LTS: Đầu năm 2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra nhận định: Thế giới chính thức bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Mãi cuối năm 2016, khái niệm về cuộc cách mạng này mới vào tới Việt Nam. Trước làn sóng bùng nổ về công nghệ, khoa học không ngừng đó, Việt Nam chúng ta đứng ở đâu trong bức tranh của thời đại 4.0?
Tiến sĩ Nguyễn Chiến Thắng - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) sẽ chia sẻ về vấn đề này.
PV: Thưa tiến sĩ, xin hỏi ông một câu rất "cơ bản" để độc giả hiểu: Công nghiệp 4.0 là gì?
TS. Nguyễn Chiến Thắng: Công nghiệp 4.0 (đôi khi được gọi tắt là 4.0) là một cách gọi của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Vì trong lịch sử loài người tính cho đến nay đã diễn ra 4 cuộc cách mạng công nghiệp.
Nội dung giải thích của TS Nguyễn Chiến Thắng được chúng tôi trình bày dạng Infographic dưới đây:
Tất nhiên, những mốc thời gian chia này mang tính tương đối vì công nghệ là một quá trình tiệm tiến dần dần.
Tôi nói thêm về cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4, diễn ra từ năm 2000 cho đến nay với những đột phá về công nghệ: Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới, dữ liệu lớn (Big Data)…
Trong đó công nghệ in 3D là một lĩnh vực rất mới, khác với cách thức sản xuất trước kia. Cách thức sản xuất trước kia là làm các linh kiện, sau đó ráp nối vào nhau với tính chất mang tính hàng loạt. Còn công nghệ in 3D, tất cả các công đoạn vào trong một quy trình, mang tính lưu động và cá nhân. Tuy nhiên, công nghệ in 3D tại Việt Nam phải vài năm nữa mới ứng dụng phổ biến vì tính phức tạp của nó.
Mặc dù thời công nghiệp 3.0 đã có số hóa rồi nhưng Internet thời đó vẫn chưa đạt được tốc độ nhanh, sự kết nối phổ biến như Internet thời 4.0.
PV: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cách đây 2 năm nhận định "Thế giới chính thức bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4", vậy mà, tại Việt Nam khái niệm này vẫn còn rất mơ hồ. Vậy, Việt Nam có đang nằm ngoài làn sóng công nghiệp 4.0 này không, thưa ông?
TS. Nguyễn Chiến Thắng: Có một câu chuyện vui thế này, khi tôi đi làm việc với một số doanh nghiệp của Việt Nam thì chúng tôi vẫn hay nói đùa rằng: Việt Nam mình cứ hô hào 4.0 nhưng có khi chúng ta chỉ đang 0.4!
Như ta đã biết, cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm nhiều cốt lõi của công nghệ cao như IoT – Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ in 3D…
Để biết Việt Nam có nằm ngoài làn sóng công nghiệp 4.0 không thì ta hãy "soi" Việt Nam vào hai khía cạnh:
Điểm đầu tiên, chúng ta xét công nghệ 4.0 chia nhiều lĩnh vực được Việt Nam triển khai, áp dụng như thế nào.
Ví dụ, ở lĩnh vực IoT, Việt Nam mình đã Internet kết nối vạn vật chưa?
Cụ thể, ở mô hình đô thị thông minh - Smartcity, chuyên áp dụng các công nghệ cao nhằm phục vụ người dân và nâng cao chất lượng sống về mọi mặt. Chúng ta đã triển khai chưa? Ở Singapore người ta có thể kết nối mọi loại hình giao thông với nhau. Chỉ cần 1 cái thẻ, có thể kết nối đủ mọi loại hình giao thông.
Hay việc sử dụng Internet để truy cập mọi thông tin về giao thông như về chỗ đỗ xe, như TP. HCM mới thử nghiệm cái này, chúng ta đã sử dụng Internet trong book vé máy bay online, chính phủ điện tử, đăng ký doanh nghiệp.
Riêng về mô hình chính phủ điện tử (e-Government), nơi mà mọi hoạt động của nhà nước được "điện tử hóa", "mạng hóa", thì ở Việt Nam mới bắt đầu manh nha, chúng ta mới chỉ đưa 1 số văn bản, giấy tờ công khai lên Internet để người dân, doanh nghiệp có thể xem còn năng lực tương tác xử lý công việc giữa các đối tượng này với chính quyền thì còn rất hạn chế.
Còn công nghệ in 3D ở Việt Nam thì mới chỉ manh nha.
Hay về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, robot thì Việt Nam cũng chưa phổ biến nhiều. Theo tôi được biết, Công ty gốm sứ Minh Long là có áp dụng robot trong sản xuất. Ở các nước phát triển, robot đã được áp dụng để phục vụ trong các nhà máy, bệnh viện, nhà hàng, thậm chí là khám phá vũ trụ…
Điểm thứ hai, chúng ta xét những lĩnh vực công nghệ đó gắn với từng nơi mà nó áp dụng.
Thứ nhất là về doanh nghiệp: Bài toán đặt ra là, hiện nay ở doanh nghiệp Việt Nam, 4.0 đã lan tỏa như thế nào?
Trên thực tế là việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ của 4.0 vào các doanh nghiệp Việt Nam đang còn ít lắm. Vì sao? Vì:
Đầu tiên, chúng ta đang mắc vào "bẫy thu nhập trung bình", vào những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông. Ví dụ, ngành dệt may, da giày vẫn có lãi và doanh nghiệp vẫn cứ làm. Các ngành này có cần 4.0 để hoạt động có lãi không? Câu trả lời là không.
Ngay cả Samsung, mặc dù cho ra các sản phẩm rất hiện đại xong công đoạn sản xuất tại Việt Nam rất thủ công, chỉ lắp ráp.
Như vậy, chúng ta đang mắc vào "bẫy thu nhập trung bình", của các ngành mà giá trị gia tăng thấp, sử dụng lao động phổ thông mà không cần 4.0. Do đó, công nghệ 4.0 không có động lực để vào.
Tiếp đến, có những doanh nghiệp rất muốn đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm, thế nhưng, 98% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ (còn số % rất ít còn lại là doanh nghiệp lớn) nên câu chuyện này lại vấp phải hai vấn đề: (1) Một là không có khả năng làm chủ công nghệ. Ta phải làm chủ được công nghệ mới có thể áp dụng robot và kiểm soát robot làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp được; (2) Hai là thiếu vốn, tài chính để đổi mới công nghệ.
Thứ hai là người dân: Đối với người dân ở thành thị, phần lớn người dân sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin đơn thuần, liên lạc qua các mạng xã hội hay đơn thuần là giải trí. Còn khoảng 60% người dân ở nông thôn, việc tiếp cận Internet vẫn còn nhiều hạn chế.
Thứ ba là vấn đề kinh tế: Nói Việt Nam chỉ mới tiếp cận ở mức 0.4 chỉ là một cách nói vui thôi, bởi có những lĩnh vực mà chúng ta có thể ứng dụng được thành tựu từ công nghiệp 4.0.
Ví dụ như IoT, chúng ta có thể sử dụng nó để thay đổi mô hình kinh doanh, thì chúng ta đã bắt đầu làm rồi, bằng chứng là thương mại điện tử (e-Commerce) sử dụng hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính để kết nối các hoạt động kinh doanh như mua bán sản phẩm/dịch vụ, như logistics (là một phần của quản trị chuỗi cung ứng, gồm hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa).
Ngoài ra, qua Internet chúng ta có thể quảng bá hình ảnh, thế mạnh ra nước ngoài. Ví dụ, món cá kho tộ ở làng Vũ Đại đã có mặt tại Mỹ; các mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng có mặt tại nhiều nước trên thế giới…
Cũng nhờ Internet, các công ty, tập đoàn ở nước ngoài có thể thuê bên ngoài (Outsourcing). Đây là một xu thế trên thế giới. Họ có các dịch vụ về kế toán, tư vấn, y khoa. Ví dụ, bác sĩ ở Mỹ chỉ chuyên chữa bệnh, còn việc đọc X-quang, các xét nghiệm máu, làm nghệ thuật… sẽ chuyển dữ liệu qua Internet cho các nước như Ấn Độ và các nước đang phát triển khác.
Nếu chúng ta có kiến thức chuyên môn giỏi, ngoại ngữ giỏi, cụ thể là tiếng Anh, thì có thể tận dụng Internet để thực hiện Outsourcing là điều nên làm.
PV: Ở trên ông vừa nói khá kỹ đến vai trò của doanh nghiệp trong thời đại 4.0. Vậy xin bàn một chút về "hiện tượng" đang được cho là rất thành công - Grab Taxi. Hẳn Grab hay Uber và những đối thủ của họ là thành tựu điển hình của công nghiệp 4.0 không, thưa Tiến sĩ?
TS. Nguyễn Chiến Thắng: Đúng vậy! Grab và Uber là một trong những loại hình của kinh tế chia sẻ, loại hình này huy động được những nguồn lực có sẵn đang rảnh rỗi nhằm phục vụ cho nhu cầu di chuyển của cá nhân cụ thể hơn.
Trước đây, chúng ta phải ra đường để vẫy taxi truyền thống, sau dần thì gọi tổng đài. Còn với những người dùng ứng dụng Grab, Uber, thì dù trời mưa hay nắng, khách hàng chỉ cần tab vào ứng dụng, bấm bấm vài thao tác trên smartphone rồi chờ xe đưa đón như người nhà.
Về bản chất, lúc đầu Grab, Uber chỉ là tận dụng những xe trống, xe của cá nhân trong thời gian rảnh để đưa đón khách. Về sau, nó phát triển thành "cần câu cơm". Mọi người dần đầu tư tiền để trở thành taxi đưa đón khách. Lúc này, câu chuyện lại rẽ sang hướng khác.
Nhưng vấn đề đặt ra là, tại Việt Nam, khung pháp lý cho Grab và Uber chưa đầy đủ. Chính vì thế, sau 2 năm thí điểm, taxi truyền thống kiện taxi công nghệ cao.
Việc quản lý 4.0 qua hình ảnh của Grab và Uber cho thấy rõ cơ quan quản lý của Việt Nam rất bị động. Cụ thể, chúng ta chưa có khung để quản lý Grab và Uber theo đúng nghĩa của hoạt động cung cấp dịch vụ về vận tải. Về mặt thực chất, Bộ trưởng Bộ Giao thông đã nói Grab, Uber chính là kinh doanh vận tải.
Vậy, nếu là kinh doanh vận tải thì tại sao khi Grab, Uber vào Việt Nam thì tại sao lại có sự phân biệt với taxi truyền thống?
Tôi đã thấy rõ ngay từ đầu khi Grab, Uber vào Việt Nam. Tôi không hiểu tại sao các cơ quan quản lý lại có sự phân biệt với taxi truyền thống?
Ví dụ, tại sao lại có các biển cấm taxi truyền thống hoạt động vào đường này, giờ này, trong khi Grab, Uber lại thoải mái len lỏi vào nhiều đường như thế, trong nhiều khung giờ như thế? Đó là chưa nói đến vấn đề thuế, ưu đãi khuyến mãi của taxi công nghệ cao.
Như vậy, chúng ta có thể thấy một môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa Grab, Uber và taxi truyền thống.
PV: Ý ông là taxi truyền thống đang bị "đối xử" bất bình đẳng, và "đối tượng" gây ra điều này chính là... công nghệ 4.0?
Những ưu thế của Grab, mặc dù tôi không có những số liệu/con số cụ thể, tuy nhiên, hiểu theo một nghĩa nào đấy thì Grab có thể đang vi phạm vào Luật cạnh tranh.
Theo quy định tại điều 9 nghị định 37/2006/NĐ - CP quy định về hình thức giảm giá trong hoạt động khuyến mại được quy định như sau: Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được vượt quá 90 (chín mươi) ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 (bốn mươi lăm) ngày. Bên cạnh đó, theo Luật Thương mại, mức khuyến mại cao nhất là không quá 50% so với giá ban đầu.
Nếu nhìn vào Grab, thì có thể thấy, liệu những lợi thế mà Grab đang sở hữu đã phù hợp với luật lệ của chúng ta chưa? Nếu thực sự là chưa phù hợp thì với những ưu đãi, khuyến mại như vậy taxi truyền thống làm sao có thể cạnh tranh nổi? Đó là lý do, VinaSun đã từng khởi kiện Grab là như vậy.
Đáng ra, cơ quan quản lý phải nắm được những chuyện này ngay từ đầu.
Và một điểm nữa mà tôi nghĩ rất quan trọng là, về bản chất, Grab theo nghĩa ban đầu là tận dụng những nguồn lực sẵn có, thế nhưng, bây giờ, nhiều nhà, nhiều người đầu tư xe để kinh doanh theo loại hình này, mà đã đầu tư xe thì về mặt bản chất nó là taxi! Và nếu nó là taxi thì phải theo quy hoạch của taxi.
Ở TP. HCM, quy hoạch taxi tại đây đến năm 2020 là gần 15.000 xe, nhưng hiện nay đã lên đến hơn 35.000 xe gồm cả taxi truyền thống và taxi công nghệ. Ta có thể thấy, những xe không có biển hiệu taxi nhưng lại hoạt động như taxi đỗ ở khắp mọi nơi, hệ quả là, gây sức ép với hạ tầng giao thông.
Đó là chưa kể đến chuyện việc Uber rút khỏi Việt Nam đã khiến rất nhiều nhà từng đầu tư mua xe (đặc biệt là đối với những người mua xe trả góp) để kinh doanh theo loại hình này bị khốn đốn.
Cơ quan quản lý nhà nước có biết không? Tôi nghĩ là biết! Nhưng họ quản lý quá kém, tất nhiên là trong một số lĩnh vực cụ thể. Như vậy là 4.0 nhưng chúng ta chưa quản trị được 4.0 đấy. Mình ứng dụng được thành tựu nhưng không quản trị được một cách thành công.
PV: Có vẻ như nền kinh tế chia sẻ với nền tảng là công nghiệp 4.0 đang trên đà "thống trị" mọi mặt của nền kinh tế toàn thế giới, ông có nghĩ như vậy?
TS. Nguyễn Chiến Thắng: Kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng của việc sử dụng Internet, khi đó, người ta không cần sở hữu những phương tiện mà chỉ cần sở hữu ứng dụng để từ đó kết nối được các nguồn lực sẵn có với những cá nhân/tập thể có nhu cầu sử dụng, ví dụ như vận tải, nhà ở, khách sạn…
Đó là câu chuyện của Grab, Uber. Là câu chuyện của Airbnb – một ứng dụng đặt phòng quy mô toàn thế giới, có khả năng kết nối trực tiếp người có phòng cho thuê với người có nhu cầu thuê phòng.
Nhờ đó, dù Uber hay Grab chẳng sở hữu chiếc taxi nào nhưng lại là nhà cung cấp taxi lớn nhất thế giới, Airbnb cũng không sở hữu căn hộ, khách sạn, villas… nào nhưng lại là nhà cung cấp chỗ lưu trú lớn nhất thế giới.
Như vậy, có thể thấy, kinh tế chia sẻ là một xu thế trên thế giới hiện nay, tuy nhiên, nó đòi hỏi các cơ quan quản lý phải kiểm soát được và phải có một khung pháp lý.
Các cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Giao thông vận Tải, Bộ Tài chính (về thuế)…, phải đồng bộ và đối xử công bằng. Nếu không công bằng thì minh chứng là đã xảy ra những vụ khiếu kiện giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ cao như chúng ta thấy.
PV: Một câu chuyện khác về doanh nghiệp, liên quan đến FDI. Tôi được biết ông từng có nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2013-2014 mang tên "Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh phân cấp". Vậy xin hỏi, trong 4 năm qua sau nghiên cứu của ông, ông quan sát đã có dự án FDI nào ứng dụng thành công 4.0 chưa?
TS. Nguyễn Chiến Thắng: Việt Nam thu hút FDI từ nhiều nước và vùng lãnh thổ, khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ, nhưng số lượng tập trung đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam xoay quanh các nước Đông Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Đây là những nước có nhiều doanh nghiệp mà sử dụng ngành công nghệ cao. Tuy nhiên, công đoạn tại Việt Nam chủ yếu sử dụng "công nghệ 0.4"!
Ví dụ như Samsung là một tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, nhưng công đoạn tại Việt Nam chủ yếu là 0.4!
Khoảng 150.000 nhân công của Samsung tại Việt Nam chỉ có vài nghìn người có trình độ tốt nghiệp đại học, còn lại là trình độ phổ thông, thậm chí là tốt nghiệp cấp 2, và họ chuyên làm công đoạn lắp ráp! Chỉ có một bộ phận nhỏ nhân lực nước ngoài là điều khiển, sử dụng robot.
FDI chỉ tận dụng lao động rẻ, tài nguyên, ưu đãi… của Việt Nam.
Còn câu chuyện FDI có thể gián tiếp mang công nghệ cao vào Việt Nam hay không, tôi cho là rất khó.
PV: Ở Việt Nam hiện nay giới trẻ sử dụng smartphone vô cùng nhiều. Kết nối Internet nhiều có được xem là bàn đạp để đưa 4.0 vào Việt Nam không, thưa ông?
TS. Nguyễn Chiến Thắng: Riêng về Internet, các kết nối Internet phải liên quan đến các hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ… thì mới mang lại lợi ích cho kinh tế, tiêu dùng. Nếu chỉ dùng smartphone để kết nối bạn bè, giải trí… thì chúng ta chỉ là những người tiêu thụ thiết bị công nghệ cao. Còn nếu cùng là một smartphone nhưng có thể dùng để điều hành sản xuất thì đó mới là 4.0.
Đối với thế giới trong làn sóng 4.0, Internet ở đây được hiểu là sử dụng Internet để có những kết nối tự động vào hệ thống thông minh trong các hoạt động sản xuất, tiêu dùng thông minh. Còn chúng ta, chưa làm được điều này nhiều.
Hay đối với máy tính: Nhà máy, công sở, trường học… đều có máy tính. Nhưng máy tính đó để làm gì? Nó được dùng để soạn thảo văn bản đơn thuần, để kết nối đơn thuần hay máy tính làm tăng khả năng kết nối (họp online), tăng khả năng tự động hóa, tăng số hóa… thì câu chuyện sẽ khác!
PV: Trong xu thế không thể không đón nhận làn sóng 4.0, Việt Nam đang và sẽ có những thuận lợi, khó khăn gì?
TS. Nguyễn Chiến Thắng: Trước một làn sóng công nghiệp đang bùng nổ hiện nay, Việt Nam chúng ta không thể nằm ngoài xu thế này được. Lẽ dĩ nhiên, việc đón nhận luôn tồn tại hai mặt khó khăn và thuận lợi.
Tôi nói về điểm thuận lợi của việc đón 4.0 trước:
Thứ nhất, Việt Nam sở hữu lực lượng dân số trẻ, điều này sẽ tạo ra nhu cầu cao đối với những ngành sử dụng công nghệ mới (như thương mại điện tử) và nhu cầu sử dụng loại hình công nghệ mới (như smartphone, smarthome, smartcity…) tốt hơn.
Thứ hai, về phát triển công nghệ thông tin, chúng ta có nhiều nhân tài về lĩnh vực toán học. Đây cũng là một lợi thế để nghiên cứu và đi sâu vào lĩnh vực công nghệ thông tin.
Về thách thức của Việt Nam:
Tôi chỉ lấy một ví dụ cho câu chuyện áp dụng thành tựu 4.0 tại Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang có xu hướng xây dựng thành phố thông minh (smartcity). Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có thể xây dựng được loại hình này. Bởi muốn có smartcity thì phải có smart people.
Smart people là những người biết tiếp nhận những cái mới, từ đó mới có thể biết sử dụng các phương tiện/tiệc ích thông minh trong mô hình smartcity ấy. Nếu không có những người biết làm chủ công nghệ thì thành phố đó không thể thông minh được!
Vì thế, smartcity, smarthome, chính phủ điện tử, giao thông thông minh, năng lượng thông minh… nên được triển khai dần dần bởi nó còn phụ thuộc vào ý thức chung của người dân cũng như khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ mới của từng thành phố, từng khu vực.
Nếu chúng ta cứ duy ý chí triển khai đại trà, rầm rộ smartcity trong khi chưa có smart people thích ứng với nó thì tôi tin chắc rằng toàn bộ hạ tầng thông minh sẽ bị xuống cấp nhanh chóng do sử dụng kém!
Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ!