Cách trồng dưa chuột ở ban công chưa đầy 2 tháng đã thu hoạch

Mai Mai/VTC NEWS |

Dưa chuột rất dễ phát triển và cho quả nên phù hợp để trồng trong thùng xốp, cách trồng dưa chuột ở ban công cũng đơn giản, sau chừng tháng rưỡi là có thể thu hoạch.

Dưa chuột dù ăn sống hay chín đều rất ngon, lại không cung cấp nhiều calo nên bạn có thể ăn thoải mái mà không sợ béo. Là thực phẩm lành mạnh nhưng dưa chuột trên thị trường lại dễ gây độc do tồn dư thuốc bảo quản thực vật. Vì thế, nhiều người thích trồng dưa chuột ở ban công để tự cung cấp, đảm bảo an toàn.

Nếu trồng ban công, nên chọn giống dưa chuột lùn. (Ảnh: Blog.igarden)

Cách trồng dưa chuột ở ban công

Dưa chuột là loại cây rất dễ trồng, nhanh phát triển và cho quả. Chỉ cần một cái chậu hay thùng xốp ở ban công là bạn có thể bắt tay vào canh tác.

Trồng dưa chuột vào thời gian nào?

Thời gian trồng dưa chuột phù hợp nhất là từ tháng 1 đến tháng 3 và từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Trong điều kiện bình thường, nhiệt độ sinh trưởng tối ưu của dưa chuột là từ 20-30 độ C; độ ẩm được duy trì ở mức 70%- 80% là lý tưởng.

Chọn đất và gieo hạt

Để đảm bảo hạt nảy mầm và phát triển, đất cần được giữ ẩm nhưng không quá ướt. Đất trồng dưa chuột nên chọn loại đất canh tác hoặc đất than bùn có độ thoát nước tốt.

Hạt dưa chuột có thể đem trồng vào cốc mạ hoặc luống gieo hạt, khoảng hai ngày sẽ nảy mầm. Cây con có thể được cấy sau nửa tháng sinh trưởng, tốt nhất nên thực hiện vào buổi tối của ngày nắng. Khi cây dưa chuột phát triển, cần kiểm soát nước và phân bón hợp lý để cây không phát triển cành ngọn quá mức.

Cách trồng dưa chuột ở ban công không khó. (Ảnh: Blog.igarden)

Chăm sóc cây dưa chuột

Khi cây phát triển được 2 tuần, nên bón phân hữu cơ để tăng độ phì cho đất. Bón phân lót đầy đủ là yếu tố chính giúp dưa chuột khỏe mạnh và nhanh ra quả.

Khi cây mọc được 6 - 8 lá, nên dựng khung hoặc lưới để cây có giàn leo lên.

Khi cây đã phát triển lá, có thể bón thúc và dựng giàn cho dây leo. (Ảnh: Blog.igarden)

Khi cây bắt đầu phát triển ở giai đoạn sau, cần lưu ý phương pháp cắt tỉa. Các cành sẽ mọc nhiều khi cây bắt đầu ra quả. Nên cắt tỉa tất cả các cành có dưới 10 mắt, những lá già, bệnh ở phần dưới để tránh tiêu hao quá nhiều chất dinh dưỡng, đồng thời đảm bảo thông gió và giảm sâu bệnh.

Phòng trừ sâu bệnh khi trồng dưa chuột

Khi trồng dưa chuột ở ban công, bạn thường phải đối mặt với bệnh phấn trắng, trên lá xuất hiện những đốm trắng, sau đó chuyển sang màu xám hoặc xám đen. Vì bệnh phấn trắng có xu hướng xuất hiện ở môi trường khô hạn nên bạn không nên để cây thiếu nước. Khi tưới, nên phun nước toàn bộ cây dưa chuột để tăng độ ẩm.

Cây dưa chuột thường dễ bị bệnh phấn trắng và rệp. (Ảnh: Blog.igarden)

Côn trùng gây hại phổ biến nhất ở dưa chuột là rệp. Thông thường khi thời tiết nóng và cây bắt đầu suy yếu, rệp sẽ xuất hiện với số lượng lớn. Khi đó, lá chuyển sang màu vàng, bị quăn, nụ hoa bị biến dạng. Để trị rệp, bạn có thể hòa nước rửa chén với nước và xịt lên thân cây. Cách này rất an toàn và hiệu quả cao.

Thu hoạch dưa chuột

Thời điểm thu hoạch tốt nhất là khi vỏ dưa chuột chuyển từ màu xanh đậm sang xanh sáng và cuống hoa chưa rụng. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch lần đầu đối với dưa chuột là khoảng 35 ngày.

Những quả dưa chuột đầu tiên cần được hái kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của những quả tiếp theo, khiến chúng bị biến dạng hoặc rụng sớm, từ đó ảnh hưởng đến năng suất.

Sau khoảng 30-35 ngày trồng dưa chuột ở ban công, bạn có thể thu hoạch. (Ảnh: Blog.igarden)

Lưu ý khi trồng dưa chuột ở ban công

- Không trồng dưa chuột trong chậu hoặc đất đã dùng để trồng loại cây này trước đó, vì cây sẽ sinh trưởng kém. Bạn cần cải tạo đất, bón phân trước khi trồng cây dưa chuột mới.

- Không trì hoãn thu hoạch khi đến thời điểm thu hoạch. Quả treo lâu trên cây sẽ tiêu hao chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của quả sau này.

- Chú ý bổ sung nước đầy đủ. Dưa chuột có hệ thống rễ nông nên dễ bị thiếu nước trong quá trình trồng trọt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại