Cách xa 5.600 năm ánh sáng, cỗ máy 10 tỷ đô phát hiện cấu trúc lạ, chuyên gia: Có thật!

Minh Hằng |

Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA chụp được cấu trúc lạ ở xung quanh ngôi sao cách Trái Đất tới 5.600 năm ánh sáng.

Bức ảnh được kính viễn vọng James Webb chụp vào tháng 7/2022, cho thấy ngôi sao có tên là WR140 được những vòng đồng tâm bí ẩn bao quanh.

Bà Judy Schmidt, một nhà khoa học nghiệp dư, đã chia sẻ hình ảnh do kính viễn vọng James Webb chụp lên mạng xã hội Twitter và nhận được sự quan tâm lớn từ nhiều người.

Cách xa 5.600 năm ánh sáng, cỗ máy 10 tỷ đô phát hiện cấu trúc lạ, chuyên gia: Có thật! - Ảnh 1.

Hình ảnh do kính viễn vọng James Webb chụp lại về những vòng đồng tâm kỳ lạ bao quanh ngôi sao WR140. Ảnh: NASA

Những vòng đồng tâm kỳ lạ trong bức ảnh này trông giống như gợn sóng, tỏa ra đều đặn và dần dần biến mất. Đặc biệt, những vòng đồng tâm này còn có hình dạng không tròn hoàn toàn, thay vào đó chúng hơi vuông. Điều này khiến một số người dấy lên suy đoán rằng chúng có thể có liên quan tới người ngoài hành tinh.

Theo bà Judy Schmidt, dường như thật khó để hiểu rằng đây là một hiện tượng tự nhiên. Vậy, tại sao chúng lại có hình dạng như vậy? Tại sao chúng lại đều như thế?

Trong khi đó, ông Mark McCaughrean, một nhà khoa học liên ngành thuộc Nhóm Công tác Khoa học Kính viễn vọng James Webb, đồng thời là cố vấn khoa học cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), nhận xét rằng cấu trúc trên là 'điên rồ'.

Chia sẻ trên Twitter, vị chuyên gia này cho rằng: "Cấu trúc gồm 6 vệt nhọn có màu xanh lam là một lỗi do nhiễu xạ quang học đến từ ngôi sao WR140 ở trong bức ảnh. Tuy nhiên, cấu trúc đỏ trông vừa tròn vừa vuông là có thật. Chúng chính là một chuỗi các lớp vỏ bao quanh ngôi sao WR140. Thực tế chúng có thật ở trong không gian và nằm xung quanh tại một ngôi sao".

Nhà khoa học Mark McCaughrean còn lưu ý rằng, WR140 là ngôi sao mà các nhà thiên văn học gọi là sao Wolf-Rayet. Đây là loại sao đã phóng phần lớn lượng hydro của chúng vào không gian. Nhưng chúng cũng bị bụi bao quanh và thực tế một ngôi sao đồng hành có thể điêu khắc bụi trở thành những lớp vỏ kỳ lạ.

Nhà thiên văn học Ryan Lau tại NOIRLab và các đồng nghiệp đang tiến hành nghiên cứu về hiện tượng kỳ lạ này, cho biết rằng những vòng đồng tâm với hình dáng kỳ lạ trên là có thật.

Nghiên cứu của Ryan và các cộng sự đã được gửi đi và sẽ sớm xuất bản. Điều này sẽ giúp những người quan tâm hiểu rõ hơn về hiện tượng bí ẩn này.

WR140 là ngôi sao trong chòm sao Cygnus (ngôi sao biến đổi, sẽ mờ đi và sáng lên theo chu kỳ) và cách xa Trái đất khoảng 5.600 năm ánh sáng. Đến nay vẫn chưa rõ liệu sự biến đổi của ngôi sao xa xôi này có lên quan tới những vòng đồng tâm bí ẩn hay không.

Cách xa 5.600 năm ánh sáng, cỗ máy 10 tỷ đô phát hiện cấu trúc lạ, chuyên gia: Có thật! - Ảnh 3.

Kính viễn vọng không gian James Webb chụp lại được nhiều hình ảnh gây bất ngờ trong vũ trụ. Ảnh: NASA/ SWNS

Thế nhưng hình ảnh bí ẩn trên lại cho thấy sức mạnh của kính viễn vọng không gian James Webb trị giá tới 10 tỷ USD. Kính viễn vọng James Webb có 4 công cụ chính, bao gồm: máy ảnh cận hồng ngoại NIRCam, máy ảnh hồng ngoại tầm trung MIRI, máy đo quang phổ cận hồng ngoại NIRSpec và máy đo quang phổ không khe FGS/NIRISS.

James Webb nhận được nhiều lời khen ngợi vì có tầm nhìn hồng ngoại và có có khả năng đi xuyên qua nhiều không gian trong vũ trụ mà không làm mất nhiều thông tin.

Phát hiện của James Webb khiến các chuyên gia "bối rối"

Cách xa 5.600 năm ánh sáng, cỗ máy 10 tỷ đô phát hiện cấu trúc lạ, chuyên gia: Có thật! - Ảnh 4.

Hình ảnh tuyệt đẹp của James Webb về Sao Mộc. Ảnh: NASA/AP

Trong mấy tuần qua, kính viễn vọng không gian James Webb của NASA đã cung cấp cho nhân loại những hình ảnh chưa từng thấy về những vùng xa nhất của vũ trụ. Thế nhưng một số hình ảnh ấn tượng này đã đặt ra không ít câu hỏi cho các nhà khoa học.

Chẳng hạn, trong một thời gian dài, các nhà khoa học tin rằng các thiên hà sớm nhất và lâu đời nhất của vũ trụ chính là các hệ thống nhỏ, hơi hỗn loạn và méo mó. Tuy nhiên, theo Washington Post, hình ảnh do kính viễn vọng James Webb chụp được lại cho thấy các thiên hà có khối lượng lớn đáng kinh ngạc và thậm chí còn cân đối, hài hoà. Đây là một phát hiện đầy thách thức và thậm chí có thể sẽ làm thay đổi những quan niệm đã tồn tại từ lâu về nguồn gốc vũ trụ của chúng ta.

Cách xa 5.600 năm ánh sáng, cỗ máy 10 tỷ đô phát hiện cấu trúc lạ, chuyên gia: Có thật! - Ảnh 6.

Hình ảnh một thiên hà lớn màu hồng trông giống bánh xe với hình bầu dục nhỏ bên trong và hai thiên hà xoắn ốc nhỏ hơn ở bên trái. Ảnh được James Webb chụp vào đầu tháng 8/2022. Ảnh: NASA/AP

Nhà thiên văn học Garth Illingworth tại ĐH California Santa Cruz, chia sẻ: "Những mô hình không dự đoán được điều này. Làm sao thiên hà lại xuất hiện ở trong vũ trụ sớm như vậy? Bằng cách nào lại tạo ra nhiều ngôi sao nhanh như thế?".

Trên thực tế, những hình ảnh cũ hơn của vũ trụ do kính viễn vọng không gian Hubble chụp lại đã bị truất ngôi, khi từng xác nhận quan niệm phổ biến rằng những thiên hà vào thời sơ khai là khá lộn xộn và hỗn loạn. Thế nhưng, James Webb dường như lại cho thấy những phát hiện này chỉ là ảo ảnh vì khả năng hạn chế của kính viễn vọng Hubble.

Theo ông Dan Coe, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian, các chuyên gia nghĩ rằng vũ trụ sơ khai là một nơi hỗn loạn, trong đó mọi cụm sao và các thứ khác đều lộn xộn.

Trước khi kính viễn vọng không gian James Webb được phóng lên quỹ đạo, hình ảnh mà Hubble chụp lại bị thiếu tất cả các ngôi sao lạnh hơn và già hơn.

Mặc dù những phát hiện này đã khiến cộng đồng khoa học ngạc nhiên, nhưng chúng lại hoàn toàn không phải là nguyên nhân để báo động. Theo đó, những tiến bộ về công nghệ lớn trong thiên văn cũng như các lĩnh vực khác, có một lịch sử lâu dài để dẫn tới những giai đoạn khám phá khoa học quy mô lớn. Những phát hiện trong hôm nay có thể sẽ đặt nền tảng cho những đột phá trong tương lai, ngay cả khi chúng đã đi xuống hàng thập kỷ.

Ngoài ra, những phát hiện mới này còn cho thấy rằng kính viễn vọng không gian James Webb đang thực hiện chính xác về những gì mà khoa học mong muốn, đồng thời tiết lộ những điều mới mẻ, thú vị về vũ trụ bao la, trả lời những câu hỏi cũ và cũng đặt ra những câu hỏi mới trong suốt hành trình.

Bài viết tham khảo nguồn: Dailymail, Livescience, Futurism, Euronews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại