'Cái chết của thỏa thuận ngũ cốc và thế kẹt của Nga'

Nguyễn Ngọc |

GD&TĐ - Chuyên gia cho rằng, Nga đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan với thỏa thuận ngũ cốc khi không được hưởng lợi mà vẫn duy trì thỏa thuận này.

Phương Tây không thực hiện trách nhiệm

Bài viết trên trang politika.ru của Nga ngày 14/7 cho biết, vào đầu tuần tới, vào ngày 17 tháng 7, Thỏa thuận Ngũ cốc gây tranh cãi lớn đối với Nga sẽ kết thúc.

Vào đêm trước ngày X (ngày kết thúc thỏa thuận), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã gửi một bức thư tới Tổng thống Nga Vladimir Putin với các đề xuất thực hiện phần của Nga trong thỏa thuận ngũ cốc.

Theo politika.ru, trong bức thư này, phương Tây cùng với Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng, Moscow nên kéo dài thời hạn của sáng kiến ​​xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine. Vậy tại sao phương Tây và Ankara lại nhấn mạnh như vậy? Và Nga đang ở thế kẹt như thế nào?

Mọi người từ lâu đã biết quan điểm của Nga về Thỏa thuận Ngũ cốc: Nếu các yêu cầu của Moscow không được đáp ứng, Nga sẽ rút khỏi “Sáng kiến ​​​​Biển Đen” (tên gọi khác của Thỏa thuận Ngũ cốc).

Vào tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói trong cuộc gặp với các phóng viên chiến trường rằng, Moscow hiện đang nghĩ đến việc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.

Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần chỉ ra sự vô lí của các thỏa thuận được ký kết vào tháng 7 năm 2022 bởi đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hợp Quốc, Nga và Ukraine.

Phần đầu tiên liên quan đến việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ ba cảng của nước này trên Biển Đen, phần thứ hai là hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.

Điện Kremlin tuyên bố rằng, phần thứ hai thứ hai của thỏa thuận đã không được thực hiện, trong khi Moscow luôn tuân thủ và đã hoàn thành nghĩa vụ của mình thì phương Tây không thực hiện trách nhiệm của họ, điều này khiến Liên bang Nga phải cân nhắc rút khỏi thỏa thuận.

Hơn nữa, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn thông báo rằng, những hành lang mà Nga mở cho các con tàu đi dọc theo đó để ra ngoài Biển Đen thường xuyên bị Ukraine sử dụng để phóng máy bay không người lái tấn công vào bán đảo Crimea và tàu chiến của Nga thuộc Hạm đội Biển Đen.

"Phương Tây đã lừa dối Nga và cộng đồng quốc tế"

Khi đề xuất thỏa thuận này, phương Tây đã đưa ra một ý tưởng khá hợp lý và đầy tính nhân đạo khi tuyên bố tất cả các sản phẩm thực phẩm sẽ được gửi đến các nước nghèo, nhưng trong thực tế theo báo Nga, đây chỉ là tuyên bố giả tạo, che giấu mục đích thực sự của phương Tây và Ukraine.

Trở lại vào tháng 4 năm nay, DC Weekly đã xuất bản một bài báo với tiêu đề “Rủi ro trong thỏa thuận ngũ cốc: Phương Tây đã lừa dối nước Nga như thế nào?”. Trong bài báo của mình, nhà phân tích Jeff Rizzone đã chỉ ra rằng, phương Tây đã thiếu trung thực trong thỏa thuận với Nga.

Tác giả Jeff Rizzone lưu ý rằng, hầu hết lương thực của Ukraine vận chuyển qua hành lang Biển Đen được chạy thẳng sang các nước EU (khoảng 50%), 25% khác được xuất khẩu tới các nước có thu nhập trung bình cao và không quá 25% thực phẩm đến đích như dự định ban đầu (các nước nghèo).

Một nghiên cứu hồi tháng 2 từ một ấn phẩm của Áo đã xác nhận điều này. Hầu hết ngô của Ukraine cuối cùng lại được dùng làm thức ăn cho lợn ở Tây Ban Nha và xuất khẩu lúa mì tràn ngập các thị trường Đông Âu.

Theo các số liệu chính thức, ba quốc gia là Trung Quốc, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước hưởng lợi nhiều nhất từ ​​thỏa thuận này. Các quốc gia giàu có này được cho là đã nhận được hơn một nửa số hàng hóa được vận chuyển từ Ukraine theo “Sáng kiến ​​Biển Đen”.

Một minh chứng khác là theo cơ sở dữ liệu của UN Comtrade (cơ sở dữ liệu thương mại của Liên Hợp Quốc), xuất khẩu nông sản của Ukraine sang Romania, Ba Lan, Hungary và Slovakia đã tăng vọt từ 24 triệu USD năm 2021 lên 2,4 tỷ USD vào năm 2022.

Đáng chú ý là các nước kém phát triển nhất và các nước có thu nhập thấp bị thiếu lương thực nghiêm trọng chỉ nhận được 11% hàng hóa.

Tuy nhiên, cảm nhận được sự bấp bênh về kỳ hạn tiếp theo của thỏa thuận, chính các nước phương Tây bắt đầu lo lắng, thậm chí là ngay cả khi họ cáo buộc Liên bang Nga cản trở việc thực hiện Sáng kiến ​​​​Biển Đen, trong khi chính các biện pháp trừng phạt mà họ đã áp đặt và hành vi gian dối của họ mới là nguyên nhân thực sự.

Phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi lớn từ Sáng kiến Biển Đen

Theo chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ Kerim Has, chúng ta không thể bỏ qua vai trò của một người hưởng lợi khác là Ankara, chính là nước đóng vai trò trung gian cho sáng kiến này.

Sau hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 11-12/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bất ngờ tuyên bố, ông và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã thảo luận về vấn đề gia hạn thỏa thuận ngũ cốc với một số điều khoản mở rộng là những đề xuất mới của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Điều thú vị là Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thẳng thừng tuyên bố là ông “không biết về bất kỳ đề xuất mới nào”.

Theo ý kiến của nhà khoa học chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Kerim Has, có thể thấy rằng phương Tây bắt đầu cố gắng xoa dịu những bất đồng và thu hẹp những khác biệt với Nga.

Theo đại diện chính thức của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric, mục đích của bức thư mà ông Guterres gửi tới ông Putin (kèm theo một số đề xuất về việc thực hiện phần của Nga trong thỏa thuận) là nhằm tháo gỡ những trở ngại đối với các giao dịch tài chính thông qua Ngân hàng Nông nghiệp Nga.

Bất cứ ai cũng sẽ nhận thấy một sự mâu thuẫn nhất định khi phương Tây không muốn giao dịch trực tiếp với Nga (các biện pháp trừng phạt là bằng chứng cho điều này), nhưng họ lại là bên đầu tiên muốn nhận được lợi ích về mình và điều đó trùng hợp với quan điểm lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mọi thứ đều rõ ràng với mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này chủ yếu mua ngũ cốc từ Nga và Ukraine (theo số liệu của Liên Hợp Quốc, 10% ngũ cốc của Ukraine được giao theo Thỏa thuận N​​gũ cốc là đến thị trường Thổ Nhĩ Kỳ). Rõ ràng là Ankara đã thu lợi rất lớn về mặt kinh tế.

Thứ hai, đây là một trong những thỏa thuận quan trọng mà Ankara nói chung và Tổng thống Erdogan nói riêng đóng vai trò chủ đạo. Sự thành công của nó sẽ giúp nâng cao vị thế quốc tế của của đất nước này và uy tín cá nhân ông Erdogan, giúp nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhận được sự tán thưởng của phương Tây.

Như vậy, chính phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ mới là bên hưởng lợi nhiều nhất từ Sáng kiến Biển Đen, còn Nga hầu như chẳng có lợi ích gì. Vậy tại sao Liên bang Nga chấp thuận và nhiều lần đồng ý gia hạn thỏa thuận ngũ cốc? Điều này xuất phát từ nhiều khía cạnh.

"Nga bị kẹt trong ván cờ ngũ cốc trên Biển Đen"

Theo vị chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ, điều Moscow lo ngại là nếu Nga rút khỏi thỏa thuận, có nguy cơ các nước đứng đầu NATO (chủ yếu là Mỹ và Anh) có thể cử tàu chiến tới Biển Đen để hộ tống các tàu chở ngũ cốc của Ukraine và nước ngoài.

Có một vấn đề khúc mắc là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có cho phép tàu chiến nước ngoài đi qua eo biển Bosphorus hay không. Ankara sẽ rơi vào thế khó. Nếu Ankara cho phép đi qua, thì phản ứng tiêu cực từ Moscow sẽ xảy ra, ngược lại, thì Erdogan có thể gặp vấn đề với phương Tây và NATO.

Chuyên gia tin rằng Nga hiểu rõ tất cả những điều này, sẽ không muốn đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào thế khó. Nếu bị buộc phải lựa chọn một trong hai phương án, rõ ràng là ông Erdogan sẽ chọn phương Tây.

Điều này được cho là rủi ro đối với Nga, vì việc tàu chiến nước ngoài gia tăng hoạt động trong Biển Đen có thể dẫn đến các hành động khiêu khích ở gần Crimea.

Điều này có thể có nguy cơ kích động một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga.

Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, chính vì lí do như vậy mà Moscow cũng sẽ không muốn rời khỏi thỏa thuận ngũ cốc, trong khi phương Tây cũng muốn duy trì thỏa thuận này.

Dữ liệu thống kê cho thấy thực phẩm chủ yếu được chuyển đến các nước phương Tây. Điều này cho thấy rõ ràng là khi thúc đẩy hiệp định, các nước này đã tính đến lợi ích của chính họ. Nhưng có một điểm quan trọng nữa khiến phương Tây cũng muốn duy trì thỏa thuận này.

Kerim Khas chỉ ra, điều quan trọng đối với Liên minh Bắc Đại Tây Dương là duy trì ít nhất một kênh liên lạc mở với Nga thông qua một quốc gia NATO vì lợi ích của phương Tây. Do đó, các quốc gia hàng đầu của NATO vẫn nỗ lực duy trì sợi dây liên lạc của ông Erdogan với ông Putin.

Kerim Has cho biết, với những bước đi khó lường gần đây của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đang phải đối mặt với vấn đề lớn vì sự tính toán của Ankara.

Trong hơn 1 năm qua, Nga những bất ngờ như vậy ngày càng thường xuyên hơn, ví dụ như Ankara vẫn ủng hộ chủ quyền của Kiev với Crimea, xây dựng nhà máy sản xuất UAV ở Ukraine và gần đây là vụ thả về nước 5 chỉ huy của tiểu đoàn dân tộc cực đoan Azov.

Vị chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, Moscow sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn từ Ankara trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại