Cái ôm hóa giải chia rẽ trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh

Thu Hoài |

Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman đã dành cho Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani cái ôm nồng ấm tại lễ đón diễn ra ở sân bay quốc tế ở thủ đô Riyadh.

Hội nghị cấp cao thường niên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) hôm qua đã trở thành “sự kiện của hòa giải” khi chứng kiến Qatar và 6 quốc gia láng giềng ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ. Trước đó chỉ 1 ngày, Saudi Arabia đã đóng vai trò nước tiên phong khi thông báo mở cửa tất cả biên giới với Qatar, chính thức khép lại cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ kéo dài suốt 3 năm rưỡi qua tại khu vực.

Đánh giá về thỏa thuận đạt được giữa Qatar và 6 quốc gia láng giềng vùng Vịnh, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud đã gọi đây là thỏa thuận của sự đoàn kết và ổn định.

“Với nỗ lực chung của các nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và các nhà lãnh đạo Ai Cập, mọi khác biệt đã được giải quyết và các mối quan hệ ngoại giao sẽ được khôi phục hoàn toàn. Tất cả những điều này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa các nước liên quan và cũng là một nhân tố quan trọng, đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực”, ông Al Saud nói.

Trước đó cùng ngày, trong một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng cao được truyền thông Saudi Arabia phát đi, Thái tử Mohammed Bin Salman đã dành cho Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani cái ôm nồng ấm tại lễ đón diễn ra ở sân bay quốc tế ở thủ đô Riyadh.

Cách đây 3 năm, tháng 6/2017, cũng chính Saudi Arabia đã dẫn đầu 3 quốc gia đồng minh khu vực là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ với Qatar, cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố và “quá thân thiết” với những đối thủ khu vực là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc, Qatar nhiều lần chỉ trích các nước láng giềng đang tìm cách cô lập và vi phạm chủ quyền quốc gia. Việc cắt đứt quan hệ với Qatar không chỉ là về mặt ngoại giao, mà kèm theo đó là đóng cửa biên giới và không phận, hạn chế việc đi lại của người dân, khiến nhiều gia đình bị chia cắt.

Đánh giá về tác động của thỏa thuận, chuyên gia thị trường chứng khoán Qatar Ameed Kan’aan nhận định: “Không chỉ về ngoại giao, các lĩnh vực ngân hàng, vận tải, hậu cần và thương mại thực phẩm đều sẽ hoạt động bình thường trở lại. Toàn bộ hệ thống kinh tế sẽ quay trở lại và đó là lý do tại sao tất cả đều chung tâm lý lạc quan. Một nền kinh tế vùng Vịnh thống nhất là vì lợi ích của thị trường tiền tệ, của các công ty thương mại cũng như các cá nhân trong việc di chuyển và giao dịch”.

Tuy nhiên, để có thể đi tới một giải pháp toàn diện chấm dứt khủng hoảng vẫn còn một khoảng cách khá xa. Saudi Arabia và các đồng minh khu vực từng đặt ra 13 điều kiện để khôi phục quan hệ với Qatar, song tất cả đều bị bác bỏ, đặc biệt trong đó có yêu cầu đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, chấm dứt tài trợ cho các nhóm khủng bố hay đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar.

Theo các nhà ngoại giao và giới quan sát khu vực, thỏa thuận chủ yếu có ý nghĩa về mặt ngoại giao và về một mặt nào đó cho thấy sự chủ động trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, người vốn có quan điểm cứng rắn với Saudi Arabia chính thức nhậm chức. Dẫu vậy, bất kỳ bước đi nào hướng tới hòa giải đều tốt hơn là không gì cả. Và hơn nữa, việc cô lập Qatar trên thực tế chỉ càng khiến nước này xích lại gần hơn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đào sâu hơn nữa sự chia rẽ khu vực./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại