Ở các vương triều xưa, Hoàng đế được xem là chân mệnh thiên tử, là sự tồn tại tôn quý nhất thế gian. Thế nhưng dù có là con trời đi chăng nữa, Hoàng đế cũng phải ăn uống, ngủ nghỉ như người thường.
Bách tính thường dân ăn là để no bụng. Nhưng Hoàng đế ăn không chỉ để no, mà còn thể hiện cả sự uy nghiêm của Chân mệnh thiên tử và Hoàng tộc.
Món ăn của thường dân chỉ là những bát cơm canh đạm bạc. Nhưng trên bàn của Hoàng đế phải là cao lương mỹ vị, phong phú đến không tưởng. Sự tôn nghiêm của Hoàng gia được thể hiện qua cách thức dùng bữa, các dụng cụ phục vụ ăn uống, số lượng món ăn, phương pháp nấu nướng và trình tự ngự thiện (ngự thiện là từ thể hiện hành động dùng bữa của Hoàng đế).
Theo chúng ta được biết, mỗi bữa ăn của Hoàng đế có rất nhiều món, và đương nhiên là không được dùng hết. Vậy những món thừa này được xử lý như thế nào?
Quyền lực thời cổ đại đều thuộc về Hoàng đế. Theo đó, Hoàng đế nắm trong tay quyền sinh sát. Cuộc sống của Hoàng đế đều được tuân theo chế độ quy cách chuẩn mực.
Một một số tư liệu lịch sử ghi chép, mỗi bữa ăn của Từ Hi có đến 108 món, là sự lãng phí xa xỉ cực độ. Nhưng nếu xét theo quy chế ăn uống của Hoàng đế nhà Thanh, bạn sẽ phát hiện điều này hoàn toàn bình thường.
Nhà Thanh là vương triều cuối cùng của Trung Quốc, cũng là giai đoạn các chuẩn mực được áp đặt cho Hoàng đế một cách nghiêm ngặt nhất. Điều này cũng dễ hiểu vì không vị Hoàng đế nào muốn cuộc sống của mình lại thua kém vua đời trước.
Hoàng đế nhà Thanh dùng bữa đều tuân theo quy định rõ ràng, mỗi bữa có đến hơn 120 món ăn. Phương pháp chế biến có yêu cầu rất cao, bắt buộc phải đầy đủ 3 yếu tố: Màu sắc, mùi thơm và hương vị. Không cần biết quá trình chế biến cầu kỳ đến mức nào, thành phẩm được bày biện trên bàn trước mặt Hoàng đế phải chỉn chu đến từng chi tiết.
Đương nhiên cũng có một vài vị Hoàng đế cảm thấy cách ăn uống này lãng phí. Khang Hi đế và Càn Long đế đã giảm số lượng món trong mỗi bữa ăn của mình xuống còn lần lượt là 64 và 48 món. Tuy nhiên, con số này vẫn rất nhiều, nhưng nếu so với bậc Cửu ngũ chí tôn thì đã được xem là tiết kiệm.
Hoàng đế một mình ăn 120 món thường không hết, thậm chí nhiều món còn không được động đến. Mỗi món có thể cũng chỉ được dùng 3 miếng. Nhưng không vì thế số món trong mỗi bữa bị ít đi, mà vẫn phải duy trì đầy đủ.
Những món thừa nếu bị ném đi thì thật sự lãng phí đến cùng cực. Chuyện này mà lan truyền ra ngoài thiên hạ thì có thể làm náo động lòng dân, vì thời bấy giờ người chết đói nhiều vô số kể.
Bên cạnh đó, món được Hoàng thượng dùng qua cũng không thể tùy tiện cho người khác ăn. Điều này vi phạm đến sự tôn kính của Hoàng đế.
Ở các vương triều xưa, những món ăn thừa của Hoàng đế được xử lý theo 2 cách sau đây:
1. Hoàng đế thưởng tặng một vài món ăn của mình cho thần tử thân cận.
Ở thời cổ đại, được ăn món do Hoàng đế ngự tặng là một vinh dự to lớn. Dù cho món đã được Hoàng đế chạm đến, nhưng ăn đồ ăn thừa của chân mệnh thiên tử cũng là lộc trời ban.
Ngoài thần tử, Hoàng đế cũng có thể tặng món ăn cho người hầu thân cận của mình. Người hầu bên cạnh Hoàng đế không phải là nô tài bình thường. Thân phận của họ cao hơn thái giám, cung tỳ một bậc.
Nhiều người cho rằng Hoàng đế tặng đồ thừa cho người khác là hành động mất vệ sinh. Nhưng nên biết rằng, Hoàng đế ăn uống luôn được thái giám hoặc tỳ nữ phục vụ. Theo đó, đũa và muỗng của Hoàng đế cơ bản không hề chạm vào các món trên bàn, mà chỉ ăn phần được thái giám chuẩn bị trước mặt mà thôi.
2. Bán cho tửu lầu với giá cao.
Còn một cách xử lý món ăn thừa của Hoàng đế được áp dụng phổ biến thời bấy giờ. Người trong cung sẽ bán món ăn với giá cao đến các tửu lầu (nhà hàng thời cổ đại), từ đó thu về phần lợi nhuận không nhỏ.
Đương nhiên, các tửu lầu không nói với khách rằng những món này là đồ ăn thừa của Hoàng thượng. Đó chính là tội chém đầu. Họ sẽ lấy danh nghĩa món ăn ngự thiện để chào mời khách. Đồng thời chế biến lại thành món mới rồi bán ra giá cao.
Ai lại không muốn một lần chiêm ngưỡng và nếm thử món ăn thường được Hoàng đế dùng. Đây là một trong những cách giúp tửu lầu cổ đại phát triển cực thịnh.