"Sao tự kể" là nơi hé mở những câu chuyện cuộc đời, những tâm sự từ tận đáy lòng, những bí mật sâu kín của người nổi tiếng.
Qua chính lời kể của người trong cuộc, khán giả sẽ được sống cùng với cảm xúc chân thật nhất của các ngôi sao, để từ đó thấu hiểu hơn về cuộc sống cũng như những tâm tư tình cảm của họ.
Những câu chuyện trong "Sao tự kể" sẽ đến với quý vị độc giả vào thứ 2 và thứ 7 hàng tuần.
Trên đường đi thỉnh kinh có một nhân vật không thể coi thường - đó là chú ngựa Bạch Long. Chú là hoá thân của tam Thái tử - con trai Tây Hải Long Vương, là đồ đệ thứ tư của Đường Tăng.
Khi quay những tập đầu tiên của Tây Du Ký như Ăn trộm nhân sâm, Đánh Bạch Cốt Tinh, chúng tôi không có ngựa riêng của đoàn.
Chính bởi vì nuôi ngựa rất phiền phức nên chúng tôi đành phải tìm thuê ngựa tại chính địa điểm quay phim nhưng việc này cũng chẳng dễ dàng gì. Bối cảnh quay tại đảo Hải Nam tìm đỏ mắt cũng không ra chú ngựa trắng nào.
Tổ đạo cụ đành phải mượn tạm một chú ngựa lớn màu nâu và nhân viên hoá trang dùng sơn trắng sơn lên toàn thân ngựa để dùng tạm.
Nhưng chú ngựa có vẻ không được thoải mái, chú giật đứt dây buộc rồi lao thẳng xuống nước. Toàn bộ màu vẽ trên thân trôi tuột mất, ngựa Bạch Long trở về nguyên dạng là một chú ngựa nâu.
Sau đó, tôi thầm hạ quyết tâm dù thế nào cũng phải kiếm bằng được một chú ngựa trắng.
Gặp gỡ đồ đệ thứ tư của Đường Tăng
Tháng 9 năm 1983, chúng tôi tới Nội Mông Cổ để quay tập Tôn Ngộ Không chăn ngựa trời.
Tại trại ngựa quân đội nơi đây có hai chú ngựa: một con rất đẹp, cao lớn và rất có thần thái, nhưng tính cách còn hoang dã, người bình thường không dạy dỗ nổi nó; còn một con là ngựa cưỡi của trưởng đoàn. Chú ngựa này thân hình hơi nhỏ nhưng cũng rất xinh đẹp, tính tình lại ôn hoà hơn nhiều.
Trước khi rời đi, tôi hỏi người phụ trách trại ngựa có thể bán cho chúng tôi chú ngựa đó không. Họ trả lời về nguyên tắc ngựa quân đội không thể bán vì ngựa cũng giống như người lính, cũng có quân tịch. Nhưng nếu chúng tôi tha thiết họ sẽ báo với cấp trên để cho ngựa giải ngũ.
Sau khi trở về Bắc Kinh tôi báo cáo với lãnh đạo việc mua ngựa đã rất cần kíp và đề xuất của tôi mau chóng được phê duyệt.
Khi tôi liên lạc lại với trại ngựa, họ đã truất quân tịch của chú và chỉ đợi chúng tôi gửi đến 800 tệ là có thể mua được chú về. Vậy là chỉ vài ngày sau, đồ đệ thứ tư của Đường Tăng đã gia nhập đoàn phim.
Chú đồ đệ thứ tư này đã không làm mọi người thất vọng. Từ khi 4 tuổi chú đã tham gia đoàn phim, cùng chúng tôi rong ruổi khắp nam bắc, lên rừng xuống biển suốt 5 năm.
Ngựa Bạch Long rất hiểu tính người. Chú nhất mực trung thành, không ngại khó ngại khổ. Tuy chú không biết nói nhưng từ ánh mắt cũng thể hiện rất nhiều cảm xúc.
Trong quá trình quay phim, ngựa Bạch Long đã gặp không ít nguy hiểm. Những lần hiểm nguy này tôi đều khắc ghi sâu sắc trong lòng.
Ngựa Bạch Long ba lần đối diện tử thần
Có một lần quay phim ở Tô Châu, khi đoàn vừa mới xuất phát, ngựa Bạch Long khi bước lên xe vô tình giẫm hụt nên ngã nhào.
Toàn thân ngựa bị kẹt dưới khe nước trước nhà, trên mình vẫn còn mang yên cương rất nặng. Bốn vó chú giãy giụa cố gắng đứng lên nhưng yên cương bị mắc lại làm chú không tài nào gượng dậy được.
Khi mọi người đang cuống cuồng tìm dụng cụ để kéo ngựa lên, tôi xót xa quỳ xuống trước mặt ngựa Bạch Long an ủi: "Có đau không? Sao Bạch Long lại không cẩn thận thế. Đừng lo, mọi người sẽ kéo Bạch Long lên ngay đây".
Lúc này, tôi chợt thấy một giọt nước mắt lăn dài từ đôi mắt nó. Nó thực sự hiểu được lời tôi nói nên cảm động phát khóc. Thấy chú vậy tôi cũng không cầm được nước mắt.
Bởi tôi cảm nhận được trong lòng ngựa Bạch Long có nhiều điều không nói được nên lời. Nỗi đau đớn không biểu đạt ra được của chú con người chúng ta không thể hiểu nổi.
May là mọi người đã mau chóng đem dụng cụ tới, cùng nhau đỡ được chú dậy, sau đó dắt chú vào vườn kiểm tra kĩ xem có bị thương chỗ nào không. Vận động một chút, ngựa Bạch Long lại khoẻ mạnh như thường.
Tôi vẫn cứ lo lắng nhìn chú tới tận khi Bạch Long cẩn thận bước lên bục gỗ lên xe an toàn mới thôi. Tôi nhìn Bạch Long không biết tinh thần chú đã ổn định lại sau cơn chấn động vừa qua hay chưa?
Tháng 6 năm 1987, chúng tôi quay tập Vào động Bàn Tơ ở Cửu Trại Câu. Khi vừa quay xong cảnh phía dưới thác nước, chuẩn bị tới cảnh bốn đồ đệ cùng băng qua thác. Mọi người dắt ngựa Bạch Long cùng bốn thầy trò Đường Tăng đi vòng đường khác để lên đỉnh thác.
Tôi là quay phim cùng thư ký trường quay đợi ở dưới núi, chợt nghe từ xa có tiếng động vang trời mà không rõ có chuyện gì xảy ra. Tất cả những gì dưới đây là tôi sau đó mới được nghe kể lại:
Khi leo lên thác, ngựa giẫm phải một hòn đá trơn và trượt ngã. Nằm sõng soài giữa đám đá sỏi, dòng nước siết chảy thẳng vào người chú. Khe đá khá sâu, nước lại chảy mạnh, sợ ngựa bị ngạt thở nhưng đường bên khe đá rất hẹp khiến mọi người dù cố hết sức vẫn không kéo được chú lên.
Hai người chăm ngựa cũng phải bó tay. Đoàn người vây quanh rất đông mà không có ai có cách nào cứu giúp được ngựa Bạch Long.
Vừa hay có đoàn du khách đi qua, một người trong đoàn nói: "Để tôi giúp. Mau tháo yên cương khỏi lưng ngựa đã".
Người chăm ngựa vội vã tháo yên, vị du khách này để ngựa nghỉ ngơi chốc lát rồi gọi mọi người theo khẩu lệnh của anh cùng kéo. Anh tay tay cầm cương miệng hô khẩu lệnh để mọi người cùng góp sức, chỉ vài chục giây sau đã kéo đươc ngựa Bạch Long đáng thương lên khỏi khe đá.
Vị du khách đó hoá ra là một người nuôi ngựa chuyên nghiệp của dân tộc Tạng. Trách nào anh ta hiểu rõ tính ngựa, anh ta và ngựa không dùng lời cũng có thể hiểu được nhau.
Ngựa Bạch Long đứng dậy và lại tiếp tục lên đường tới đỉnh thác để hoàn thành nốt cảnh quay. Khi chúng tôi quay lại được nghe kể rõ sự tình, tôi mới thấy bản thân mình thật tàn nhẫn. Vừa phải trải qua hiểm nguy tính mạng như vậy mà vẫn bắt ngựa phải quay phim tiếp.
Nếu như là người thì ít ra cũng đòi được nghỉ ngơi một lát nhưng nó lại là một chú ngựa. Nó chẳng biết than khổ cũng chẳng biết đòi hỏi điều gì...
Lần thứ ba là vào tháng 7, chúng tôi trở về từ Cửu Trại Câu, đến miếu Nhị Vương để tiếp tục quay tập Yêu tinh rết. Khi vừa tới miếu, chúng tôi vòng vào từ cửa sau, ngựa Bạch Long đi giữa chúng tôi.
Miếu Nhị Vương được xây trên núi, chúng tôi từ cầu thang cửa sau đi xuống dưới, bên cạnh cầu thang là một rãnh nước và một con dốc lát xi măng. Ngựa Bạch Long chở hành lý trên mình đi trên con dốc đó. Khi mọi người đang cười nói vui vẻ thì đột nhiên tai nạn xảy ra.
Bên đường có một cây cổ thụ chìa ra hướng giữa đường đi làm ngựa không tài nào đi qua được. hành lý trên mình ngựa lại mắc vào cây làm ngựa trượt ngã xuống rãnh nước bên cạnh. Rãnh nước này rất hẹp lại ẩm ướt quanh năm nên nhiều rêu mọc. Vì thế nên rãnh càng trơn, ngã xuống đây là sẽ càng trôi về phía sau.
Ngựa Bạch Long đứng không vững trong rãnh nước mà cứ chới với vì trơn. Rãnh nước này là một đường thẳng không có cạnh bên, nếu không sớm kéo ngựa lên chú sẽ rơi thẳng xuống dưới.
Lúc này mọi người đều chẳng lo thân mình nữa: một thành viên đoàn phim lao ra dùng sức nặng cơ thể giữ ngựa lại. Nhưng sức lực một người là không đủ, cả người lẫn ngựa cứ thế trôi xuống.
Một người khác bên cạnh lại nhao ra giữ chân ngựa, rồi nhiều người cùng với vào giữ đuôi, giữa yên cương ngựa. Nhưng tất cả đều bị lôi theo cùng ngựa Bạch Long.
Chỉ sơ sẩy một chút thôi là cả ngựa lẫn người đều có thể mất mạng. Lợi dụng khi vừa tới bờ rãnh nước, rãnh bớt sâu hơn là mọi người cùng hợp sức kéo ngựa Bạch Long, may mắn giữ được ngựa lại ngay bên rìa rãnh.
Thật tội nghiệp cho chú ngựa đáng yêu. Nguy hiểm vừa qua, mọi người trấn tĩnh lại rồi cùng nhau bàn luận về sự việc, cùng khen ngợi những người dũng cảm nhưng không ai nhớ đến phải an ủi chủ ngựa đáng thương vừa chịu một phen kinh hồn bạt vía.
Cái kết thê thảm của Bạch Long
5 năm thấm thoắt trôi qua, Tây Du Ký cuối cùng cũng hoàn thành. Sau khi kết thúc quay phim thì tôi cũng phải từ biệt ngựa Bạch Long thân yêu.
Tôi không thể nào chăm lo cho ngựa nữa nên mới đành nhìn Bạch Long rời xa đoàn phim, không biết ngựa bị người ta đem đi đâu.
Sau này, tôi nghe nói chú về với nhân viên quản lý đạo cụ của chúng tôi và cùng chuyển đến Vô Tích. Rồi lại nghe nói chú bị người ta treo biển "Bạch Long Mã của Tây Du Ký" rồi đem trưng bày thu tiền.
Du khách bỏ một khoản nhất định sẽ được chụp ảnh cùng chú, bỏ nhiều hơn sẽ được cưỡi lên chú, hơn nữa thì được đi dạo một vòng. Nghe tin này mà tôi sững người, ngựa Bạch Long đã bị người ta đem ra làm công cụ kiếm tiền ư? Nó là anh hùng của Tây Du Ký kia mà.
Nó đã khổ sở suốt 5 năm trời, chịu bao gió mưa giông bão, lên núi xuống bể, vào sinh ra tử bao lần. Đáng lẽ nó không phải chịu kết cục như vậy.
Nhưng bản thân tôi bất lực tòng tâm, nào có quyền lực gì để đòi lại công bằng cho ngựa. Lần gặp lại Bạch Long đã làm tôi cảm nhận được hết sự lạnh lùng của con người.
Năm 1996, tôi đến Vô Tích để quay phim Tây Thi và cũng để dò tìm tung tích ngựa Bạch Long. Lúc này tìm chú rất khó vì chẳng còn ai quan tâm đến Bạch Long Mã là gì nữa. Có rất nhiều người còn chẳng biết đến sự tồn tại của chú.
Sau đó tôi mới hỏi thăm được các nhân viên già, biết được chú đang ở cùng bầy ngựa trong chuồng. Tôi và vài người vào chuồng tìm chú nhưng chẳng thấy Bạch Long đâu. Trong bầy đều là những chú ngựa nâu ngựa đỏ cao lớn, không hề có con ngựa trắng nào.
Mãi tôi mới hỏi thăm được người quản lý và tìm thấy ngựa Bạch Long. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc: Chú ngựa còi cọc, gầy gò đến nỗi chẳng ra dáng ngựa, chú thấp bé đến nỗi đứng lẫn trong bầy ngựa cao to bị những con khác che lấp mất nên mới tìm không ra.
Hình ảnh đạo diễn Dương Khiết trong một lần đến thăm Bạch Long Mã
Đây là ngựa Bạch Long của chúng tôi ư? Tôi thật không thể tin nó lại ra nông nỗi này. Khi đến giờ cho ăn, chú lọt thỏm giữa bầy ngựa lớn không giành nổi chỗ tới máng ăn trông thật đáng thương.
Những con ngựa trẻ trung, khoẻ mạnh kia đều coi thường chú, bắt nạt chú, đẩy chú dạt sang một phía.
Ngựa Bạch Long chỉ có thể lủi thủi trốn vào một góc để không bị nhưng con ngựa khác giẫm đạp lên mình.
Chúng tôi đứng bên chuồng quan sát một lúc dâu và đau lòng phát hiện ra ngựa Bạch Long nãy giờ chẳng được một miếng ăn nào. Nó vừa già vừa yếu ớt, nếu không bị giẫm đạp tới chết thì cũng sẽ đói chết. Thật là một cảnh tượng thê thảm.
Tôi cảm nhận được nếu cứ thế này ngựa chẳng còn sống được bao lâu, đây có lẽ là lần cuối tôi được gặp ngựa Bạch Long. Tôi đành xin người quản lý dắt Bạch Long ra chụp một tấm ảnh coi như là lưu giữ lại kỷ niệm.
Tôi chua xót nói với Bạch Long: "Còn nhớ ta không? Chúng ta đều già cả rồi". Nhưng tôi thấy ngựa Bạch Long của tôi chẳng phản ứng gì, nó đã già tới mức không nhận biết được mọi việc xung quanh.
Tôi tức giận hỏi người quản lý: "Các anh có biết đây là Bạch Long Mã của Tây Du Ký không? Có thể chăm sóc nó tốt hơn một chút không? Lẽ nào anh không thấy lũ ngựa trẻ kia đều đang bắt nạt nó, nó còn không có nổi một miếng ăn. Lẽ nào không thể cho nó chút đồ ăn riêng?"
Ông ta mau miệng đồng ý rồi dắt Bạch Long sang một phòng khác, trong lòng có vẻ thấy kỳ lạ không hiểu vì sao những người này lại đi quan tâm đến một con ngựa già.
Sau khi chúng tôi đi. không biết ngựa Bạch Long đáng thương có được ăn uống đầy đủ hay không.
Đến năm sau tôi nghe tin ngựa Bạch Long đã qua đời, nó được chôn ngay tại nơi chẳng ai biết là đâu. Tôi thật nghẹn lời.
Tôi nhớ lại ngày quay phim tại trai ngựa ở Mông Cổ, chú ngựa trắng thật anh tuấn hoạt bát biết bao. Khi đó chú ngựa thật trẻ trung, thật vui vẻ. Chính tôi là người cướp nó ra khỏi bầy, bắt nó phải rời xa thảo nguyên quen thuộc, trải qua những ngày tháng quay phim rồi thành Bạch Long Mã.
Tuy ngựa Bạch Long cùng chúng tôi bôn ba bốn bể nhưng nó chẳng được tự quyết định số phận. Bạch Long Mã thì sao?
Cái danh hiệu này nghe có vẻ oai nhưng chẳng có tác dụng gì. Khi đã lợi dụng xong thì bị còn người vứt bỏ một cách lạnh lùng. Khi nó già yếu chẳng ai quan tâm chăm sóc rồi lặng lẽ chết đi. Nỗi lòng của nó ai hiểu được?
Thật ra, còn người có lẽ cũng chẳng khác gì, bản thân tôi cũng giống như chú ngựa già này. Đến khi chẳng còn giá trị lợi dụng thì ai còn quan tâm đến cuộc đời hay chuyện sống chết của tôi. Đến con người với nhau còn vậy, nói gì đến chú ngựa già chẳng biết nói năng kia.
Bài hát mở đầu nổi tiếng của Tây Du Ký 1986.