Tại phiên thảo luận "Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao phục vụ phát triển", phát biểu trước các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và trên 400 đại biểu là cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao và phụ trách công tác đối ngoại của các địa phương, Thủ tướng đề nghị các trưởng đại diện cơ quan Việt Nam ở nước ngoài cần thường xuyên suy nghĩ tìm hiểu cái gì có lợi cho đất nước thì phải báo ngay cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, kể cả điện trực tiếp cho Thủ tướng.
Làm ngay cái gì có lợi cho Tổ quốc
"Tôi rất lắng nghe các đồng chí. Việc gì có lợi cho Tổ quốc, tôi sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không thực hiện đến nơi đến chốn.
Thậm chí có những đề xuất của các đại sứ rất tốt nhưng về các bộ ngành lại triển khai trì trệ. Các bức điện, ý kiến, đề xuất cần được nghiên cứu, vận dụng.
Không phải lắng nghe rồi nhưng không giải quyết đến nơi đến chốn", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cơ quan đại diện ở nước ngoài, các cán bộ ngoại giao và thương mại là biểu hiện chân thực nhất, tối ưu hình ảnh và lợi ích của VN ở nước sở tại.
"Tôi xin nói rằng các đồng chí không phải cánh tay nối dài mà là tai mắt, là hình ảnh của VN.
Các đồng chí cần hòa đồng hơn nữa vào xã hội các đồng chí đang làm việc, để nắm rõ cấu trúc xã hội, các xu thế vận động và biết lợi ích của VN có thể có nằm ở lĩnh vực nào, khu vực nào, thậm chí doanh nghiệp nào, cá nhân nào.
[Hãy] hòa đồng với cộng đồng doanh nghiệp sở tại, biết sản phẩm nào của VN có thể tiêu thụ, kết thân với cộng đồng khoa học để tìm kiếm cơ hội về công nghệ cho đất nước. Đừng kín cổng cao tường quá", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng nói với các cán bộ ngoại giao rằng một số đại sứ nước ngoài ở Việt Nam từng đạp xe xuyên Việt, tìm hiểu ẩm thực VN, chủ động gặp gỡ các doanh nghiệp VN, thậm chí thả chim bồ câu nhân ngày rằm, cùng Thủ tướng Việt Nam đi nghe nhạc Trịnh Công Sơn..., hiểu văn hóa VN rất sâu sắc.
Vai trò quan trọng của ASEAN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng VN cần tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xây dựng các thể chế quốc tế.
Đặc biệt VN cần đóng một vai trò chủ chốt trong chương trình, thể chế của ASEAN, nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng.
Theo Thủ tướng, mặc dù còn nhiều khó khăn và cần những bước tiến dài hơn nữa, nhưng ASEAN sẽ là một trong những nền tảng hợp tác quốc tế quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất trong bảo vệ chủ quyền, an ninh, phát triển kinh tế xã hội và phát huy vị thế của VN trên trường quốc tế.
Tuy nhiên Thủ tướng cũng nêu rõ các cấp chưa coi trọng ASEAN, nhận thức ASEAN từ doanh nghiệp đến người dân còn rất sơ sài khi VN có nhận thức về cộng đồng ASEAN kém nhất trong 10 quốc gia thành viên.
Thủ tướng cho biết ở cấp độ khu vực, môi trường đối thoại luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường cho nước ta.
Theo Thủ tướng, VN nằm trong khu vực phát triển năng động nhưng cũng là nơi cạnh tranh địa chiến lược gay gắt của các cường quốc như chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ, sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc với chiến lược một vành đai, một con đường, chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản, và chiến lược hướng đông của Ấn Độ.
"Những năm gần đây cho thấy nguy cơ bất ổn của khu vực này đang ngày càng gia tăng, đặc biệt những mâu thuẫn về tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ trên Biển Đông và Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên hay nguy cơ khủng bố, xung đột trong nội tại các nước trong khu vực là những vấn đề gây bất ổn tác động trực tiếp đến hợp tác và phát triển kinh tế quốc tế của VN", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng trong giai đoạn mới của thế giới với những nguy cơ luôn thường trực và khó dự đoán, đòi hòi ngành ngoại giao phải làm chắc tay hơn nữa công tác dự báo chiến lược và luôn có sự nhạy bén thường trực và tinh thần thường trực để đối phó với những cú sốc bên ngoài.