Cái chết bí ẩn của phi hành gia Gagarin: Một sai lầm quá lớn?

Đại tá Trần Danh Bảng |

Có thể lí do khiến vụ tai nạn của Gagarin bị che đậy, là do các quan chức Liên-Xô muốn giấu đi sự thật là họ đã mắc một sai lầm quá lớn ở ngay gần Moscow"?

LTS: Sự kiện người hùng không gian người Nga, Yuri Gagarin (1934 -1968), lần đầu tiên bay vào vũ trụ, thế mà đã cách xa 55 năm. Khi mới ở tuổi 27, con người này đã một mình làm cuộc hành trình quanh Trái Đất, trong 108 phút.

Nhớ về anh, người ta lại càng xót xa nuối tiếc, bảy năm sau, vào lúc 10 giờ 31 phút sáng 27 tháng 3 năm 1968, anh đã hy sinh khi mới 34 tuổi, trong một chuyến bay huấn luyện cùng đồng đội là Seregin.

Làng Novosjolovo tỉnh Vladimir là nơi chiếc máy bay UTI.MiG-15 của các anh đã rơi xuống, trong một vòng xoáy định mệnh.

Gần đây đã có thêm nhưng thông tin mới về vụ tai nạn này, vì vậy chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những "bí mật" phần nào được hé lộ qua tổng thuật của Đại tá Trần Danh Bảng.

Kỳ 1: Chuyến bay định mệnh

KỲ 2: MỘT SAI LẦM QUÁ LỚN

Kết luận của Ủy ban điều tra

Nhưng rồi Ủy ban điều tra (UBĐT) đã đưa ra những kết luận sau: Chiếc máy bay UTI MiG-15 trong tình trạng kỹ thuật bình thường cho đến lúc lao vào mặt đất; Cả hai phi công đều tỉnh táo.

Nhưng vào lúc máy bay đâm bổ xuống đất, cả hai phi công không còn khả năng hoạt động. Năm phút sau chuyến bay của Gagarin mật danh 625, có thêm chiếc MiG-15UTI mật danh 614 bay song song với chiếc 625 ở độ cao 3.000m.

Cùng lúc trên vùng trời này có bảy chiếc máy bay khác; Người cuối cùng điều khiển máy bay là Vladimir Seregin. Căn cứ vào pêđan và giày của Seregin bị phá hủy cùng một góc như nhau.

Giày của Gagarin không có dấu hiệu này. Thi thể họ đã bị phá hủy hoàn toàn. Buồng lái bị giảm áp nhanh. Ai gây giảm áp? Căn cứ vào van thông gió (khoang nơi Gagarin ngồi) được mở hé một nửa. Như vậy, khi máy bay cất cánh buồng lái đã bị giảm áp.

Ai mở van? Nhiều khả năng phi công đã tiếp nhận máy bay trong tình trạng như thế. Điều trớ trêu là chiếc máy bay của Gagarin và Seregin được lắp ráp ở Tiệp Khắc, có van thông gió. Có thể các phi công đã không chú ý đến chi tiết này.


Cảnh đồ góc lao xuống của MiG-15.

Cảnh đồ góc lao xuống của MiG-15.

Vào 10 giờ 30 phút 10 giây, Gagarin báo cáo với chỉ huy các chuyến bay: "Bài tập hoàn thành. Xin quay lại hướng 320". Chương trình tập chưa hoàn thành - theo kế hoạch, Gagarin còn phải làm một cú vọt lên và một cú bổ nhào.

Nhiên liệu trong các bình cũng còn đủ cho 25 phút bay. Nếu họ cắt ngang bài tập, có nghĩa là đang xảy ra điều gì đó. Lẽ ra ban lãnh đạo phải hỏi lý do, nhưng họ đã không hỏi và Gagarin cũng không báo cáo.

Thế nhưng Gagarin đã không lái máy bay về hướng 320 đã xin. Đại tá Vyacheslav Bykovskiy đã viết: "Chiếc 625 không theo hướng 320, mà lại bay về hướng ngược lại. Không thể bay như vậy!".

Ông giải thích: nếu trong buồng lái bị giảm áp, các phi công phải hành động theo đúng hướng dẫn là "phi công phải ngưng ngay bài tập, hạ khẩn cấp độ cao tới 2.000m và trở về sân bay".

Nhưng khi đó, chiếc máy bay không thể quay sang trái: nó có thể đụng phải chiếc 614 đang bay song song.

Các đồng nghiệp của Seregin kể ông rất thích các thao tác khó, có lần trong một đợt diễn tập năm 1954, Seregin suýt phá hỏng một máy bay khi cố bắt chiếc máy bay thực hiện các thao tác mà nó chưa đủ điều kiện về tính năng kỹ thuật.

Seregin đã thực hiện một thao tác khó và cho bổ nhào vào 10 giờ 30 phút 49 giây. Thao tác này bắt đầu bằng việc cho máy bay chồm lên, rồi lao xuống theo hình một cung rộng.

Có thể Seregin muốn biểu diễn cho Gagarin xem thao tác này, bởi Gagarin vẫn chưa tinh thông trong các động tác nhào lộn. Các phi công luôn có tố chất phiêu lưu, mạo hiểm, táo bạo làm các thuật bay tìm tới hạn).

Trong 29 giây còn lại chiếc máy bay lao xuống không ngừng, có nghĩa các phi công không có hành động nào tự cứu mình. Seregin là một phi công đầy kinh nghiệm, tại sao không dừng cú bổ nhào?

Câu trả lời là cả ông và Gagarin đều không thể làm điều đó vì họ đã mất (tri giác) do khí áp giảm.

Theo Kuznhetsev, đâu đó vào khoảng giữa độ cao 4.200m và 2.000m họ hoặc đã bất tỉnh hoặc đã hôn mê. Trong một buồng lái bị giảm áp lại rơi xuống quá nhanh, có đủ điều kiện cho tình trạng này.

Theo tính toán của Kuznhetsev, hai phi công đã chịu áp lực 300mm thủy ngân chỉ trong chưa đầy nửa phút, cũng giống như lặn xuống 50m dưới đáy biển trong chỉ ngần ấy thời gian.

Ngoài ra, các phi công cũng phải chịu hiện tượng giảm oxy huyết. Gagarin và Seregin đã ở trong buồng lái bị giảm áp suốt sáu phút trước khi bổ nhào. Thêm vào đó, sự quá tải khi lao xuống đã làm suy giảm khả năng của cơ thể chống lại áp suất cao.

Năm 1975, các chuyên gia y tế Liên Xô đã cấm các phi công lao xuống nhanh hơn 50m/giây, nhưng khi đó, năm 1968, hai phi công đã lao xuống với vận tốc 145m/giây, nhanh hơn ba lần, quá tải G lớn.

Điều quan trọng là ở độ cao 2.000m, cả hai đã không nỗ lực cứu mình có nghĩa là họ đã mất khả năng hoạt động vào thời điểm đó.

Họ đã ra đi trong 14 giây, khi máy bay lao xuống từ độ cao 4.200m xuống 2.000m. Máy bay đã đâm vào mặt đất vào 10 giờ 31 phút 18 giây.


Một máy bay tiêm kích huấn luyện MiG-15UTI.

Một máy bay tiêm kích huấn luyện MiG-15UTI.

Theo Giáo trình Y học Hàng không-Viện Y học Hàng không:

Giảm áp, thiếu ô xy trên không sẽ nhanh chóng làm biến đổi các chức năng sinh lý của cơ thể. Nó làm rối loạn thần kinh trung ương, hệ hô hấp, tim mạch, thị giác...dẫn đến không phục hồi được, phi công ngất, mất tri giác hoàn toàn.

Đầu năm 2011, Báo Sự thật Thanh niên Nga (Молодежная Правда) đưa ra kết luận của UBĐT Liên Xô, rằng hai phi công hôm đó, bay trong điều kiện tầm nhìn rất hạn chế, đáy mây thấp chỉ cách mặt đất 300 mét.

Máy bay bị rơi vào vùng xoáy, chỉ trong vài giây, không đủ thời gian để hai phi công xử lý.

Các kết luận của UBĐT được đóng dấu mật. Cho đến trước ngày 7-4-2011, chỉ có một tài liệu chính thức duy nhất về cái chết của Gagarin và Seregin được công bố là cáo phó của Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô:

“... Do tai nạn khi đang thực hiện chuyến bay tập...”, không có một chữ nào về nguyên nhân cái chết của hai phi công.

Молодежная Правда viết: Có thể các chuyên gia sẽ không bị thuyết phục đến cùng bởi kết luận của UBĐT. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ một cuộc điều tra khác mới có thể đặt dấu chấm cuối cùng cho việc giải mã nguyên nhân tai nạn của chiếc MIG 15 của Gagarin.

Công bố mới

Năm 2014, báo Tuyệt mật, của Nga "Top Secret", số 4/299 ngày 08/04/2014 trích trang web Discovery.com với bài báo “The real story behind Yuri Gagarin’s death - Câu chuyện đằng sau cái chết của Gagarin) lại đưa ra một câu chuyện hoàn toàn khác.

Bài báo trên dựa trên thông tin do nhà du hành vũ trụ Alexei Leonov - người đầu tiên đi bộ ngoài không gian - Thiếu tướng Không quân 2 lần Anh hùng Liên Xô Alexei Leonov (nay đã 79 tuổi), nói với kênh truyền hình Russia Today:

"Với dân thường, kết luận như vậy có thể chấp nhận được nhưng với chuyên gia thì không thể", Leonov nói.

Vào ngày xảy ra tai nạn, trên bầu trời. Còn có một chiếc máy bay Su-15 cũng bay thử nghiệm, mặc dù nó đã được lên kế hoạch bay cao hơn mực bay của chiếc MiG-15 của Gagarin. Thời điểm đó, Leonov đang huấn luyện nhảy dù.

“Chúng tôi biết một máy bay SU-15 theo lịch sẽ được thử nghiệm vào ngày đó, nhưng theo “phân tầng”, nó phải bay ở độ cao 10.000m hoặc hơn chứ không phải 450-500m.

"Trong trường hợp này, phi công SU-15 không tuân thủ chỉ dẫn, đã lao xuống độ cao 450m.

Hôm đó, trong khi Leonov đang chờ đợi thông báo chính thức về việc hủy buổi tập nhảy dù từ cấp trên (do thấy thời tiết xấu) thì ông nghe thấy hai tiếng nổ lớn. Tiếng đầu tiên là của một chiếc máy bay phá vỡ bức tường âm thanh và tiếng thứ hai là một tai nạn.

Leonov đồ rằng có một cái gì đó đã xảy ra. Trong báo cáo khác cũng xác nhận điều Leonov nghe thấy về hai tiếng nổ trong khoảng 2 giây.


Sơ đồ tương quan hai máy bay do Tướng Leonov vẽ bằng chì.

Sơ đồ tương quan hai máy bay do Tướng Leonov vẽ bằng chì.

Leonov đã nói: "Trong khi thực hiện hoạt động đốt tăng lực, chiếc Su-15 đã giảm độ cao và vượt rất gần Gagarin khiến chiếc máy bay của anh ấy lâm vào tình trạng hỗn loạn, lao xuống theo hình xoắn ốc ở tốc độ 750 km/h.

Chiếc Su-15 đã bay ra khỏi những đám mây với một vệt cháy ở đuôi, (người dân cũng nhìn thấy, nó có cánh hình đàn balakaia ) một dấu hiệu rõ ràng rằng bộ phận đốt sau (tăng lực) của máy bay đã hoạt động".

Nhưng các nhân chứng cho biết chiếc SU-15 đã bay rất thấp rất gần với độ cao mà Gagarin đang bay. Leonov công bố rằng chiếc máy bay Su-15 đã bay một đường bay trái quy định, nên đã sát gần chiếc MiG-15 của Gagarin.

Thông tin này đã được đưa vào các máy tính và mô phỏng đường rơi của máy bay. Kết quả gần đúng cho vụ tai nạn là Su-15 đã bay quá gần chiếc MiG của Gagarin.

Lực ép từ chiếc máy bay lớn hơn đã lật chiếc máy bay nhỏ hơn và khiến nó bổ nhào dạng xoắn ốc về phía mặt đất.

Leonov cho biết: "Chúng tôi đã sử dụng máy tính để tìm ra quỹ đạo rơi của máy bay trong 55 giây cuối cùng. Kết quả cho thấy máy bay đã rơi vào trạng thái rơi xoắn ốc.

Một chiếc phản lực cơ có thể lâm vào trạng thái này nếu một chiếc máy bay khác lớn hơn, nặng hơn bay vượt mặt quá gần và làm chao đảo chiếc phản lực cơ bởi luồng không khí xoáy phía sau nó. Và đây chính xác là những gì xảy ra với Gagarin.".

Trong trạng thái tailspin (thất tốc). Gagarin đã không thể lấy lại khả năng kiểm soát bởi lúc này máy bay đang bay quá thấp.

Cũng có thể người phi công này không nhìn thấy máy bay của Gagarin do bị mây che và anh ta đã vô tình bay ngang qua cách máy bay của Gagarin vài chục mét với tốc độ siêu âm, sau tăng tốc.

Để thoát khỏi tình trạng tailspin, chiếc MiG-15 cần có thêm độ cao từ 200 đến 300 m và Gagarin cần có thêm từ 2 đến 3 giây để xử lý.

Cần nói thêm, Báo Ivgazeta.ru, năm 2014 cho hay, máy bay MiG-15UTI từ năm 1965 đến 1979 bị 25 vụ tai nạn. Một năm trước cái chết của Gagarin ghi nhận 11 vụ tai nạn tai nạn.

Leonov dẫn một vụ tai nạn máy bay vào mùa thu năm 1968 tại sân bay của Almaty ( Ama-Ata) một Yak-42 bay với hành khách trên tàu.

Vì gió ngược, Yak-42 đã bay gần 1 chiếc IL-76 mà không giữ khoảng cách tối thiểu. Chiếc máy bay Yak-42 đã “cuộn” xoáy từ độ cao 30 mét rơi xuống đất.


Tướng Leonov, nhà du hành vũ trụ.

Tướng Leonov, nhà du hành vũ trụ.

Nhân chứng?

Tuy nhiên, tên người chịu trách nhiệm về cái chết của Gagarin không được tiết lộ. Giữ kín tên người này là điều kiện mà Leonov được phép lên tiếng về cái chết của Gagarin.

Theo đó, chỉ có thể biết, phi công chiếc chiến đấu cơ đó hiện đã 80 tuổi và không còn khỏe mạnh.

Alexei Leonov đặt vấn đề lý do tại sao kết luận của Ủy ban Nhà nước đã “làm biến mất” một số tài liệu, văn bản, báo cáo như trên đây của cá nhân ông.

Theo ông, có thể lí do khiến vụ tai nạn bị che đậy, là do các quan chức Liên Xô muốn “giấu đi sự thật là họ đã mắc một sai lầm quá lớn ở ngay gần Mátxcơva”.

Rất có thể, một quan chức có quyền lực, trước đó thuộc dự án LII MAP, nơi thí điểm máy bay Su-15 không muốn tiếp tục điều tra nguồn gốc, căn nguyên cái chết của Gagarin do vi phạm thô bạo của chuyến bay thí điểm đó.

Mặc dù đã có bằng chứng chắc chắn về người phi công lái chiếc SU-15 đã khiến chiếc máy bay của Gagarin bị rơi, nhưng tên của người phi công này không được công bố.

Tướng Leonov cho hay để được phép công bố nguyên nhân cái chết của Gagarin, ông không được phép nêu tên của người phi công này.

Chỉ biết người phi công đó hiện đang ở độ tuổi 80 và đang rất yếu. Leonov cho biết ông được thông báo rằng việc đưa người phi công này ra ánh sáng sẽ “không giải quyết được vấn đề gì”. Các báo khác của Nga cũng đưa tin tương tự.

Những tư liệu trên đây, có vẻ như đã xáp lại gần nhau trong nhận định về phút cuối cùng của chuyến bay huấn luyện định mệnh MiG-15, mà hai người anh hùng điều khiển. Đó là: Máy bay không bị trục trặc kỹ thuật hàng không, không bị nổ từ trên không.

Nếu hở van điều áp, (bởi lý do con người), khiến máy bay giảm áp, thiếu ô xy quá nhanh, thì hai phi công cũng không còn cơ hội tỉnh táo để xử trí bất trắc, do máy bay lao xuống với tốc độ quá cao, quá tải lớn.

Nếu do xuất hiện máy bay là Su-15 to lớn hơn, đột nhiên cùng mực bay, sát gần trong khoảng 20m, tốc độ cao hơn, lại tăng lực bất thần, gây hiệu ứng xoáy lốc không gian, khiến cho MiG-15 tức thì cuốn vào khu vực xoắn lốc, thất tốc.

Phi công không gỡ được máy bay ra khỏi vòng xoáy, mất điều khiển, máy bay lao xuống quá nhanh, quá tải lớn, phi công bất lực, mất độ cao, hết cơ hội xử lý.

Vào thập kỷ 60 và 70, các thiết bị hộp đen, đánh giá khách quan hiện đại, số hóa chưa cài đặt trên các máy bay chiến đấu. Các thiết bị radar, định vị vệ tinh, kiểm soát không lưu tiên tiến cũng chưa trang bị cho Trung tâm điều hành bay.

Cái chết Y.Gagarin, phi hành gia đầu tiên của loài người đã gây sự chú ý đặc biệt cho công chúng khắp các châu lục, trong thời gian dài.

Chìa khóa sự kiện bây giờ thuộc về viên phi công điều khiển Su-15, mà nhà du hành vũ trụ Alexei Leonov biết rõ.

Nhưng lời hứa của vị Tướng Anh hùng, lại là một phi hành gia ở tuổi 70 với đồng đội mình rất thiêng liêng, nhất là với người Nga, một dân tộc đôn hậu và chung tình.

Chúng ta chỉ còn biết chờ thời gian, và để tay lên ngực, như kinh thánh nói: “Chỉ có Chúa mới biết rõ mọi chuyện”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại