Để bắt đầu bài viết này, tôi xin kể hầu các bạn, những người đang đọc bài viết này hai câu chuyện cười dưới đây:
Câu chuyện 1:
"Cụ ông sau khi đi mua lúa giống về tâm sự với cụ bà.
- Hôm qua, đi mua lúa giống, tôi được tặng một cái áo mà không dám mặc.
– Sao vậy, áo xấu hả ông?
– Không, rất đẹp.
– Hay ông mặc không vừa?
– Rất vừa.
– Thế thì tại sao?
– Trước áo có dòng chữ "Giống tốt, năng suất cao".
Câu chuyện 2:
"Nhà nọ thấy quan lại tham nhũng, trong lòng rất khinh. Một hôm, các quan đến nhà chơi, trong số đó có cả mấy bạn đồng song thuở trước. Ông ta bảo người nhà dọn rượu thiết.
Người nhà bưng mâm lên, ông ta đứng dậy thưa:
- Chả mấy khi rồng đến nhà tôm, các ngài có bụng yêu nhà nho thanh bạch đến chơi, có chén rượu nhạt xin các ngài chiếu cố cho.
Các quan cầm đũa, bấp mấy món. Các quan ăn thấy ngon miệng, liền khề khà hỏi: đây đĩa gì, kia bát gì…
Nhà nho thong thả nói:
- Ðây là chó, kia cũng là chó, bẩm toàn chó cả".
Câu chuyện cười thứ nhất chính là đại diện cho văn hóa cười tình huống, cười để mua vui, cười để mà cười, để mà xả stress và quên đi những khổ ải trong cuộc sống.
Đấy chính là kiểu cười mà những Trấn Thành, Trường Giang, Hoài Linh và Chí Tài đang phục vụ các bạn.
Câu chuyện cười thứ hai chính là đại diện cho văn hóa cười sâu cay, cười ra nước mắt, đây là tiếng cười châm biếm quan của dân gian dành cho nhũng nhiễu ô trọc trong xã hội.
Câu nói của Trấn Thành gặp nhiều phản ứng từ dư luận.
Đây là dạng tiểu phẩm mà các bạn hay gặp ở chương trình Hài Táo Quân vào đêm giao thừa cuối năm. Nơi những nghệ sĩ như Xuân Bắc, Chí Trung, Tự Long diễn.
Hai dòng cười này đóng vai trò vô cùng quan trọng cho người dân sống trong xã hội. Người dân cần cười để vui sau một ngày nhọc mệt, và cũng cần cười để AQ trước cuộc sống đày ải, và nhắc nhở đến những vị quan có trách nhiệm biết giật mình trước cái xấu, để lo cho dân hơn.
Kiểu cười thứ nhất ta thường gặp ở miền Nam. Còn kiểu cười thứ hai ta thường gặp ở miền Bắc. Tôi xin lưu ý chỉ là "thường gặp" chứ không phải là toàn bộ. Hai kiểu cười này xuất hiện nhiều trên tivi ở các vùng miền, là nhằm phục vụ cho thị trường và nhu cầu khán giả.
Văn hóa vùng miền quyết định điều này, bởi tính cách của khán giả miền Nam là hào sảng và sảng khoái, cười để mà cười. Còn tính cách của khán giả miền Bắc là thâm trầm, sâu sắc và luôn chứa đựng những tiếng cười cần… động não.
Những khán giả quen với kiểu cười như Táo Quân sẽ không đánh giá cao kiểu cười của Trấn Thành, Trường Giang. Nhưng vấn đề là món ăn tinh thần như Táo Quân mà họ ưa thích, lại không có đất diễn trên tivi, còn những game show của Trấn Thành lại đầy rẫy trên đó.
Có thể nói rằng, nguyên nhân sâu xa nhất cho sự tranh cãi giữa hai bên, đó là vì tần suất dày đặc những gameshow mang tên Trấn Thành, Trường Giang đặt trước cái thẫm mỹ khác biệt về chữ "cười" của một bộ phận khán giả.
Điều này khiến những người ưa tiếng cười ngày xưa của danh hài Quốc Anh, Chiến Thắng, Chí Trung … trở nên thiếu thốn, và phản ứng của họ từ nhen nhóm, âm ỉ, đã bùng phát thành ngọn lửa dành cho Trấn Thành.
Đáp lại điều này, Trấn Thành đã phát biểu bằng sự kiêu ngạo của một nghệ sĩ hiện đang đắt show nhất trong ngành giải trí và bùng lên tranh cãi. Nhưng ta hãy quay lại phát biểu đầy đủ của anh trước khi bị cắt xén thành mấy chữ "Nếu thấy chúng tôi diễn hài nhảm, hãy tắt tivi?".
Trấn Thành nói đầy đủ như sau "Bây giờ, ai cũng có tivi, vậy chúng ta nên chọn lọc mà xem. Nếu quý vị cảm thấy chương trình nào nhảm nhí, hãy tắt tivi. Còn các chương trình nào đầu tư về kịch mục, hãy đón nhận."
Câu nói có cả vế trước và vế sau để các bạn lựa chọn chứ không hề mang tính "phủi tay".
Đương nhiên, chúng ta vẫn thấy phảng phất sự kiêu ngạo của Trấn Thành dành cho khán giả, đó là cái dở của anh, khi anh là một người nghệ sĩ, và nghệ sĩ thì luôn cần khán giả ở bên, chứ không phải đặt điều kiện cho nhau như vậy.
Bản thân người viết cho rằng, ở đây hoàn toàn là sự hiểu lầm. Một hiểu lầm xảy ra vì sự thiếu hụt hiểu biết văn hóa vùng miền của cả hai bên.
Lịch sử ngàn năm dựng nước của dân tộc, chúng ta đã luôn tồn tại hai dòng cười như thế rồi, và cả hai đều đáng tôn trọng như nhau, chỉ là bạn thích cái gì hơn mà thôi.
Chuyện của chúng ta chính là dung hòa, bổ trợ chúng cho nhau để làm xã hội đẹp hơn, để văn hóa dân tộc đặc sắc hơn, chứ không phải đâm đầu chỉ trích nhau để rồi tạo ra sự chia rẽ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả