Cách ứng xử khi con bị bạo lực học đường: ‘Im lặng là vàng’ hay dạy con đánh lại?

Đỗ Hợp |

Khi trẻ bị bạo lực học đường, phụ huynh nên tiếp cận nhà trường sớm nhất có thể thay vì gặp trực tiếp, hành hung lại học sinh đánh con mình.

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường với các hình thức như: đánh đập, nhục mạ, đe dọa dùng vũ lực,… với tính chất, mức độ hành vi rất nghiêm trọng để lại những hậu quả nặng nề cho nạn nhân.

Vài năm trước, vụ em Bùi Quang Huy (học sinh lớp 8, trường THCS Âu Lâu, TP Yên Bái) bị phụ huynh của bạn học đánh, sỉ nhục trước đám đông nên đã treo cổ tự vẫn.

Sau đó không lâu là vụ nữ sinh lớp 8 Trần Thị Ngọc T. (Ninh Thọ, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) vì lỡ chơi trò “câu like” trên facebook theo trào lưu “Đủ like là làm” bị các đối tượng dọa đánh, mua xăng ép phải đốt trường và nữ sinh này đã buộc phải thực hiện hành vi “đốt trường” ở trường THCS Phạm Ngũ Lão (Ninh An, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa),..

Gần đây, mạng xã hội xôn xao về một vụ bạo lực học đường xảy ra giữa các học sinh của một ngôi trường quốc tế tại TP HCM. Vụ việc thu hút rất nhiều bình luận của cư dân mạng.

Đứng trước một vụ bạo lực học đường, thực tế cho thấy phụ huynh thường có hai cách ứng xử hoàn toàn trái ngược nhau là im lặng hoặc chống trả.

Trong trường hợp này, nếu phụ huynh ngại phiền phức hoặc không muốn làm lớn chuyện khi con bị bắt nạt nên bảo con phải nhẫn nhịn thì theo các chuyên gia tâm lý, việc một đứa trẻ im lặng hoặc rút lui khi bị đánh hoặc giành đồ chơi, sẽ vô tình khuyến khích hành vi bạo lực và giành giật của đối phương.

Cha mẹ có nên “xui” con đánh lại không?

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, phụ huynh nên tiếp cận nhà trường sớm thay vì hành hung học sinh đánh con mình.

Cũng theo ông Lâm, khi con bị bạn đánh, phụ huynh nên tiếp cận nhà trường sớm nhất có thể thay vì gặp trực tiếp, hành hung lại học sinh đánh con mình. Phụ huynh cần tìm hiểu và nắm rõ quy trình xử lý các vụ việc bắt nạt học đường từ phía nhà trường để có tâm thế chủ động xử lý nếu vụ việc xảy ra.

Ông Lâm cũng chỉ ra, phụ huynh phải hiểu, các con ở độ tuổi đang lớn thì không tránh khỏi khi nhận thức không đúng và sẽ có chuyện xô xát có thể dẫn đến bạo lực học đường. Cho nên vấn đề này không phải chỉ trách nhiệm của nhà trường mà còn cả phụ huynh. Phụ huynh khi nghe thấy con có vấn đề mâu thuẫn với bạn này, bạn kia là phải báo với nhà trường rồi để cho nhà trường giáo dục và cảnh giác.

Cũng theo ông Lâm, phụ huynh phải giáo dục con mình, chuyện xảy ra mâu thuẫn là chuyện xảy ra bình thường trong cuộc sống. Nhưng cách giải quyết vấn đề bạo lực học đường phải có văn hóa và tôn trọng pháp luật. Thể hiện mình có ứng xử đẹp, con người văn minh và hiểu pháp luật.

“Chứ nếu trong tình huống đó nếu phụ huynh bảo con mình đánh lại thì mình thiệt thân đã. Vì khi đánh lại bạn đánh con mình thì ra hội đồng kỉ luật của nhà trường thì cả hai bên đã phải chịu trách nhiệm.

“Gia đình phải giáo dục con cách ứng xử với mọi người chứ không phải của nhà trường”- ông Lâm nhấn mạnh.

Vậy tình huống cha mẹ có con bị bạo hành đến nói chuyện với gia đình kia, nhưng không hợp tác thì làm thế nào?, ông Lâm cho rằng, nếu các mâu thuẫn đơn giản có thể bỏ qua nhưng nếu vi phạm nhân cách thì tìm cách giải quyết.

Nếu hai bên gia đình nói chuyện với nhau không được thì hai gia đình cần có nhà trường tham gia để giải quyết một cách công bằng chứ không tự ý giải quyết với nhau.

“Tốt nhất không nên chọn giải quyết tay đôi. Cha mẹ khi thấy con có mâu thuẫn với bạn đã phải báo với nhà trường. Cha mẹ không nên tự giải quyết. Vì nếu gia đình bên kia thiện chí thì là tốt, nhưng phải đề phòng trường hợp họ không thiện chí và lôi ngay người khác đến đe dọa thì vụ việc càng nặng và phức tạp hơn. Có phải việc đó đã chấm dứt ngay đâu. Lúc đó cần phải có một trọng tài. Đó là nhà trường. Tôi nghĩ phụ huynh nên tạo điều kiện cho nhà trường giải quyết vụ việc càng sớm càng tốt”- Ông Lâm nêu quan điểm.

Phải bảo vệ các em khỏi dư luận

PGS. TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đối với những đứa trẻ trong độ tuổi vị thành niên, kể cả là thủ phạm hay nạn nhân, quan trọng nhất vẫn là phải bảo vệ các em khỏi dư luận. Không nên để cho các em chỉ vì một sự kiện này mà mất cả tương lai.

Các phụ huynh cần bình tĩnh để xem cách thức ứng xử, giải quyết như thế nào cho các bên đều cảm thấy hài lòng. Đừng gấp gáp quá vì dù gì sự việc cũng đã xảy ra rồi.

Nếu phụ huynh có con là nạn nhân thì trước nhất cần chăm sóc sức khỏe về mặt tâm lý, trao đổi với con về cách ứng phó khi bị bắt nạt. Chẳng hạn như việc khi con bị đe dọa bắt nạt thì phải nói ngay với bố mẹ trước. Và khi đứng trước một kẻ bắt nạt con, con nên làm thế nào để người ta đừng gây ra những tổn thương cho mình.

Phụ huynh cũng cần học cách nhận biết những ảnh hưởng sau sự kiện để giúp đỡ trẻ. Nhận diện sớm các phản ứng tiêu cực như sợ hãi không thực tế về tương lai, mất ngủ, mệt mỏi và dễ bị mất tập trung.

“Đối với giáo viên, cần phải hợp tác với các bên để minh bạch hóa về tình tiết vụ việc. Giúp nạn nhân, thủ phạm hòa nhập lại với môi trường học đường. Ngoài ra, phải nhận diện sớm các biểu hiện đau buồn hoặc trầm cảm”- ông Nam nhấn mạnh.

Không nên tìm cách dằn mặt gây bạo lực, cũng không nên chấp nhận im lặng

Trong một lần trả lời báo chí ông Nguyễn Trọng An nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTBXH, chuyên gia về trẻ em cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm nên cần cân nhắc xử lý hợp tình, hợp lý, nên công khai, minh bạch mọi thông tin về bạo lực học đường để tìm cách giải quyết.

Cũng theo ông An, khi xảy ra sự việc trẻ bị bạn đánh, bố mẹ nên bình tĩnh để tìm ra biện pháp thích hợp. Có thể xác minh xem con giao lưu với ai, tìm hiểu về đứa trẻ đã hành hung con mình, tìm hiểu lý do vì sao con mình bị đánh. Sau đó, gia đình gặp gỡ phụ huynh của học sinh đó để trao đổi.

Mặt khác, cha mẹ của học sinh hành hung cần biết cách giáo dục, khuyên nhủ ngăn ngừa sự tái phạm. Gia đình cũng nên gặp giáo viên để nhắc nhở trẻ đã đánh con mình, nên đề nghị giáo viên tăng cường giáo dục cho học sinh tình yêu thương, tình đoàn kết trong lớp học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh thân thiết và tránh xung đột.

Không nên tìm cách dằn mặt gây bạo lực, cũng không nên chấp nhận im lặng vì sợ bị trả thù hoặc không nên thờ ơ bỏ qua chuyện con bị dọa nạt và cho rằng đó là chuyện nhỏ do xích mích trẻ con.

“Với cả những bạn học sinh là nạn nhân hay cả bạn gây ra bạo lực học đường thì người lớn (thầy cô giáo, cha mẹ trẻ) phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Tiếp đó, người lớn cần phải giúp trẻ hiểu được sai lầm của mình, tự giác nhận lỗi và nhận hình phạt phù hợp”, ông An tư vấn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại