Uống chè xanh (trà xanh) mỗi ngày là thói quen tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn nên uống vừa đủ, nếu uống quá nhiều sẽ gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe. Mời bạn tham khảo cách uống chè xanh tươi đúng cách, tốt cho sức khỏe.
Tác dụng của chè xanh với sức khỏe
Uống trà xanh giúp bảo vệ và cải thiện chức năng não
Bài viết trên Báo Sức khỏe & Đời sống chỉ ra, trà xanh không chỉ giúp bạn tỉnh táo mà còn có thể tăng cường chức năng não. Thành phần hoạt chất quan trọng là caffein, là chất kích thích, tuy không nhiều như cà phê nhưng đủ để tạo ra phản ứng mà không gây ra hiệu ứng bồn chồn liên quan đến việc hấp thụ quá nhiều caffeine.
Caffeine có thể cải thiện các khía cạnh khác nhau của chức năng não, gồm tâm trạng, sự phản ứng và trí nhớ.
Tuy nhiên, caffeine không phải là hợp chất tăng cường trí não duy nhất trong trà xanh. Nó chứa axit amin L-theanine có thể làm tăng hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh, tác dụng chống lo âu. Nó cũng làm tăng dopamine và sản xuất sóng alpha trong não.
Các nghiên cứu cho thấy, caffeine và L-theanine có thể giúp tác dụng hiệp đồng. Điều này có nghĩa là sự kết hợp của cả hai có thể giúp trong việc cải thiện chức năng não.
Do chứa L-theanine và một lượng nhỏ caffein, trà xanh mang lại cho bạn cảm giác nhẹ nhàng và khác biệt hơn nhiều so với cà phê. Nhiều người cho biết họ có năng lượng ổn định hơn và làm việc hiệu quả hơn nhiều khi họ uống trà xanh so với uống cà phê.
Trà xanh không chỉ góp phần cải thiện chức năng não trong thời gian ngắn mà còn có thể bảo vệ não của bạn khi bạn già đi.
Một số nghiên cứu cho thấy, các hợp chất catechin trong trà xanh nhiều tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh trong ống nghiệm và mô hình động vật, hỗ trợ làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ, một chứng rối loạn thoái hóa thần kinh phổ biến ở người cao tuổi.
Hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim mạch
Trà xanh có thể cải thiện một số yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim và đột quỵ, bao gồm cải thiện mức cholesterol toàn phần và mức cholesterol LDL (xấu).
Trà xanh cũng làm tăng khả năng chống oxy hóa của máu, giúp bảo vệ các phần tử LDL khỏi quá trình oxy hóa, một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tim.
Hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư
Trà xanh có chất chống oxy hóa mạnh, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư. Theo nhiều nghiên cứu, những người uống trà xanh có nguy cơ mắc các loại ung thư thấp hơn như: ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng.
Hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
Một số nghiên cứu cho thấy trà xanh có thể hỗ trợ làm giảm nhẹ lượng đường trong máu. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2.
Bệnh đái tháo đường loại 2 liên quan đến việc lượng đường trong máu tăng cao, có thể do kháng insulin hoặc không có khả năng sản xuất insulin. Trà xanh có thể cải thiện độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu ở các cá nhân Nhật Bản cho thấy, người uống trà xanh nhiều nhất có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 thấp hơn khoảng 42%.
Uống trà xanh đúng cách tốt cho sức khỏe
Theo Báo Lao động, trà xanh không đơn thuần là loại đồ uống mà nó còn được coi là dược liệu, vì thế nó cũng sẽ có những thành phần, dược tính nhất định. Để trà xanh phát huy hết tác dụng của nó, bạn nên ghi nhớ một số điều dưới đây:
- Rửa trà sạch trước khi dùng:
Rửa sạch trà trước khi dùng (đối với trà tươi) sau đó tráng sơ trà qua 1 lần trước trước khi pha (điều này áp dụng cả với trà khô và trà tươi).
- Pha trà ở nhiệt độ vừa phải: Nhiệt độ pha trà phù hợp là khoảng 80 độ C, không pha trà với nước đang sôi. Bạn cũng không nên uống trà quá nóng, khi uống chè xanh quá nóng sẽ gây tổn thương vách trong của dạ dày, dẫn đến đau loét dạ dày.
- Mỗi ngày chỉ nên uống khoảng 500ml nước trà.
- Không nên để trà qua đêm kể cả cho vào tủ lạnh.
- Không nên cho đường vào trà: Đường kết hợp với nước trà có thể làm mất chất dinh dưỡng. Bạn có thể dùng mật ong thay đường, không nên cho thêm bất kỳ chất thứ gì vào trà.
- Tránh uống trà đặc: Để tận dụng hết ưu điểm của trà xanh, hãy pha trà ở mức vừa phải, không quá đặc.
- Không nên uống quá nhiều trà xanh: Chỉ uống 1-2 ly trà xanh mỗi ngày là đủ. Nếu uống quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe như: rối loạn tiêu hóa, đau đầu, mất ngủ.
- Không uống trà với thuốc: Nếu bạn đang uống trà xanh, không nên uống cùng với bất kỳ loại thuốc nào. Các chất trong chè xanh khi “gặp” các hoạt chất trong thuốc sẽ tạo ra những phản ứng hóa học làm cho thuốc giảm tác dụng và cơ thể khó hấp thu.
- Không uống trà vào lúc đói: Trà xanh có khả năng kích thích dạ dày tiết ra nhiều chất chua, vị chua sẽ làm mất cảm giác ngon miệng, cơ thể hấp thu thức ăn kém đi. Hơn nữa, trong khi dạ dày trống rỗng, nếu uống trà xanh, chất chát trong trà sẽ đi vào tạng phế và làm lạnh tì, vị. Tạo cảm giác cồn cào, nôn nao trong người, chóng mặt, hoa mắt, rất khó chịu.
- Không uống trà vào buổi tối trước khi đi ngủ: Nước trà xanh chứa hàm lượng cafein khá cao, khi uống vào gây kích thích thần kinh, làm cho thần kinh hưng phấn, từ đó gây khó ngủ. Vì thế, vào buổi tối, nên uống trà xanh trước giờ đi ngủ từ 1 đến 2 giờ.
- Uống trà đúng thời điểm: Thời gian lý tưởng nhất để uống trà xanh là một giờ trước và sau bữa ăn. Nếu bạn đang ăn kiêng và muốn kiểm soát sự thèm ăn thì nên uống trà xanh một giờ trước bữa ăn.
Ngày nay, nhiều người còn kháo nhau cách uống trà xanh để giảm cân, thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên, khi đã biết uống trà xanh có tác dụng gì và lưu ý để uống trà xanh đúng cách thì bạn hãy cố gắng tuân thủ theo để vừa tốt cho sức khỏe, vừa an toàn nhé.