Nỗi lo một ngày những chiếc ô tô kiểu dáng đẹp, giá cả phải chăng đến từ Trung Quốc sẽ vượt trội hơn các dòng xe đến từ Châu Âu đã thôi thúc giới chức EU mở một cuộc điều tra về trợ cấp đối với các hãng xe Trung Quốc. Những hãng vi phạm sẽ có thể phải chịu mức thuế cao hơn nhiều so với con số 10% hiện đang áp dụng đối với hàng nhập khẩu.
Được biết trong 7 tháng đầu năm 2023, 189.000 ô tô Trung Quốc đã được bán ở châu Âu, tương đương 2,8% tổng doanh số. Ngân hàng UBS ước tính thị phần ô tô tại châu Âu của Trung Quốc có thể đạt 20% vào năm 2030. Tất cả sẽ được điện khí hóa.
Đây chính là kết quả từ mong muốn chính phủ, rằng Trung Quốc có thể tạo ra một lực lượng toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Doanh số bán xe điện trong nước chậm lại đã khuyến khích các nhà sản xuất Trung Quốc mở rộng thị phần ra nước ngoài.
Câu hỏi đặt ra, là có đúng giới chức đại lục đang trợ cấp bất công đối với lĩnh vực ô tô điện khổng lồ của mình hay không?
Về cơ bản, trợ cấp đối với bất kỳ ngành công nghiệp nào tại Trung Quốc đều là sự kết hợp hoàn hảo giữa giới chức các khu vực. Không ai có thể vẽ nên bức tranh chi tiết. Chỉ biết rằng một báo cáo tài chính không hoàn chỉnh cũng cho thấy những lợi ích rất lớn mà chính sách trên mang lại.
1. Giảm thuế
Theo Bloomberg, hầu hết tất cả xe điện bán ở Trung Quốc đều được miễn thuế. Điều này giúp chúng có giá thành phải chăng hơn, thu hút nhiều người mua hơn và giúp các hãng xe điện trong nước phát tài.
Theo công ty tư vấn AlixPartners, Trung Quốc đã chi khoảng 57 tỷ USD hỗ trợ người dân mua ô tô điện từ năm 2016 đến năm 2022. Con số này gấp khoảng 5 lần số tiền Mỹ đã bỏ ra trong cùng khoảng thời gian để làm điều tương tự.
Bắc Kinh ban đầu cắt giảm thuế đối với xe điện vào năm 2009, sau đó bắt đầu miễn hoàn toàn thuế mua xe vào năm 2014. Chính sách được gia hạn đến năm 2027 nhằm hỗ trợ toàn ngành công nghiệp nói chung và nền kinh tế nói riêng.
Theo BloombergNEF, từ năm 2009 đến năm 2022, Trung Quốc đã miễn khoảng 30 tỷ USD thuế và có thể miễn thêm khoảng 97 tỷ USD nữa cho đến năm 2027. Ngoài ra, hầu hết các hãng sản xuất xe điện đều được xếp vào dạng công ty công nghệ cao và do vậy, chỉ cần trả mức thuế thu nhập doanh nghiệp 15% so với tiêu chuẩn 25%. Xuất khẩu ô tô cũng được miễn thuế giá trị gia tăng 13%.
2. Trợ cấp sản xuất
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) trợ cấp cho các hãng xe điện dựa trên số lượng ô tô mà họ sản xuất. Tính đến cuối năm ngoái, cơ quan này đã trả gần 39 tỷ nhân dân tệ (5,4 tỷ USD) để trợ cấp sản xuất khoảng 3,76 triệu phương tiện năng lượng mới, theo tính toán của Bloomberg.
Khoảng 31 tỷ nhân dân tệ trong số đó đã được trả vào năm ngoái cho 49 hãng ô tô đủ điều kiện, trong đó BYD nhận được nhiều nhất, tiếp theo là Tesla. Khoản trợ cấp hào phóng đã giúp Trung Quốc duy trì doanh số bán xe điện trong nước ngay cả khi doanh số bán ô tô xăng sụt giảm.
3. Tài trợ vốn hấp dẫn
Giới chức Trung Quốc cung cấp rất nhiều các khoản vay ưu đãi để thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Thành phố Hợp Phì và các quỹ liên quan đã mua 24% cổ phần hãng xe điện Nio vào năm 2020, trong khi các quỹ kết nối với chính quyền thành phố Hàng Châu đầu tư 3 tỷ nhân dân tệ vào Chiết Giang LeapMotor Technologies Ltd. trong vòng gọi vốn trước IPO.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hỗ trợ quá trình xây dựng các cơ sở hạ tầng sạc điện trên khắp cả nước, đồng thời cam kết trợ cấp cho các bộ sạc công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu của hơn 20 triệu phương tiện năng lượng mới vào cuối năm 2025. Gần 20 tỷ nhân dân tệ đã được dùng để quảng bá xe điện.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã được hưởng lợi từ chính sách cho vay hào phóng, song không phải dòng xe nào bán chạy cũng nhờ trợ cấp chính phủ. Chẳng hạn, lợi thế chi phí 25% so với các đối thủ châu Âu đối với BYD Seal - một mẫu xe điện tầm trung có giá chỉ 45.000 euro (48.000 USD) chủ yếu nhờ nỗ lực của chính hãng xe.
4. Hỗ trợ hoạt động R&D
Trợ cấp nghiên cứu và phát triển chủ yếu được chi trả ở cấp tỉnh hoặc địa phương, bao gồm các khoản trợ cấp đặc biệt cho công nghệ chủ chốt, phát triển phương tiện sử dụng năng lượng mới cũng như các bộ phận cốt lõi.
Chẳng hạn, tỉnh Hồ Nam (nơi BYD đặt nhà máy) vào tháng 1 cho biết sẽ trợ cấp 5 triệu nhân dân tệ phát triển một mẫu xe chở khách mới. Giới chức địa phương cũng tuyên bố chi tối đa 50 triệu nhân dân tệ cho các nhà sản xuất ô tô thành lập trung tâm R&D để hiện thực hóa giấc mơ chinh phục thị trường xe điện.
Hiện tại, ⅔ số xe điện được bán trên toàn cầu vào năm ngoái đều xuất xưởng từ Trung Quốc nhờ một loạt chính sách hỗ trợ, bao gồm trợ cấp, giảm thuế và hợp đồng mua sắm. Thị phần toàn cầu được dự báo sẽ trở nên cân bằng hơn vào năm 2035 mà ở đó, thị phần Trung Quốc giảm xuống còn khoảng 30%, châu Âu 28% và Mỹ tăng lên 25%, theo Moody's.
Theo Raychaudhuri của BNP, trong thời gian tới, rất khó để thế giới phá vỡ sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Các nhà cung cấp pin EV tại đây đã chủ động thích ứng, tập trung vào những đột phá về công nghệ, đa dạng hóa mạng lưới khách hàng và tăng cường quan hệ đối tác quốc tế.
Theo: Bloomberg, The Economist