"Tôi lo lắng rằng một ngày nào đấy, mình sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường mà tác nhân chính lại đến từ học trò - người mà mình hàng ngày dạy dỗ" , đó là chia sẻ của một nhà giáo sau khi chứng kiến đồng nghiệp của mình - một cô giáo dạy Âm nhạc ở trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang), bị học sinh "hợp sức" vào "xâu xé", lăng mạ, chửi bới rồi bạo hành.
Cô giáo H. - người xuất hiện trong đoạn clip, dường như im lặng đầy bất lực trước những ngôn từ xúc phạm hướng thẳng vào mình. Được đà lấn tới, một nam sinh còn ngỗ nghịch chỉ tay năm ngón, vênh váo thách thức sự chịu đựng của cô. Sau đó, chính em học sinh này thậm chí giả vờ lăn đùng ra nhằm "vu oan" cho nữ giáo viên.
Không chỉ dừng lại ở những lời nói, nhóm học sinh còn bộc phát ra thành những "hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng", "không thể chấp nhận được" với nữ giáo viên. Đỉnh điểm, một chiếc dép ném trúng trán khiến cô choáng váng vài giây rồi lăn ra ngất xỉu.
Sau vụ việc này, nhiều dấu hỏi lớn được đặt ra. Liệu rằng chúng ta có đang đề cao Văn hơn là Lễ? Giá trị "tôn sư trọng đạo" từ ngàn đời nay của dân tộc sẽ đi về đâu, phải chăng nó đang bị xóa mờ đi bởi những hành vi thiếu chuẩn mực trong giáo dục?
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, cũng có những ý kiến chia sẻ liên quan.
PGS.TS Trần Thành Nam
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá toàn xã hội phải chịu trách nhiệm trong vụ việc lần này, theo PGS.TS Trần Thành Nam, tại sao lại như vậy?
Việc giáo dục học sinh nên người không thể nào chỉ dựa vào sức lực của một người cụ thể được. Trong vụ việc đáng tiếc lần này, chúng ta có thể thấy trách nghiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong đó.
Gia đình là tế bào của xã hội, nếu như chúng ta chăm sóc, nuôi dưỡng tốt những đứa trẻ ngay ở cấp độ tế bào, cấp độ gia đình thì không có đứa trẻ nào lại bộc phát ra thành những hành vi lăng mạ và tấn công người khác đầy phản cảm như vậy được. Đó còn chưa kể đến người mà những đứa trẻ này "hợp sức" tấn công còn là người dạy dỗ chúng hàng ngày. Đến đây, cần phải trả lời những câu hỏi: Bố mẹ ở nhà đã là những người gương mẫu chưa? Bố mẹ đã quan tâm con chưa? Bố mẹ đã dành thời gian để điều chỉnh hành vi ứng xử của con hay chưa?
Chúng ta còn nhìn thấy trách nhiệm xã hội ở đây, môi trường mà những đứa trẻ đang sống bên trong, bao gồm cả môi trường thực lẫn môi trường ảo, liệu rằng đã đủ "trong lành" hay chúng ta đang để trẻ dễ dàng tiếp cận với những chất liệu bạo lực hàng ngày, hàng giờ? Từ đó, làm cho những đứa trẻ bị tiêm nhiễm những cách thức ứng xử bạo lực. Chúng nghĩ rằng đối diện với bất kỳ tình huống nào thì đều có quyền trở thành "thẩm phán", đưa ra những lời nói nhằm hạ nhục người khác, hay sử dụng bạo lực thể chất để xử lý mọi thứ.
Phải chăng quyền uy của giáo viên đang dần bị "sụp đổ"?
Thực ra, trong vụ việc lần này, nhiều giáo viên đang cảm thấy bất lực, họ tin rằng uy tín của mình đang bị đe dọa. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận một cách thực tế rằng nhiều thầy cô chưa thực sự trở thành tấm gương mẫu mực nhằm truyền cảm hứng cho học trò.
Thế giới hiện tại đang thay đổi rất nhanh. Trước đây, thầy cô đóng vai trò là trung tâm vừa dạy tri thức, vừa dạy người, dạy nghề cho học sinh. Nhưng trong xã hội ngày nay, thầy cô không còn là trung tâm của tri thức nữa, vì học trò có thể học được khắp mọi nơi, mọi lúc. Chúng ta cần hiểu rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thầy cô vẫn sẽ là người truyền cảm hứng, tạo nên những thay đổi mang tính bước ngoặt của học trò. Nhưng nhiều người vẫn chưa cảm nhận được điều đó, họ lại cảm thấy bản thân mình bị mất vai trò trung tâm của tri thức, uy tín và quyền lực của mình dần bị thuyên giảm.
Thứ nữa, nhiều giáo viên đang khó tìm được điểm chạm trước những phát ngôn, ứng xử của học trò, đặc biệt là thế hệ Gen Z, Gen Alpha. Bây giờ thầy cô không thể sử dụng kỷ luật truyền thống được vì nó sẽ vi phạm quyền trẻ em, thậm chí bị quy vào thiếu chuẩn mực sư phạm. Nhìn nhận khác quan, các thầy cô chưa có năng lực quản lý lớp học tích cực để xử lý hành vi sai của học trò bằng kỷ luật tích cực. Điều đó càng làm học trò mất kiểm soát trong hành vi, ngôn từ, giáo viên thì cảm thấy cô độc. Họ giảm dần đi đam mê, tâm huyết với nghề.
Không màng đến chuyện ai đúng ai sai, nhưng xét về giá trị "tôn sư trọng đạo", thì hành động của nhóm học sinh này là "không thể chấp nhận được" bởi nó "vi phạm đạo đức nghiêm trọng". Vậy hình phạt nào sẽ phù hợp nhất cho các bạn học sinh ngỗ nghịch này?
Tôi thừa nhận đây là hành vi "vi phạm đạo đức nghiêm trọng" và "không thể chấp nhận được". Song, hình phạt cho các em học sinh có hành vi chưa chuẩn mực này cũng phải hướng đến mục tiêu giáo dục. Như đã phân tích ở trên, đây không phải là lỗi của một mình các em, mà còn là những thiếu sót trong hệ thống giáo dục của chúng ta gồm cả giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục ngoài xã hội.
Khi xử lý vụ việc này, chúng ta cần phân tích kỹ và đi sâu vào từng tiểu tiết để phân định rạch ròi đúng sai, trắng đen. Trong một nhóm học sinh tham gia vào vụ việc bạo lực đấy, có những em đầu têu, cần xử lý nặng hơn. Có những em hùa theo một cách công khai, tích cực đầy phản cảm, thì cũng phải xem xét kỷ luật thích đáng. Còn những em tham gia một cách thụ động, tức là dù không ủng hộ nhưng cũng không dám lên tiếng vì một số lý do chẳng hạn như lo lắng sẽ bị các bạn trong lớp tẩy chay, thì cũng phải có hình thức xử lý khác. Tóm lại, từng nhóm đối tượng khác nhau, phải có hình thức kỷ luật khác nhau.
Bên cạnh kỷ luật, phải có hình thức giáo dục đi kèm. Giáo dục ở đây không chỉ có giáo dục học sinh, mà còn giáo dục cả phụ huynh những học sinh tham gia bạo lực nữa. Bố mẹ phải được hướng dẫn những phương pháp kỷ luật với con cái của họ bởi suy cho cùng, học sinh tham gia vào vụ bạo lực nhóm ở Tuyên Quang vừa rồi đang ở tầm tuổi này "ăn không nên đọi nói không nên lời", các em còn thích thể hiện, chứng minh bản thân ta đây nên cách giáo dục cũng cần phải xác đáng.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, hình phạt cho các em học sinh có hành vi chưa chuẩn mực trong vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang cũng phải hướng đến mục tiêu giáo dục
Hành động im lặng, đứng im chịu trận không phản kháng khi bị học sinh "gộp sức" lăng mạ, sỉ nhục, bạo hành phải chăng là tấm gương phản chiếu cho sự bất lực trong giáo dục?
Đúng. Nó thể hiện sự bất lực của thầy cô nhưng ở một góc độ nào đấy, nó còn cho thấy rằng kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm của nhiều người chưa được nhuần nhuyễn. Trong tình huống như vậy, thay vì phản kháng một cách đầy bất lực, thầy thầy cô hoàn toàn có cách xử trí khác, như sử dụng những lời nói mang tính dứt khoát.
Ví dụ: Mặc dù các em có thể không hài lòng với một hành động nào đấy của cô, nhưng lời nói, hành động hiện tại của các em không phù hợp. Chúng nó thể khiến các em gặp rắc rối và chịu kỷ luật. Cô nghĩ rằng ở thời điểm này, cả cô và các em đang chưa kiểm soát cảm xúc, vậy cô có thể mời một bạn sang một phòng học nào đó trống người, để các bạn suy nghĩ hành vi và lời nói của mình. Sau khi bình tĩnh, cô và các em sẽ cùng nhau trao đổi.
Tức chúng ta phải điều động, phân tán vai trò của người "đầu têu", kẻ cầm đầu đi. Cảnh báo rằng những hành vi kích động như vậy là sai trái và có thể khiến những người tham gia gặp nhiều rắc rối.
Theo lời chia sẻ của nữ giáo viên, các em học sinh là chủ mưu trong vụ bạo lực lần này vẫn đạt hạnh kiểm tốt dù nhiều lần bị "réo tên", liệu chúng ta có đang tiếp tay cho bạo lực học đường?
Công tác đánh giá về phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị của học sinh bây giờ đang thiếu chính xác. Nếu lời chia sẻ của cô giáo là đúng sự thật, thì những em học sinh tham gia vào vụ bạo lực học đường mang tính vi phạm đạo đức nghiêm trọng như vậy, đều không đạt chuẩn đầu ra chứ đừng nói gì đến đạt được hạnh kiểm tốt, hạnh kiểm khá.
Nhìn xa hơn, mấy năm qua, điểm thi môn Giáo dục công dân của chúng ta trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn cao chót vót, tỷ lệ đạt hạnh kiểm tốt của học sinh nhiều vô số kể. Nhưng trên thực tế, nhiều em có biểu hiện hành vi chưa tương xứng với kết quả đánh giá. Vậy nên, việc đánh giá phẩm chất đạo đức của học sinh nên đa chiều hơn, dựa trên cả sự quan sát của giáo viên, gia đình và bạn bè đồng trang lứa.
Khái niệm về bạo lực học đường rất rộng và đầy đủ. Dẫu vậy, từ trước đến nay chúng ta chỉ mặc định rằng, bạo lực học đường là khi học sinh bạo lực với nhau, hay cùng lắm là giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực với học sinh, chứ hiếm khi nào giáo viên lại bị học trò lăng mạ, xúc phạm cả. Từ vụ việc này, chúng ta có nên "bình thường hóa" việc giáo viên cũng có khả năng trở thành nạn nhân của vấn nạn này không?
Từ trước đến nay, những hành vi bạo lực học đường thường chỉ xuất hiện giữa các học sinh với nhau, hoặc giáo viên với học sinh. Còn hành vi học sinh bạo hành với giáo viên như vụ việc ở Tuyên Quang lần này là rất hiếm, đặc biệt là với mức độ nghiêm trọng càng khiến chúng ta bị sốc.
Trên thế giới, rất nhiều vụ việc giáo viên bị học sinh, hoặc thậm chí cả phụ huynh bạo hành, lăng mạ không phải là ít. Tại Việt Nam cũng từng xảy ra những vụ việc này rồi, vậy nên chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế hơn về vấn nạn bạo lực học đường.
Có nên xếp nghề giáo trở thành nghề "nguy hiểm" hay không?
Chúng ta không nên nói nghề giáo là một nghề "nguy hiểm" được, thế chẳng khác gì nói những đứa trẻ mà chúng ta dạy dỗ hàng ngày là người nguy hiểm?
Tuy nhiên, chúng ta nên coi đây là một ngành nghề đặc thù. Bởi lẽ, để giáo dục được những đứa trẻ nên người, giáo viên cần sử dụng chính nhân cách của mình. Bên cạnh tri thức, chúng ta cần vun bồi về lương tâm, lương tri để trao truyền những giá trị tốt cho con trẻ. Vì tính chất đặc thù đó, công tác đào tạo, tuyển chọn giáo viên cần thay đổi. Với những yêu cầu khắt khe của nhà giáo trong thế kỷ 21, vị trí, vai trò, chế độ ưu đãi cũng phải tương xứng để thu hút và giữ chân người giỏi, đam mê và nhiệt huyết với nghề.
Cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS Trần Thành Nam!