Kỳ 2: Tai nạn lúc 2 giờ sáng
Những người leo núi leo lên khu vực Nút cổ chai năm 2014. Một vách đá băng khổng lồ treo lơ lửng trên đầu họ. Ảnh: Alan Arnette
Phía trước, đội buộc dây đang tranh thủ thời gian. Nhưng vài người leo núi phía trước Harila đã dừng lại. Để kiểm tra nguyên nhân tắc nghẽn, nhóm của cô bắt đầu vượt qua những người leo núi khác để đến đầu hàng.
Là một trong ba người đầu tiên xếp hàng trên K2, một người leo núi tên Doe là một trong số ít người đầu tiên nhìn thấy cảnh người khuân vác Mohammad cận kề cái chết. Trong bóng tối, họ có thể nhìn thấy một bóng người bị mắc kẹt bên dưới con đường mòn.
Doe cho biết người này bị treo ngược, bụng bị hở. Đó là Mohammad. Anh đã rơi xuống một đoạn dốc nguy hiểm của K2, nơi các sườn dốc nghiêng khoảng 70 độ và tràn ra xa bên dưới. Nằm cách đỉnh núi khoảng hai giờ, nó trải dài 500 mét và những người leo núi phải đi bộ, giữ thăng bằng ở bên sườn cực dốc để tới đích.
Doe cho biết người khuân vác bị treo lơ lửng ở đó, không thể tự chủ được, cách con đường mòn khoảng 5 mét.
Một người đồng hành của Mohammad đứng xa hơn trên con đường núi, dường như không biết làm cách nào để giải cứu. Anh này cũng là người khuân vác cho đội buộc dây.
Doe nhìn thấy một chiếc vít băng giữ những sợi dây cố định đã bị lỏng gần Mohammad, cho thấy rằng nó có thể đã bị giật ra khi anh ngã. Doe cho biết thêm rằng một thiết bị cầm tay để kẹp những sợi dây cố định vẫn lủng lẳng trên những sợi dây neo phía trên.
Tại sao Mohammad lại không thể làm gì sau khi rơi chỉ vài mét vẫn chưa rõ ràng. Ở độ cao 8.000 mét trở lên, bệnh say độ cao có thể xảy ra hoặc phù phổi hoặc não khi chất lỏng tràn vào phổi hoặc não. Các tình trạng bệnh lý đã có từ trước cũng có thể gây tử vong ở vùng núi.
Doe cho biết khi Mohammad lộn ngược, quần áo của anh ấy bắt đầu tuột ra và quấn quanh thân trên, để lộ phần bụng dưới. Harila nói thêm rằng chân Mohammad bị quấn trong dây thừng.
Quần áo của anh cũng có vẻ kỳ lạ đối với cả hai người leo núi. Mohammad không mặc bộ đồ che phủ toàn bộ cơ thể mà người leo núi thường mặc để giữ ấm. Không ai có thể leo K2 mà không có bộ quần áo này.
Harila cũng nói rằng Mohammad không mang bình dưỡng khí bổ sung - một thiết bị cần thiết khác khi leo núi cao. Thậm chí, anh còn không có găng tay.
Harila và nhóm quyết định giúp đỡ Mohammad, vì nhóm họ là có những nhà leo núi và những người Sherpa khỏe nhất.
Vị trí của Mohammad lúc 2 giờ 15 sáng. Ảnh: Doe
Nỗ lực này sẽ mất nhiều giờ và những người cứu hộ vốn đã kiệt sức phải di chuyển thận trọng, đặc biệt khi mỏ neo băng không còn được cố định chắc chắn. Những con dốc nguy hiểm kéo dài hàng trăm mét bên dưới. Nếu bất cứ ai trượt chân, gần như chắc chắn sẽ chết.
Cả hai nhà leo núi cho biết, ngay từ đầu cuộc giải cứu, một thanh niên Sherpa đã cố gắng thêm một chiếc vít băng khác nhưng bị trượt chân trong lớp tuyết mới.
Mọi người đã tìm cách lắp thêm vít băng, buộc chặt thêm dây vào Mohammad, xoay anh lại và kéo anh lên từng cm một.
Harila cho biết khi những người leo núi kéo Mohammad ra khỏi con dốc, người khuân vác này ít nhất vẫn tỉnh táo một phần và kêu lên như thể nói rằng mình không ổn. Họ đã đưa cho Mohammad bình dưỡng khí và cố gắng trấn an anh.
Trong khi đó, hàng người đang xếp thành phía sau Doe. Do cuộc giải cứu Mohammad, không ai có thể đi lên được.
Vài phút sau, trận tuyết lở ập đến. Đó là khoảng 3 giờ sáng khi Westlake và Friere đến khu vực The Shoulder, vùng cao nguyên được coi là Trại 4. Tuyến đường chật kín người leo núi.
Dọc theo nhóm người leo núi, nỗi lo lắng bắt đầu xuất hiện. Cuộc giải cứu Mohammad đã chặn đoàn người leo núi và Mohammad đã rơi ngay bên ngoài Nút cổ chai - một rãnh đá dốc cao 100 mét và được coi là phần nguy hiểm nhất của con đường đi lên đỉnh.
Hầu hết mọi người leo núi giờ đây đều bị mắc kẹt bên trong Nút cổ chai hoặc ở lối ra. Chỗ này nằm ngay dưới cột băng tuyết, khiến nó đặc biệt không an toàn khi các mảnh băng vỡ ra.
Các mảnh vỡ từ cột băng tuyết có thể rơi xuống rãnh, cuốn sạch những sợi dây cố định và về cơ bản giết chết bất kỳ ai bị mắc kẹt bên trong.
Có lẽ những người leo núi có thể giãn ra và đi xuống chờ đợi. Tuy nhiên, họ đã không làm thế hoặc không thể làm được. Quy mô của đám đông ở Nút cổ chai, sự thiếu kinh nghiệm của nhiều người leo núi ở đó, màn đêm tối và sự bối rối về tai nạn của Mohammad đã khiến khó mà tổ chức giải tán đám đông leo núi.
Friere cho biết: “Đôi khi người ta mắc phải chứng bệnh gọi là cơn sốt leo lên đỉnh núi. Bạn nghĩ rằng vì có nhiều người nên bạn được an toàn, vì mọi người đều làm những việc giống nhau. Nhưng không phải vậy”.
Tại The Shoulder và nhìn vào màn đêm, Westlake và Friere không hề biết chuyện gì đang xảy ra trên đường đi, càng không biết Mohammad đã ngã xuống như thế nào. Friere phỏng đoán nhóm ở phía trên có thể đã không mang thêm dây thừng.
Anh quyết định vòng qua những người leo núi trên Nút cổ chai và mang thiết bị lên. Nhưng khi Friere đang đo khoảng cách lên đỉnh, Westlake nhìn thấy tuyết rơi ầm ầm.
Friere nhìn lên và thấy bức tường tuyết trắng đang tiến về phía mình. Trận tuyết lở đã không ập xuống khu vực Nút cổ chai, tránh được thảm họa lớn. Trận tuyết lở cũng chỉ cuốn theo tuyết xốp.
Vào thời điểm trận tuyết lở lắng xuống, cả Westlake và Friere đều bị tuyết vùi đến đầu gối. Họ đã hủy bỏ nỗ lực lên đỉnh K2. Những trận tuyết lở khác nhỏ hơn xảy ra vào đêm đó, khiến ít nhất ba công ty phương Tây hủy hoạt động leo núi do rủi ro, đưa khách hàng xuống núi.
Trong số những người trở về sớm có các nhà leo núi người Áo Wilhelm Steindl và Philip Flämig thuộc công ty Furtenbach Adventures. Đây là những người sau này đã đưa ra những cáo buộc gây chấn động thế giới.
Ở phía trên, nhóm của Harila nhận được các cuộc gọi vô tuyến từ những người buộc dây. Harila cho biết: “Đội buộc dây đang ở gần nơi xảy ra trận tuyết lở. Chúng tôi đã liên lạc với họ qua radio và được biết họ đang gặp sự cố”.
Hiện tại có hai thảm họa tiềm tàng cần được quan tâm. Lúc đó là 3 giờ 30 sáng, khoảng 90 phút kể từ khi Mohammad được tìm thấy trên đường, nhưng điều kiện khắc nghiệt khiến anh vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm.
Thế là đội của Harila chia ra. Cô và Tenjen tiến lên phía trước để kiểm tra những người buộc dây, trong khi Tarso ở lại để giúp Mohammad.
Cùng với người bạn đồng hành của Mohammad và một người Sherpa khác, Tarso cuối cùng đã đưa Mohammad ra được lối đi. Nhưng người khuân vác không thể nói hay tự di chuyển được nữa.
Trong khi đó, Harila cho biết cô và Tenjen đã gặp những người buộc dây dọc theo con đường và nhận ra rằng họ không sao.
Cuộc tranh cãi bắt nguồn từ những khoảnh khắc tiếp theo. Khi mọi người đưa Mohammad di chuyển vào lối đi, tình trạng tắc nghẽn thêm nghiêm trọng.
Một người Sherpa đã xem xét phía trước và nhìn thấy một con đường không có người nên đã dẫn họ đi tiếp. Bầu không khí thật căng thẳng. Những người leo núi khác sau khi đã chờ đợi hàng giờ dưới cột băng tuyết, đều muốn thoát khỏi nguy hiểm.
Đoàn người bắt đầu tiến về phía trước, trong khi Tarso ở lại với Mohammad và người bạn đồng hành, cố gắng sưởi ấm cho người khuân vác. Nhưng khoảng nửa giờ sau, bình oxy mà Tarso đưa cho Mohammad đã gần hết.
Một bình khác đang ở chỗ người Sherpa đi theo Tarso và người này thuộc đội buộc dây đang tiến đến đỉnh K2. Vì vậy Tarso rời đi tìm người Sherpa này để lấy bình dưỡng khí, trong khi người bạn đồng hành của Mohammad ở lại với người khuân vác đang hấp hối.
Kỳ cuối: Đoạn video gây chấn động