Cái chết của cô dâu Pakistan: Vạch trần tội ác cùng cực mà họ phải chịu đựng khi bị gia đình bán sang Trung Quốc để làm nô lệ “đội lốt” vợ

JIA YOU |

Những kẻ buôn người thường nhắm vào gia đình nghèo khổ, dùng tiền mua chuộc để họ đưa con gái và em gái, một số còn ở độ tuổi vị thành niên kết hôn với những người đàn ông Trung Quốc nhưng nhận lại cái kết ê chề.

Bị gia đình bán cho một người đàn ông Trung Quốc và bắt đầu cuộc sống làm vợ, nhưng chỉ hai tháng sau, Samiya David đã trở về Pakistan với một hình hài không thể nhận ra do suy dinh dưỡng, ốm yếu, đi lại không dễ dàng nên phải ngồi xe lăn, thậm chí cả lời nói cũng không thể tròn vành rõ chữ.

“Đừng hỏi bất cứ điều gì xảy ra với tôi ở đó”, đây là câu trả lời duy nhất của Samiya David khi những người thân trong nhà hỏi thăm. 

Vài tuần sau, Samiya David qua đời. Cái chết bí ẩn của cô đã làm tăng thêm bằng chứng về tình trạng ngược đãi và lạm dụng đối với phụ nữ và trẻ em Pakistan bị bán sang Trung Quốc làm cô dâu.

Cái chết của cô dâu Pakistan: Vạch trần tội ác cùng cực mà họ phải chịu đựng khi bị gia đình bán sang Trung Quốc để làm nô lệ “đội lốt” vợ - Ảnh 1.

Các cuộc điều tra của Associated Press (AP) phát hiện ra những kẻ buôn người thường nhắm vào những cộng đồng Công Giáo nghèo khổ, dùng tiền mua chuộc những gia đình tuyệt vọng để họ đưa con gái và em gái, một số còn ở độ tuổi vị thành niên kết hôn với những người đàn ông Trung Quốc.

Khi đến Trung Quốc, những người phụ nữ này thường bị cô lập, bị bỏ rơi, bị lạm dụng, thậm chí có những người bị bán vào động mại dâm, thường xuyên gọi điện thoại về nhà cầu cứu xin được quay về quê hương. 

Một số phụ nữ đã nói với AP và các nhà hoạt động rằng, có đôi lúc họ bị bỏ đói, không được cho ăn uống.

AP đã có trong tay danh sách 629 thiếu nữ và phụ nữ Pakistan bị bán sang Trung Quốc vào năm 2018 và đầu năm 2019. 

Danh sách này được tổng hợp bởi các nhà điều tra Pakistan trong quá trình truy quét mạng lưới buôn người. 

Tuy nhiên, các nhà hoạt động giải cứu những người phụ nữ này sợ rằng hành động của họ sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan.

Em họ của Samiya David - Masih nói rằng: “Những người nghèo ở đây đã bất chấp bán con gái cho Trung Quốc để lấy tiền, và bên kia muốn làm gì thì làm, không một ai ở đó để chứng kiến chuyện gì xảy ra với các cô gái. 

Đây là một sự tàn nhẫn, chúng tôi đều là những người nghèo”.

Cái chết của cô dâu Pakistan: Vạch trần tội ác cùng cực mà họ phải chịu đựng khi bị gia đình bán sang Trung Quốc để làm nô lệ “đội lốt” vợ - Ảnh 2.

Cái chết của Samiya David ở tuổi 37 đã vạch trần tội ác cùng cực của những người phụ nữ bị bán sang Trung Quốc làm dâu. 

Những người phụ nữ này khi sang nơi đất khách đã bị cắt đứt mọi liên lạc với gia đình, họ không có sự hỗ trợ, không thể dựa dẫm vào ai, và đặc biệt bị lạm dụng về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có những người bị cưỡng hiếp. 

Các nhà hoạt động nói rằng, họ nhận được báo cáo ít nhất có một cô dâu Pakistan bị giết ở Trung Quốc nhưng không thể xác nhận.

Giờ đây, David hiện đang nằm yên nghỉ trong một ngôi mộ không tên tại nghĩa trang nhỏ, xung quanh toàn là cỏ dại ở gần ngôi làng Mazaikewale tại miền Đông, Pakistan.

Trước khi kết hôn, Samiya David sống trong một căn nhà hai phòng chật chội với anh trai Saber và người mẹ ở Francisabad Colony, một khu dân cư xập xệ tại Gujranwala, thành phố Punjab. Đứng trước sự xúi giục của mục sư địa phương, anh trai cô đã lấy tiền từ những người môi giới và ép cô kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc.

Vài tháng sau đám cưới, cô và người chồng rời Pakistan đến Trung Quốc. Sau đó, mục sư đã bị bắt với cáo buộc hợp tác với những kẻ buôn người. 

“Lúc rời đi, cô ấy vẫn còn rất khỏe mạnh. Cô ấy vẫn tràn đầy sức sống”, Masih nhớ lại.

Được biết, chồng David đến từ một vùng nông thôn nghèo ở phía Đông tỉnh Sơn Đông. Tại đây vẫn còn tồn tại những văn hóa bảo thủ như trọng nam khinh nữ. 

Ngoài ra, với chính sách kiểm soát dân số nghiêm ngặt của Trung Quốc, người dân chỉ chọn sinh những bé trai và theo thời gian, nhu cầu kiếm vợ ngoại quốc ngày càng tăng lên. 

Nhìn chung, hiện tại số nam giới ở Trung Quốc nhiều hơn nữ giới 34 triệu người.

Cái chết của cô dâu Pakistan: Vạch trần tội ác cùng cực mà họ phải chịu đựng khi bị gia đình bán sang Trung Quốc để làm nô lệ “đội lốt” vợ - Ảnh 3.

Sau hai tháng rời xa quê hương, anh trai David bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại bảo rằng đến đón em gái ở sân bay Lahore. 

Cuối cùng, David đã trở về nhà, nhưng ngồi trên xe lăn, cô không còn sức để có thể đi lại như người bình thường.

AP đã gặp David vào cuối tháng 4 vừa qua tại quê nhà ở khu dân cư Fancisabad Colony. Cô đã cho mọi người xem bức ảnh chụp từ 6 tháng trước. 

Lúc ấy, David còn khỏe mạnh, cô mặc váy cưới màu trắng, cười tươi tràn đầy sức sống bên người chồng Trung Quốc. 

Tuy nhiên, David vào tháng 4 ấy lại vô cùng hốc hác, nước da sạm hẳn, thân hình chỉ còn da bọc xương, thậm chí trong quá trình nói chuyện, David khiến người đối diện khó hiểu vì diễn đạt không mạch lạc, tròn vành rõ chữ.

Khi được hỏi về đám cưới hoặc thời gian ở Trung Quốc, David bắt đầu mất tập trung, lời nói cũng lảng sang chuyện khác, và có lúc cô đứng lên pha trà, lẩm bẩm gì đó, sau đó bước qua bước lại rồi nói rằng mình vẫn ổn. 

“Tôi ổn, tôi ổn”, đó là câu mà David lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian nhất định. 

Khi được hỏi tại sao cô trông khác so với lúc mới sang Trung Quốc, cô ấy chỉ nhìn chằm chằm vào không gian xa xăm rồi nói: “Không có chuyện gì xấu xảy ra với tôi cả”.

Vài ngày sau đó, David qua đời. Chính xác là cô mất ngày 1 tháng 5.

Bác sĩ Meet Khan Tareen, người từng điều trị cho David ở Lahore chia sẻ rằng, khi trở về quê, David rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng. 

Cô ấy bị thiếu máu, bị vàng da. Các xét nghiệm sơ bộ cho thấy cô ấy đã mắc một số bệnh bao gồm suy nội tạng và cần nhập viện gấp để theo dõi.

Giấy chứng tử mà anh trai David nhận được có nói rằng nguyên nhân tử vong là tự nhiên. Anh trai David từ chối nói chuyện với cảnh sát về em gái mình. 

Khi AP liên lạc với anh vào tháng 11 vừa qua, anh nói rằng không có khám nghiệm tử thi, ngoài ra anh đã để mất các tài liệu có liên quan đến đám cưới, bản sao hộ chiếu của người chồng và cả những bức ảnh của David. 

Em họ David - Masih thẳng thừng chia sẻ, họ muốn che giấu mọi thứ bởi vì họ đã bán David để lấy tiền.

Cái chết của cô dâu Pakistan: Vạch trần tội ác cùng cực mà họ phải chịu đựng khi bị gia đình bán sang Trung Quốc để làm nô lệ “đội lốt” vợ - Ảnh 4.

Một quan chức chính phủ cấp cao giấu tên nói về các cuộc điều tra trong việc buôn bán cô dâu, họ có thể bán con gái của mình ngay cả khi họ phát hiện cuộc hôn nhân tồi tệ hoặc con mình sẽ phải chịu khổ. 

Đứng trước tình hình này, họ thà bỏ qua còn hơn bị mất mặt trước bạn bè và gia đình họ hàng.

Một Nhà hoạt động Salim Iqbal là một trong những người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn buôn bán cô dâu đã liên lạc với một số phụ nữ Pakistan ở Trung Quốc thông qua ứng dụng tin nhắn Wechat và phát hiện nhiều người bị đối xử tệ bạc. 

Theo lời Iqbal, một cô gái nói rằng chồng cô không chu cấp thực phẩm lẫn thuốc thang.

Một phụ nữ khác tên Samia Yousaf, bị ép lấy chồng từ năm 24 tuổi cũng kể cho AP về việc mình bị lạm dụng ở Trung Quốc. 

Sau khi cùng chồng đến Trung Quốc, Yousaf mang thai. Cuộc sống ở nhà chồng không như những gì cô được hứa hẹn, nhà chồng không giàu có, họ sống trong căn phòng nhỏ bên rìa cánh đồng và có rất nhiều nhện.

Sau khi sinh con bằng phương pháp mổ, em gái chồng không cho cô ôm con. Chồng cô cũng không cho cô cho con bú cho đến khi bác sĩ phải can thiệp. 

Cô không thể đi lại nhưng không hề có sự giúp đỡ, bác sĩ yêu cầu chồng dẫn cô đi dạo và người chồng liên tục để cô ngã và không giúp cô đứng dậy. 

Sau khi xuất viện, Yousaf tiếp tục bị lạm dụng về thể xác. Chồng không cho cô ăn. “Anh ta thật độc ác, tôi nghĩ anh ta muốn giết tôi”, Yousaf nhớ lại.

Ba tuần sau, các nhà chức trách đe dọa sẽ tống giam Yousaf vì visa của cô hết hạn. Người chồng độc ác đã giữ hộ chiếu của cô. 

Quá sợ hãi, cô năn nỉ chồng để cô và con trai trở về quê hương. Tuy nhiên, người chồng không chịu giao đứa bé. Ngoài ra, cô còn phát hiện tên mình không có trong giấy khai sinh của đứa trẻ.

Lần cuối cùng cô gặp con vào tháng 9 năm 2017. “Mỗi ngày tôi đều nghĩ về đứa con của mình, tự hỏi rằng con sống ra sao, những lúc như thế, trái tim tôi lại quặn đau”, Yousaf bất lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại