Cái chết thầm lặng của những cây cổ thụ nghìn năm tuổi

Nguyễn Minh |

Những cây thông bristlecone đã đứng đây hơn một nghìn năm. Bộ rễ cứng cáp của chúng bám vào sườn núi đổ nát còn những cành cây xương xẩu vươn về phía bầu trời trên sa mạc khô cằn. Ít ai biết chúng đang chết dần từ bên trong.

Viên ngọc quý” của giới khoa học

Bên trong thân cây thông bristlecone, các vòng tròn đồng tâm kể câu chuyện về một biên niên sử mà chúng đã chứng kiến: Mọi cuộc tấn công mà chúng đẩy lùi, mọi khủng hoảng mà chúng phải chịu đựng.

Hơn một nghìn năm qua, các mô hình thời tiết đã thay đổi, các đế chế trỗi dậy và sụp đổ, các loài động vật xuất hiện, di cư rồi tuyệt chủng... Nhưng ở Thung lũng Chết, bang California, một trong những môi trường khắc nghiệt nhất hành tinh, thông bristlecone vẫn tồn tại.

Cho đến năm 2018, khi nhà khoa học Constance Millar đi theo đường mòn lên đỉnh Kính viễn vọng – điểm cao nhất tại Vườn quốc gia Thung lũng Chết, bà phát hiện hàng trăm cây thông bristlecone đang chết dần. Cảnh tượng này kéo dài đến hết tầm mắt của Millar.

Những lá kim trên cây chuyển sang màu cam cháy rực, vỏ thân cây chuyển sang màu xám. Bà Millar ước tính khoảng 60 - 70% các cây thông trên đỉnh Kính viễn vọng đã chết.

“Nó giống như bắt gặp hiện trường một vụ thảm sát”, bà Millar, nhà nghiên cứu sinh thái học làm việc cho Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ và đã nghiên cứu cây thông bristlecone trong suốt 40 năm qua bày tỏ.

Trong nghiên cứu mới được công bố vào đầu năm 2022, bà Millar và các nhà nghiên cứu sinh thái học chỉ ra rằng hai thập kỷ hạn hán, điều tồi tệ nhất trong 1.200 năm qua ở miền Tây nước Mỹ, đã làm cây cối suy yếu nghiêm trọng.

Bọ cánh cứng, vốn không phải là mối đe dọa với cây thông brsitlecone, nay cũng trở thành mối nguy với một quần thể bị suy yếu miễn dịch.

Sau hàng thiên niên kỷ đứng vững trước thảm họa, vấn đề biến đổi khí hậu do con người gây ra là vượt quá sức chịu đựng của các cây cổ thụ. Các nhà khoa học cho rằng, nhiệt độ tăng lên dẫn đến sự bùng nổ của các loài côn trùng có hại, khiến những cây thông bristlecone không còn đủ sức để tự bảo vệ mình.

Hiếm có sinh vật nào trên Trái đất sống lâu như những cây thông bristlecone. Cây cổ thụ sống lâu nhất ở đây được đặt tên là “Methuselah”, nhân vật sống lâu nhất trong Kinh thánh. Ngay những cây tương đối trẻ nằm trong Thung lũng Chết cũng có tuổi đời cao hơn thuốc súng, tiền giấy hay ngôn ngữ Anh.

Bí quyết sinh tồn của chúng là khả năng chịu đựng những hoàn cảnh mà các sinh vật khác không thể. Chúng lớn lên ở độ cao lớn hơn hầu hết các loài cây khác và phát triển mạnh ở các vùng đất nhiều đá, nham nhở trên các đỉnh núi hiểm trở. Hệ thống rễ chùm nhiều nhánh nhỏ và lá cây bé giúp chúng tận dụng tối đa lượng nước ít ỏi trong môi trường sa mạc.

Nhựa từ thân cây có độ đậm đặc cao có tác dụng “bẫy” côn trùng và nhanh chóng chữa lành vết thương. Bộ gen của thông bristlecone dài gấp 9 lần bộ gen người, chứa nhiều đột biến giúp chúng thích nghi tốt hơn với các điều kiện bất thường.

Những cây thông bristlecone cũng “che chở” cho nhiều sinh vật khác. Chúng tạo ra bóng râm cho nai sừng xám và cừu sừng lớn, là nơi trú ẩn của sóc chuột, thỏ khỏi kẻ săn mồi hay thời tiết khắc nghiệt. Chúng cũng giúp tuyết bám lại lâu hơn ở khu vực sườn núi cao của công viên, giúp giữ lại nước cho những tháng mùa hè tàn khốc.

Ngưỡng nguy kịch

Cái chết thầm lặng của những cây cổ thụ nghìn năm tuổi - Ảnh 2.

Thông bristlecone giúp các nhà khoa học tìm hiểu về lịch sử Trái đất hàng nghìn năm qua.

Thời gian tồn tại của thông bristlecone là vô giá đối với các nhà khoa học. Các vòng năm trong thân cây cho phép các nhà nghiên cứu tái tạo lại hồ sơ về khí hậu Trái đất từ hàng nghìn năm trước.

Lĩnh vực nghiên cứu này có tên là “dendrochronology” – khoa học nghiên cứu tuổi thọ của cây. Các vòng năm có thể tiết lộ thời điểm núi lửa phun trào, thời gian kéo dài hạn hán hay bão Mặt trời xảy ra khi nào...

Lưu giữ quá khứ của hành tinh, những cây thông bristlecone cũng là chìa khóa để hiểu về tương lai của nhân loại. Chúng nắm bắt sự tương tác giữa khí nhà kính, nhiệt độ tăng, mô hình thời tiết thay đổi và hệ sinh thái thay đổi. Chúng cho phép các nhà khoa học dự đoán những gì sẽ xảy ra nếu Trái đất tiếp tục ấm lên.

Mặc dù không thuộc nhóm có nguy cơ tuyệt chủng, những cây thông britslecone ở bang California đang chật vật để tồn tại. Mỗi cái cây biến mất không chỉ là sự mất mát đối với cảnh quan, mà còn là sự mất mát về đa dạng di truyền.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature vào tháng 7 cho thấy, biến đổi khí hậu đã đẩy gần 1/4 các khu rừng được bảo vệ tốt nhất trên Trái đất đến “ngưỡng nguy kịch”. Đó là ngưỡng mà các khu rừng mất khả năng phục hồi nên ngay cả một đợt hạn hán nhỏ hoặc một đợt nắng nóng kéo dài cũng đủ khiến chúng lâm vào tình cảnh nguy hiểm.

Thông britslecone cũng không phải nạn nhân duy nhất. Cây cự sam Sequoias, nằm trong Công viên quốc gia Sequoia, bang California, đã sống hơn 3 nghìn năm. Thân cây có đường kính dài bằng 2 chiếc ô tô còn các nhánh của chúng vươn cao như thể sẽ chọc thủng trời xanh.

Tuy nhiên, cách đây vài năm, giữa đợt hạn hán kỷ lục, một số cây cự sam Sequoias đã chết đi theo cách khoa học chưa từng ghi nhận – héo rũ từ trên xuống. Khi các nhà khoa học trèo lên tán cây, họ phát hiện những con bọ bám chặt vào vỏ cây và khoét sâu vào trong thân cây để hút chất dinh dưỡng.

Còn ở Bờ Đông nước Mỹ, các quần thể tuyết tùng cũng bị đe dọa bởi sự xâm nhập mặn do nước biển dâng lên. Một loại sồi quý hiếm khác cũng đang “thoi thóp” trên các sa mạc của bang Texas, khi thời tiết ngày càng nóng và khô hơn.

Nếu thông bristlecone, sinh vật có sức chống chịu tốt nhất với thiên nhiên, lại không thể đối phó với biến đổi khí hậu, điều gì sẽ xảy ra với phần còn lại của sự sống trên hành tinh này?

“Thật khủng khiếp khi chứng kiến một quần thể bị tuyệt chủng. Tất cả vật chất di truyền độc đáo, sản phẩm của hàng nghìn năm qua, nếu không muốn nói là hàng triệu năm tiến hóa, đã biến mất mãi mãi”, bà Constance Millar bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại