giá trên 1.000 USD. Công việc dần ít đi, cũng không còn yêu cầu làm thêm giờ. Những người công nhân giờ đây đã bỏ cuộc.
Không còn làm thêm, thu nhập giảm một nửa
“Thường thì chúng tôi làm thêm khoảng 80-90 giờ mỗi tháng”, Zhang Zhi, 25 tuổi, kể về công việc của cô trong khoảng thời gian 2 năm qua. Kể từ tháng 10/2018, quản lý của cô không còn yêu cầu thời gian làm việc nhiều như vậy. Cô bắt đầu được về sớm và không còn làm thêm cuối tuần. Tháng 12/2018, thu nhập của cô là 370 USD, chỉ tương đương một nửa thu nhập những tháng cao nhất trước đây.
Sắp tới, cô sẽ làm một công việc bán thời gian với thu nhập khoảng 600 USD/tháng. Dù vậy, cô vẫn quyết tâm ra đi thay vì ở lại.
Những nhà máy ở Trung Quốc từng làm ra những sản phẩm xuất đi khắp thế giới. Nhưng càng ngày những sản phẩm của các thương hiệu quốc tế càng được tiêu thụ ở Trung Quốc nhiều hơn. Giới trung lưu ngày càng đông khiến Trung Quốc trở thành thị trường tiềm năng cho Apple, Nike, General Motors hay Volkwagen.
Dù vậy, người dùng Trung Quốc đang dần tiết kiệm hơn. Điều này làm ảnh hưởng tới những công nhân khi việc làm ngày càng ít và thu nhập giảm đi. Trung Quốc không công bố những dữ liệu đáng tin cậy về tình hình việc làm, nhưng những dấu hiệu thì hiện ra rất rõ.
Nhiều nhà máy lắp ráp xe và sản xuất hóa chất đóng cửa. Dịp nghỉ Tết âm lịch là đầu tháng 2, nhưng nhiều công ty đã cho công nhân "xả trại" từ tháng 12/2018.
Những công nhân mang hành lý về quê ăn Tết. Ảnh: New York Times.
Huojiancun không phải là nơi duy nhất mà những chiếc iPhone bán chậm làm ảnh hưởng tới đời sống người dân. Tại thành phố Trịnh Châu, một nhà máy sản xuất iPhone đã cho khoảng 30.000 công nhân nghỉ việc trước Tết. Khi được hỏi, đại diện Foxconn, công ty sở hữu nhà máy này cho biết việc công nhân nghỉ trước Tết là bình thường, nhà máy sẽ tuyển thêm 50.000 người làm việc trong vài tháng sau Tết.
Đại diện của Apple không bình luận gì về thông tin trên.
"Năm nay là năm tệ nhất"
Huojiancun là một thị trấn nằm ở rìa của Thượng Hải. Một loạt cửa hàng bán đồ ăn, thẻ điện thoại và những dịch vụ khác dành riêng cho công nhân được mở ra ở đây. Công nhân ở đây trực tiếp làm ra những chiếc iPhone, nhưng họ không đủ tiền mua chúng. Kể cả ở thời điểm thu nhập cao nhất, một chiếc iPhone XR cũng có giá cao hơn cả tháng lương của họ.
Trước đây, công việc này từng khiến nhiều người thèm muốn vì mức thu nhập cao, điều kiện làm việc cũng tốt hơn các nơi khác. Tuy nhiên ở thời điểm này nhiều nhà máy đã thay thế công nhân bằng các cỗ máy, bởi giá công nhân ở Trung Quốc vẫn đang tăng.
Quản lý công xưởng thường ép công nhân làm việc liên tục, và tìm cách trừ tiền vì những lỗi như vứt rác bừa bãi. Tuy nhiên, khi mà ngày càng nhiều công nhân bỏ việc, những người quản lý dường như cũng phải mềm mỏng hơn.
Quang cảnh bên ngoài nhà máy Pegatron tại Changshuo. Ảnh: New York Times.
“Công nhân bị quản lý rất chặt bên trong nhà máy. Nếu một người làm sai, cả nhóm sẽ bị mắng chửi. Giờ đây họ không còn bị mắng nhiều nữa, vì cũng không còn nhiều công nhân làm việc”, anh Hou, một công nhân đã bỏ việc về quê kể lại.
Theo anh Hou, sau khi nhiều người bỏ việc vì thu nhập không đủ, những công nhân ở lại được làm thêm giờ, nhờ đó lại có thêm tiền nhưng công việc cũng nặng hơn.
Pegatron, công ty sở hữu nhà máy tại Changshuo đã mất gần 25% giá trị trong 3 tháng cuối năm 2018, do nhiều yếu tố như iPhone bán chậm, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang tiếp diễn.
Nhiều công nhân sẽ nghỉ việc trước Tết Nguyên đán, sau khi đã nhận được thưởng. Tuy nhiên, năm nay số công nhân nghỉ việc cao hơn hẳn.
Bà Huang Qionghuang có một cửa hàng bán áo lót không có gọng kim loại, một phụ kiện quan trọng cho công nhân làm việc tại nhà máy. Mọi nhà máy đều có máy phát hiện kim loại để kiểm soát công nhân lấy trộm linh kiện hoặc mang máy ảnh vào chụp.
Hàng năm, cửa hàng của bà Huang sẽ bận rộn nhất vào tháng 10. Năm nay, doanh thu suy giảm khiến bà không dám nhập thêm nhiều áo về để bán.
“Tháng 1 năm ngoái còn kiếm tốt. Giờ thì tiền bán hàng còn không đủ trả tiền thuê nhà. Kể từ khi tôi tới đây bán hàng 3 năm trước, đây là năm tệ nhất”, bà Huang kể lại.
Một cửa hàng bán vali tại "chợ đêm Pegatron". Ảnh: New York Times.
Theo trang web giới thiệu, nhà máy của Pegatron có tới 70.000 công nhân làm việc. Khu chợ gần nhà máy được gọi là “chợ đêm Pegatron”. Trước đây, khi chợ còn đông đúc, đi bộ ở đây cũng khó.
“Bây giờ ít công nhân làm việc hơn. Đấy, làm gì còn ai”, Xu Aihua, chủ một nhà hàng chỉ tay vào con phố trống trước mặt ông.
Tiền thuê nhà của ông Xu mỗi tháng khoảng 1.500 USD. Mới năm ngoái, ông có thể kiếm được 150 USD/ngày. Giờ thì thu nhập chỉ còn khoảng một nửa.
Tại cổng số 7, Wang Xiaofeng kiên nhẫn chờ đợi. Anh sắp nhận khoản trợ cấp, và mong là nó sẽ được vào khoảng 150 USD. Năm ngoái, anh làm thêm khá nhiều, nhưng từ tháng 12/2018 thì công việc ít hẳn.
“Có tuần tôi rảnh tới 3 - 4 ngày. Thế thì làm sao mà đủ kiếm sống”.
Wang cho biết đã tìm được một công việc mới, với thời gian làm việc nhiều hơn, đủ để anh chi trả cho cuộc sống.
“Tôi đã lựa chọn đúng. Chẳng có gì phải ân hận”, Wang nhấn mạnh.